Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăn trở tiêu chí về môi trường

Nguyễn Mai| 19/05/2017 06:25

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường còn không ít khó khăn, trăn trở.

Nghề thu gom, tái chế phế thải gắn bó với người dân thôn Xà Kiều, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, hàng chục năm nay. Hằng ngày, người dân địa phương thu mua hàng tấn "đồng nát" ở khắp nơi về phân loại kéo theo lượng lớn rác thải, trong đó khoảng hai tấn xả ra môi trường. Do chưa thống nhất được giá thuê đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý, thành thử nhiều hộ đã tự đốt rác, gây ô nhiễm. Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu cho biết, thực trạng này kéo dài năm này qua năm khác, ảnh hưởng lớn đến chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.


Hoạt động thu gom, tái chế phế liệu ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) gây ô nhiễm.


Không riêng thôn Xà Kiều, ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố khiến một số xã chưa hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường (trong xây dựng nông thôn mới). Xét từng chỉ tiêu, tính đến quý I-2017, toàn thành phố có 100% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 41% số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; hơn 84% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% huyện đã có đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt... Đến nay, Hà Nội có 353/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Tuy nhiên, trong các đợt kiểm tra, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít xã đạt trọn vẹn tiêu chí môi trường.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, về chỉ tiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn theo quy định, trên địa bàn thành phố ít xã đạt; việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm diện tích cây xanh, xử lý nước thải, tường bao và các công trình phụ trợ...

Theo bộ tiêu chí về xã nông thôn mới của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm bao gồm 8 chỉ tiêu. Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tích cực chủ động của nhân dân trong bảo vệ môi trường. Ông Dương Hồng Điệp, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới huyện Ứng Hòa, tiêu chí môi trường là tiêu chí mềm, có nhiều biến động nên cần duy trì thường xuyên đối với các xã đã đạt. Với xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa đã đề xuất thành phố phương án xử lý, thời gian tới sẽ triển khai thực hiện.

Để bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chất lượng môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững ở nông thôn, tại hội nghị giao ban quý I, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã trình UBND thành phố ban hành kế hoạch về xử lý môi trường làng nghề, đặc biệt là các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, chọn phương thức xã hội hóa nguồn vốn xử lý nước thải, thu gom rác thải. Tuy nhiên, đối với các làng nghề có rác thải nguy hại như nghề giày da xã Phú Yên (Phú Xuyên) và nghề tái chế phế liệu ở xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) cần có hệ thống xử lý riêng.

Liên quan đến đề xuất mô hình lò đốt rác quy mô nhỏ ở một số làng nghề, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, cân nhắc kỹ trước khi đầu tư, đồng thời xin ý kiến các sở, ngành liên quan, hướng dẫn xây dựng lò đốt rác quy mô, bài bản theo vùng. Trước mắt, các hộ gia đình ở nông thôn ký hợp đồng với đơn vị môi trường để thu gom rác thải làng nghề đến nơi xử lý đúng quy chuẩn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở tiêu chí về môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.