Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả

Thùy Linh| 22/01/2018 07:01

(HNM) - Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, bên cạnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang hoạt động, TP Hồ Chí Minh đang có hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển.


Nhiều điều kiện thuận lợi

Để tạo lập môi trường thuận lợi, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 1339/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, với nhiều giải pháp như đưa chương trình, giáo trình đào tạo về phát triển ý tưởng khởi nghiệp, kỹ năng định hướng phát triển thị trường sản phẩm, kỹ năng quản trị doanh nghiệp... vào các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên nghiệp và các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Thành phố cũng yêu cầu tổ chức ngày hội khởi nghiệp cấp thành phố hằng năm; cung cấp cơ sở dữ liệu về khởi nghiệp, liên kết các vườn ươm và các nhà cung cấp dịch vụ, các quỹ đầu tư để tìm kiếm nguồn vốn.

Doanh nghiệp khởi nghiệp trưng bày sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp 2017.

Nhờ vậy, hiện TP Hồ Chí Minh có nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh; Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung; Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Trường Đại học Bách khoa; Vườn ươm doanh nghiệp khu công nghệ cao… Sở Công Thương thành phố cũng đã xây dựng Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhằm cung cấp không gian làm việc; các phần mềm quản lý, các dịch vụ như đăng ký kinh doanh, báo cáo thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp; mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ… Sở Khoa học và Công nghệ có Không gian khởi nghiệp và sáng tạo TP Hồ Chí Minh (SIHUB) đóng vai trò là cầu nối giữa Nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo...

Với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị trên, có nhiều công ty, dự án đã nhận được những điều kiện thuận lợi, thiết thực để phát triển. Chẳng hạn, Công ty TNHH Sài Gòn TCS được thành phố duyệt tài trợ 700 triệu đồng trong chương trình hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện Đề án Phát triển bộ sản phẩm máy hơ ngải cứu và nhang ngải cứu, một dự án sử dụng dược liệu và các sản phẩm cổ truyền để trị bệnh. Hay Công ty Gcall khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam và Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nên hoạt động rất hiệu quả….

Quyết tâm gỡ bỏ vướng mắc

Theo ông Phạm Tấn Phúc, người sáng lập Gcall, sự hỗ trợ kịp thời của các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đã tạo nguồn lực cho những công ty khởi nghiệp có thể bước ra cạnh tranh trên thị trường. Hiện, lợi thế của các công ty khởi nghiệp là có nhiều tổ chức hỗ trợ. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn khi có nhiều tổ chức hỗ trợ nhưng các công ty khởi nghiệp không biết “gõ cửa” từ đâu vì thiếu thông tin.

Đồng ý kiến, các doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động, trong khi công tác hỗ trợ còn hạn chế. Chẳng hạn, hiện Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh có hai quỹ hỗ trợ khởi nghiệp về tài chính là Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo. Tuy nhiên, các chính sách này chưa dễ tiếp cận với các doanh nghiệp khởi nghiệp… Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp gặp những vướng mắc khác, như các ngành nghề mới, sáng tạo, chưa có trong hệ thống ngành nghề được Chính phủ quy định nên việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi...

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng cố vấn của Không gian khởi nghiệp và sáng tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể và định hướng cho họ theo lĩnh vực đó. Ví dụ, muốn có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì phải tạo dựng hệ sinh thái cho chính ngành này như xây dựng khu công nghệ cao, kết nối giữa các doanh nghiệp với kinh doanh để ứng dụng và đưa sản phẩm ra thị trường hiệu quả…

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ các đơn vị phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp ngoài các hoạt động hỗ trợ như năm 2017, sẽ tổ chức các lớp học phổ biến thông tin hội nhập kinh tế quốc tế để trang bị thêm kiến thức cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu, đề xuất, ban hành các chính sách mới để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hình thành và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.