Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ lụy từ chậm giải phóng mặt bằng

Kim Vũ| 10/08/2017 07:16

(HNM) - Hiện nay, do Dự án thoát nước sông Lừ, đoạn từ đường Trường Chinh đến ngõ 43 Đông Tác (phường Trung Tự, quận Đống Đa) chưa hoàn thiện và bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý nên nhiều hộ kinh doanh đã lợi dụng tình trạng này để họp chợ, gây mất trật tự đô thị.


Từ tháng 3-2014, UBND phường Trung Tự đã gửi thông báo tới 182 hộ dân, 5 cơ quan và toàn bộ khu chợ đồ cũ Đông Tác về việc bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án thoát nước sông Lừ. Đến tháng 4-2015 dự án cơ bản hoàn thành.

Tuy vậy, theo ông Đặng Minh Chính, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự, hiện vẫn còn 16 hộ dân chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ do có kiến nghị về giá nhà tái định cư, chính sách đền bù, hỗ trợ. Việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực này còn kéo theo hệ lụy là gia tăng tình trạng mất trật tự đô thị tại ngõ 43 Đông Tác.

Người dân tập kết rác, phế thải bừa bãi ven sông Lừ (ngõ 43 Đông Tác).


Theo phản ánh của người dân, các hộ kinh doanh sử dụng đường đi quanh ngõ 43 Đông Tác để bán hàng, biến sân chơi của khu tập thể A2 Khương Thượng không khác gì một chợ thu nhỏ. Lối đi cũng bị căng ô, che bạt, để quần áo cũ, vải; một số hộ chuyên buôn bán phế liệu tràn ra đường đi và xả rác bừa bãi...

"Nhiều lần lực lượng chức năng của phường đã ra quân giải tỏa hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lối đi nhưng khi lực lượng rời đi họ lại tiếp tục vi phạm. Các xe rác, thùng rác được đặt tại các vị trí thuận lợi nhưng người dân vẫn chưa có ý thức tập kết đúng nơi quy định. Nhiều điểm phế thải chiếm tới 1/2 lòng đường khiến cho việc đi lại của người dân gặp khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông" - Ông Đặng Minh Chính cho biết thêm.

Trước những khó khăn về công tác GPMB, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 21-6-2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan để xem xét kiến nghị của nhân dân tại ngõ 43 Đông Tác. Cụ thể, qua kiểm tra đo đạc thực tế, chiều dài đất của các hộ dân tính từ mép bờ kè ra là 17-19m. Nếu thu hồi đất giống các khu vực xung quanh (gồm lòng đường 5,5m, vỉa hè hai bên rộng 1-3m) thì phần diện tích đất trung bình còn lại của các hộ dân sau khi thu hồi GPMB vẫn đủ điều kiện xây dựng công trình theo quy định.

Ngày 8-9-2016, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 195/TB-UBND kết luận, các đơn vị liên quan tiếp tục vận động các hộ dân để đo vẽ diện tích đất, thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt để trồng cây xanh. Nếu cần thiết thì chuẩn bị và hoàn tất thủ tục thực hiện cưỡng chế phục vụ công tác khảo sát điều tra. Sau khi có chỉ đạo của UBND thành phố, từ hơn 100 hộ dân chưa thể GPMB, nay chỉ còn 16 hộ chưa chấp nhận phương án đền bù.

Trong khi các đơn vị GPMB đang tiếp tục thuyết phục, vận động 16 hộ dân còn lại thực hiện đo vẽ để GPMB thì việc lấn chiếm dọc bờ sông Lừ, đặc biệt là ở những nơi đã và đang thi công, chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý để kinh doanh, xả rác bừa bãi vẫn tiếp tục diễn ra. Việc chây ỳ, thiếu ý thức của các hộ kinh doanh nơi đây đã làm cảnh quan khu vực ngõ 43 Đông Tác trở nên tạm bợ, mất mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ chậm giải phóng mặt bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.