Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi động thị trường đặc sản Tết

Sơn Tùng| 21/01/2018 07:47

(HNM) - Cùng với các loại nông sản và cây cảnh truyền thống, Tết Mậu Tuất là dịp để nông dân giỏi của Thủ đô trình làng các loại hoa, cây cảnh, vật nuôi ngon, lạ, chất lượng cao... nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.


Ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai), nổi tiếng với việc ghép thành công cây có từ 5 đến 7 loại quả. Ảnh: Thái Hiền


"Đồ lạ"... lên ngôi

Với vẻ rạng rỡ, ông Phùng Văn Điển (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Tết này vườn bưởi Diễn của tôi “cháy hàng” bởi quả có mã vàng sáng, bóng, mịn, chất lượng tốt...". Không kém phần hấp dẫn, vùng bưởi tôm vàng của huyện Đan Phượng cũng là đặc sản được nhiều bà nội trợ “săn” làm quà biếu và phục vụ gia đình.

Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng tự hào: Với vị ngon, ngọt và hương thơm đặc biệt, nếu dùng tay bóc bưởi thì cả ngày cũng không hết mùi thơm. Năm nay, các vườn bưởi chất lượng cao đều được huyện Đan Phượng cấp mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... Thời điểm này, các vườn bưởi tôm vàng đạt chất lượng loại 1 đều đã được khách đặt hết.

Một loại quả không phải dùng để ăn trong ngày Tết nhưng được không ít người săn lùng, đó là những quả phật thủ to, đẹp, nhiều tay. Ông Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, Hoài Đức cho biết: Ngay từ giữa tháng Một âm lịch, nhiều người đã đến các vườn phật thủ để chọn, đặt. Với quả đẹp, độc, lạ, nhiều người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để mua về.

Ông Lê Đức Giáp (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai), nhiều năm nay nổi tiếng với việc ghép thành công cây có từ 5 đến 7 loại quả. Loại cây này đang chiếm được cảm tình của một bộ phận dân sành chơi bởi yếu tố độc, lạ, vui mắt... Dù giá dao động từ 1 triệu đồng đến cả chục triệu đồng/cây, song do nguồn cung ít nên loại cây này luôn trong tình trạng khan hiếm dịp Tết...

Còn với các vườn quất cảnh nổi tiếng của Hà Nội như Tứ Liên, Nhật Tân (quận Tây Hồ), Tàm Xá (Đông Anh)… hiện cũng vào vụ tất bật. Dù đã xuất hiện tại thị trường vài năm trở lại đây nhưng các loại quất chậu, bon sai vẫn là mặt hàng được nhiều người yêu thích lựa chọn. Nét mới năm nay, theo nghệ nhân Trương Ngọc Xuân, chủ “vườn cây ông Trương” quận Tây Hồ cho biết, quất được trồng trên các chậu có hình chú chó chất liệu gốm Bát Tràng với dụng ý một năm Mậu Tuất nhiều may mắn, tài lộc. Sự mới lạ này được nhiều người tiêu dùng quan tâm và được xếp vào các mặt hàng độc, lạ của thị trường hoa, cây cảnh năm nay. Ngoài nguồn cung từ các vùng quất nổi tiếng của Hà Nội, thì nông dân của các tỉnh lân cận như Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cũng cung cấp lượng lớn quất bon sai, quất chậu... cho thị trường Thủ đô.

Thịt lợn rừng hút khách

Giá thịt lợn nhiều thời điểm trong năm 2017 bị sụt giảm nặng nhưng ngược lại, các hộ dân và các trang trại chăn nuôi lợn đặc sản như lợn hương, lợn rừng, lợn thảo dược ở các huyện: Thạch Thất, Sóc Sơn, Phúc Thọ… luôn giữ giá. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng này có sức tiêu thụ tăng tới 100%.

Chủ trang trại lợn rừng Hoa Viên (huyện Thạch Thất) - bà Trương Kim Hoa cho biết, khách hàng đặt lợn rừng để ăn Tết từ tháng Mười âm lịch. Lợn rừng chủ yếu nuôi theo kiểu bán hoang dã, thả đồi, cho ăn các loại cỏ voi, chè lá to, rau và các loại thảo dược nên chất lượng thịt có hương vị rất riêng. Dự kiến dịp Tết, trang trại Hoa Viên cung cấp khoảng 200 tấn thịt lợn rừng. Không chỉ các sản phẩm đặc sản lợn rừng mà các loại rau rừng, rau hữu cơ của trang trại cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng... Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi lợn sinh học, lợn rừng tại Phúc Thọ đã sẵn sàng cung ứng khoảng 500 tấn thịt lợn rừng, lợn hương các loại phục vụ nhân dân...

Ông Trần Mạnh Chiến, chuỗi cửa hàng thực phẩm "Bác Tôm" cho biết, sức tiêu thụ của thị trường Hà Nội tăng rất mạnh thời gian tới. Ngoài đặc sản do nông dân trên địa bàn thành phố cung ứng thì lượng lớn đặc sản các loại từ khắp các vùng, miền trong cả nước cũng “sẵn sàng” về thị trường Thủ đô như: Cá sông Đà, hải sản Phú Quốc, chả, cá, mực, gà đen… đến các loại rau, củ, quả chất lượng cao.

Ông Nguyễn Bá Bằng, Trưởng phòng Xúc tiến nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại, Du lịch Hà Nội báo tin vui: Năm nay, Hà Nội có riêng một “chợ” chuyên cung ứng đặc sản từ khắp các tỉnh về Hà Nội như rau, củ, quả, thịt gà, bò, cá... tại phố Tạ Quang Bửu… Những mặt hàng này được kiểm soát chất lượng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động thị trường đặc sản Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.