Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa yên tâm với nông sản VietGAP

Ngọc Quỳnh| 25/08/2017 07:05

(HNM) - Cơ quan chuyên môn chưa thể yên tâm với nông sản VietGAP bởi không chỉ khó khăn trong khâu tiêu thụ mà còn một số nông dân chưa tuân thủ đúng quy trình nên chất lượng không bảo đảm...


40% người tiêu dùng thiếu niềm tin

Hiện cả nước có 25.000ha và hơn 100 trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định: Ở các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc đồng ruộng, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi phát hiện mẫu vi phạm. Ngoài ra, giá bán nông sản VietGAP hiện cao hơn từ 17% đến 20% so với sản xuất theo hướng thông thường nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) Nguyễn Đức Thuật: 200ha rau của xã sản xuất theo quy trình an toàn nhưng khi tiêu thụ trên thị trường lại không được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP và chưa xây dựng được thương hiệu, nên vẫn bị thương lái bán lẫn với rau không có nguồn gốc.

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương cho biết: Để bảo đảm độ tin cậy các mặt hàng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, cơ quan chức năng phải lấy mẫu xét nghiệm nhưng việc này rất phức tạp. Các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP nhiều, nhưng công tác lấy mẫu của các đoàn kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên vì thiếu kinh phí. Hiện để lấy mẫu xét nghiệm chuyên sâu tại phòng thí nghiệm phải mất từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/mẫu rau, thịt; thời gian chờ kết quả xét nghiệm là một tuần, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm.

Trong khi đó, bản thân người tiêu dùng cũng chưa thực sự yên tâm về chất lượng sản phẩm VietGAP. Theo khảo sát của Dự án tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc cho thấy: 40% người tiêu dùng cho biết thiếu niềm tin vào quy trình chứng nhận rau an toàn và người bán; 8% cho biết hoàn toàn không tin tưởng vào quy trình chứng nhận nông sản theo VietGAP.

Giám sát chặt chẽ

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho rằng: Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo VietGAP. Song, nếu các tỉnh, thành phố chỉ dừng lại ở việc cấp giấy chứng nhận và kiểm tra từ một đến hai lần/năm thì độ tin cậy thấp. Trong khi đó, thị trường biến động nhanh, chỉ sau một vài tháng nông dân lại sản xuất, đưa ra một đợt rau, củ, quả khác với mẫu đã đăng ký với cơ quan chức năng để được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy, các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát ngay tại đồng ruộng, trang trại từ khâu nhập vật tư đầu vào đến tiêu thụ trên thị trường.

Các địa phương tăng cường mở các lớp tập huấn, từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống sang ghi chép sổ sách nhật ký để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Trên cơ sở quy hoạch của Bộ, tùy vào điều kiện cụ thể của địa phương chỉ mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP có lợi thế về đất đai, khí hậu. Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, cử cán bộ giám sát ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, nếu phát hiện vi phạm cần tịch thu giấy chứng nhận đã cấp. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, chi phí xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm cho những hợp tác xã, doanh nghiệp đạt chuẩn đến tay người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa yên tâm với nông sản VietGAP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.