Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Trung Nguyên| 11/07/2018 07:30

(HNM) - Thời gian qua, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã giúp nhiều hộ nông dân ngoại thành vay vốn mạnh dạn đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp theo cách hiệu quả, bền vững.

Ảnh minh họa (Ảnh: Đảng cộng sản)


Từ năm 2012, TP Hà Nội triển khai thực hiện "Thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016", trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp..., sẽ được ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm...

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lê Lưu Cầu cho biết: Hiệu quả từ việc hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp khá rõ rệt, góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và tăng thu nhập cho nông dân. Do đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 31-12-2016, kéo dài thời gian thực hiện thí điểm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đến hết năm 2020.

Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông thành phố để hỗ trợ nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác thẩm định phương án đề xuất vay vốn cơ giới hóa để kịp thời giải ngân nguồn vốn cho người sản xuất. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, trên cơ sở tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định thực tế và trình phương án sản xuất của hộ gia đình có nhu cầu vay vốn cơ giới hóa trên địa bàn thành phố, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giải ngân 74 phương án xin vay cơ giới hóa với tổng số gần 30 tỷ đồng cho hộ nông dân tại địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức…

Huyện Ứng Hòa là địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất, nhì TP Hà Nội. Năm 2017, toàn huyện có 5 trường hợp ở các xã Quảng Phú Cầu, Đông Lỗ, Trường Thịnh, Sơn Công, Trung Tú được Quỹ Khuyến nông thành phố hỗ trợ tổng số 2 tỷ đồng để mua 5 máy gặt đập liên hợp. Năm 2018 có 2 trường hợp được hỗ trợ 500 triệu đồng để mua máy làm đất. Ngoài ra, còn có 2 hộ gia đình được hỗ trợ một phần kinh phí để mua máy cấy lúa là ông Chu Văn Hùng (xã Minh Đức), ông Lê Văn Bình (xã Phương Tú). Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Nhằm thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa, huyện đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương, phấn đấu nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy máy lên hơn 20% vào năm 2020.

Riêng huyện Sóc Sơn có số hộ nông dân được Quỹ Khuyến nông thành phố giải ngân, hỗ trợ vay vốn với mục đích cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhiều nhất thành phố. Chỉ tính trong 2 năm 2017-2018, Sóc Sơn có 14 hộ được hỗ trợ tổng số 3,9 tỷ đồng để mua máy gặt đập liên hợp, mỗi hộ được vay từ 400 đến 500 triệu đồng; 2 hộ được hỗ trợ 650 triệu đồng mua máy kéo…

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu, thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho vay đầu tư cơ giới hóa, mua máy phục vụ các khâu sản xuất lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.