Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Ngọc Quỳnh| 13/11/2017 07:11

(HNM) - Thời gian qua xuất hiện tình trạng phân bón dư thừa quá lớn, sản phẩm kém chất lượng, hàng giả... khiến nông dân lúng túng trong nhận biết, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Khi mua phân bón, nông dân khó có thể nhận biết được đâu là loại chất lượng tốt. Ảnh: Đức Nghiêm


“Ma trận” hàng giả, hàng nhái

Theo Bộ NN&PTNT, đến nay phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, gồm cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Với 706 cơ sở sản xuất và nhập khẩu phân bón, mỗi năm tổng sản lượng lên đến 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước. Do lượng phân bón dư thừa cùng tình trạng phân bón giả, kém chất lượng trà trộn ở thị trường khiến nông dân lúng túng trong lựa chọn. Đa số nông dân chỉ mua phân bón theo kinh nghiệm và còn tâm lý ham rẻ nên dễ nhầm lẫn, dẫn tới hệ lụy: Giảm năng suất, sản lượng cây trồng; tổn thất tiền bạc...

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, với số lượng sản phẩm phân bón quá lớn như hiện nay, cho thấy sự buông lỏng công tác quản lý thời gian qua. Tại các nước trong khu vực Châu Á như: Thái Lan, Malaysia... chỉ có khoảng 1.000 sản phẩm, nên dễ quản lý.

Về tình trạng phân bón kém chất lượng, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết: Thời gian qua, Hiệp hội điều tra hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước, sau đó làm điểm tại TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra tại một quận của TP Hồ Chí Minh, với 56 cơ sở sản xuất phân bón thì phát hiện có 20 đơn vị không có giấy phép hoạt động. Các cơ quan chức năng đã khởi tố 13 vụ và bắt 13 bị can buôn bán phân bón giả.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh (Hà Nội) Nguyễn Thị Vinh Thủy, hiện thị trường phân bón như “ma trận” với rất nhiều hàng giả, hàng nhái, khiến việc kiểm tra chất lượng gặp nhiều khó khăn. Khi phát hiện nghi sản phẩm kém chất lượng, Đoàn kiểm tra phải gửi mẫu đi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm. Do phải chờ kết quả từ 1 đến 2 tháng, thời gian đó có thể đủ để người kinh doanh tiêu thụ hết số sản phẩm...

Bên cạnh đó, một số đơn vị cung ứng phân bón chưa có sự phối hợp với đơn vị quản lý và chính quyền địa phương trong tổ chức giới thiệu thành phần, hàm lượng trong phân bón; chưa có hướng dẫn người dân sử dụng đúng quy trình, kỹ thuật...

Tăng cường quản lý chất lượng

Ngày 20-9-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2017/ NĐ-CP về quản lý phân bón với mục đích siết chặt từ khâu kỹ thuật sản xuất đến lưu hành... khi bán ra thị trường. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho rằng, hiện tại, nghị định quản lý phân bón ban hành giao quyền chủ yếu cho các địa phương trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý phân bón, các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối, lưu thông, đặc biệt là khâu kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 108/2017/NĐ-CP có nhiều điểm mới, song để thực sự đi vào cuộc sống, đặc biệt là việc quản lý chất lượng từ các nhà máy đến đại lý phân phối cần có sự tập huấn, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, buôn bán, lưu thông... Đối với các đại lý phân bón, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được phép hoạt động.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, để tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng, thời gian tới, Sở NN&PTNT cần phối hợp với địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng; kinh doanh không đúng với quảng cáo, sai sự thật...; đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho nông dân sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng” (bón đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm, đúng phương pháp) bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Để nghị định mới về quản lý phân bón đi vào cuộc sống, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương cần có những động thái tích cực, xử lý kiên quyết, dứt điểm ngay từ khâu sản xuất tại nhà máy đến lưu thông. Qua đó, bảo đảm sự công bằng, minh bạch về chất lượng phân bón; đồng thời thực hiện đúng chức năng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Toàn thành phố có hơn 18.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thì cấp huyện quản lý 90%, song đều có quy mô nhỏ lẻ. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở kiểm tra 950 cơ sở thì phát hiện hơn 200 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vi phạm chất lượng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.