Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn

Ngọc Quỳnh| 16/04/2018 07:19

(HNM) - Huyện Sóc Sơn đã và đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, ít mô hình trang trại nên thời gian tới, huyện tiếp tục tháo gỡ khó khăn để đưa mô hình này phát triển bền vững, hiệu quả…

Mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn đang phát huy hiệu quả.


Theo Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, hiện tổng đàn gà trên địa bàn khoảng một triệu con, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Trí, Minh Phú. Đây là những xã có diện tích đất đồi rộng, điều kiện tốt để nuôi theo hướng bán chăn thả nên gà đồi Sóc Sơn có chất lượng thịt thơm ngon.

Theo ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, Hội có khoảng 30 thành viên, quy mô chăn nuôi từ 60.000 đến 70.000 con/năm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua được sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, nhờ đó, giá bán cao hơn 10% so với trước khi tham gia chuỗi.

Hiện tại, hoạt động tiêu thụ sản phẩm các chuỗi bước đầu ổn định, thông qua hợp đồng rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm thành viên tham gia chuỗi. Không những quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khi nhập con giống, tới chăm sóc, hiện Sở NN&PTNT đã hỗ trợ người dân xây dựng khu giết mổ, sơ chế, đóng gói sản phẩm gà đồi Sóc Sơn tại xã Quang Tiến, bảo đảm công suất 360.000 con/năm và đúng quy định về an toàn thực phẩm.

Hoạt động này cũng nhằm phục vụ chiến lược phát triển gà đồi Sóc Sơn trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc, Hội đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gà đồi Sóc Sơn.

Đánh giá về mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn theo chuỗi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho biết: Khi các hộ dân tham gia tổ chức theo chuỗi đã làm giảm chi phí sản xuất do giá nhập các nguyên liệu đầu vào như: Thức ăn, con giống, thuốc thú y giảm hơn so với nhập lẻ. Thành viên tham gia chuỗi có lịch sản xuất cụ thể, giảm thiểu sự tập trung sản xuất theo mùa vụ như trước, giúp ổn định nguồn hàng trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với tiêu dùng…

Về hiệu quả sản phẩm gà đồi được đăng ký thương hiệu, ông Nguyễn Văn Thứ ở xã Bắc Sơn huyện Sóc Sơn chia sẻ, hiện gia đình đang nuôi khoảng 3.000 gà thịt, sau khi sản phẩm được đăng ký thương hiệu đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng; tăng hiệu quả về kinh tế từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây.

Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, người dân còn khó khăn do thiếu vốn để mở rộng quy mô trang trại. Ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cho biết: Các thủ tục bao gói lưu thông ra thị trường còn vướng ở một số khâu, nhất là tem nhãn, thiết bị bảo quản sản phẩm. Do thói quen của người tiêu dùng vẫn sử dụng gà sống, gà lông, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm đóng gói của chuỗi. “Đầu ra” cho sản phẩm gà sau khi sơ chế, đóng gói còn hạn chế do chưa liên kết được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Công tác quản lý còn bất cập, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán trên thị trường dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh…

Để mô hình gà đồi Sóc Sơn phát huy hiệu quả, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đề nghị huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh cho mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa sản phẩm có nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường; đồng thời, mở các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức chăm sóc, cách tiếp cận thị trường, sản xuất theo nhu cầu tiêu dùng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.