Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm thương hiệu bằng chỉ dẫn địa lý

Mai Hà| 04/09/2018 06:57

(HNM) - Việc bảo hộ sản phẩm bằng chỉ dẫn địa lý ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp gia tăng giá trị hàng hóa Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, việc mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương ký quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý là tín hiệu tích cực, không chỉ đưa hoạt động này vào nền nếp mà còn giúp doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh với thế giới.

Cà phê Sơn La - thương hiệu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.Ảnh: Minh Anh


Thiếu chính sách tổng thể

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và triển khai trên thực tế. Sau hơn 15 năm, số lượng chỉ dẫn địa lý được Việt Nam bảo hộ đã tăng nhanh. Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, dù hệ thống luật pháp về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý khá đầy đủ, song quá trình thực thi pháp luật về chỉ dẫn địa lý đã bộc lộ một số hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, có thẩm quyền về quy hoạch và quản lý sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường... Nhưng khi đưa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ra thị trường thì cần có sự tham gia của các ngành khác nhằm quảng bá, chống lại sự xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý. Trên thực tế, các ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tận dụng nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và giải pháp hỗ trợ liên quan tới chỉ dẫn địa lý.

Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa ngành Khoa học và Công nghệ và các ngành khác ở một số địa phương đã khiến việc tổ chức mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý như là trách nhiệm riêng của ngành Khoa học và Công nghệ. Trong khi đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, Nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho UBND cấp tỉnh. Ngoài quy định nói trên, nội dung này chưa được quy định tại các nghị định, thông tư... Do vẫn thiếu một khung chính sách chung về quản lý, thiếu sự thống nhất trong cách tiếp cận và cả về phương pháp cũng như năng lực nên các địa phương không biết phải làm thế nào, mỗi nơi quản lý một kiểu và đôi khi xảy ra mâu thuẫn giữa các địa phương. Các mô hình quản lý mang tính tự phát không thể giúp kết nối hoạt động sản xuất nông nghiệp với thương mại hóa sản phẩm hiệu quả.

Do thiếu một chính sách tổng thể nên các nội dung cơ bản về quản lý chỉ dẫn địa lý chưa được định hình, đặc biệt là các vấn đề về quy hoạch, tài chính, hỗ trợ pháp lý, kỹ thuật, đào tạo, thông tin, sự phối hợp của các cơ quan liên quan…, bởi vậy, quá trình thực thi quyền gặp nhiều khó khăn. Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ không có ý nghĩa nếu các chỉ dẫn không được bảo vệ hiệu quả, nếu chúng ta chưa thể loại bỏ hành vi xâm phạm quyền, khắc phục tình trạng chỉ dẫn sai lệch và cạnh tranh không lành mạnh. Thực tiễn xử lý các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho thấy, các cơ quan thực thi quyền chưa chủ động, thiếu sự hợp tác, đặc biệt là thiếu năng lực và kiến thức chuyên môn để đánh giá hành vi xâm phạm.

Chủ động vào cuộc

Nhằm tháo gỡ những khó khăn nói trên, thúc đẩy sự phát triển của chỉ dẫn địa lý, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã ký quy chế phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, sự phối hợp giữa ba bộ sẽ giúp phát huy ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa ba bộ ở cấp trung ương cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành của địa phương mình trong xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Đối với ngành Nông nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện nay, cả thị trường trong nước và thế giới đều rất chú trọng đến khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên sự phối hợp để bảo đảm chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp thông qua chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuẩn hóa hơn 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Làm tốt việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu, đồng thời góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Trước mắt, theo nội dung phối hợp đã ký, ba bộ sẽ triển khai xây dựng và phê duyệt quy chế Hội đồng tư vấn về chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao hiệu quả thẩm định đơn đăng ký cũng như hoạt động xây dựng chính sách về chỉ dẫn địa lý, công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường, xử lý hành vi xâm phạm về sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý.

Sự phối hợp giữa các ngành liên quan là rất quan trọng, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sự phối hợp đó chỉ có ý nghĩa hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là sự tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, đặc biệt là các hiệp hội và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm thương hiệu bằng chỉ dẫn địa lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.