Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi cho đôi bên

Linh Chi| 05/09/2018 06:19

(HNM) - Thương lượng tập thể và đối thoại tại doanh nghiệp là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn nhằm bảo đảm đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, cán bộ công đoàn phải làm việc bằng cái “tâm”, chia sẻ nỗi lo với người lao động và vui vì niềm vui của người lao động.

Xây dựng quan hệ lao động bền vững

Đầu năm 2018, hệ thống máy chấm công của Công ty TNHH Star Fashion (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) bị lỗi: Máy không chấm công mà tự động chuyển sang phần nghỉ không phép, khiến lương của hầu hết công nhân đều bị giảm. Cho rằng bị đối xử bất công, công nhân đã ngừng việc tập thể. Dù được xử lý ngay, song sự cố này đã khiến công việc bị xáo trộn.

Công đoàn Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất thực hiện tốt công tác đối thoại, ký Thỏa ước lao động tập thể, góp phần nâng cao đời sống người lao động.


Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Star Fashion Đào Thị Lan Anh cho biết, sau khi tổ chức Công đoàn vào cuộc, cùng với ban lãnh đạo công ty đi đến thống nhất: Thực hiện tự động thông báo kết quả chấm công trong ngày, sau đó đối chiếu với từng bộ phận để xác định, chốt kết quả và công khai bảng chấm công. Cách làm này khiến người lao động rất yên tâm. Công ty cũng hoàn đủ số lương thiếu của công nhân trong tháng xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty tổ chức đối thoại định kỳ hằng tháng (thay cho 3 tháng một lần như trước đây), thương lượng, giải quyết tất cả vướng mắc, kiến nghị, làm cho người lao động ngày càng tin tưởng vào tổ chức công đoàn. Công nhân Hà Thị Đào cho biết: “Đời sống, thu nhập được cải thiện nên người lao động thấy mình phải chăm chỉ, trách nhiệm hơn để công ty làm ăn ổn định và phát triển”.

Trong 51 năm xây dựng và phát triển của Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà (thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội), tổ chức Công đoàn đã có đóng góp không nhỏ. Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Hồng Loan cho biết, công đoàn luôn xác định làm tốt công tác đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ lựa chọn nội dung thương lượng xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp…, công đoàn đã đưa ra các điều khoản thương lượng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp.

Các thỏa ước lao động tập thể đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp chấp nhận, nhiều nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật như: Người lao động được trợ cấp khó khăn đột xuất khi mắc bệnh hiểm nghèo; được tham quan nghỉ mát; tặng bảo hiểm tai nạn và sức khỏe; được thưởng dịp lễ, Tết, hưởng ưu đãi khi nghỉ hưu và nhiều phúc lợi khác... Qua đó, đời sống người lao động được nâng cao, động viên họ an tâm sản xuất, xây dựng quan hệ lao động ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cán bộ công đoàn phải làm việc bằng cái “tâm”

Thương lượng tập thể và đối thoại có tầm quan trọng như vậy, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện tốt nhiệm vụ này. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, muốn ổn định tâm tư người lao động, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần thương lượng và đối thoại với người lao động. Muốn thương lượng và đối thoại hiệu quả, cán bộ công đoàn phải tiên phong vì quyền lợi người lao động. Chủ tịch Công đoàn phải nắm vững, sử dụng nhuần nhuyễn luật pháp, đội ngũ cán bộ công đoàn bền bỉ, thông minh và sáng tạo mới mang lại lợi ích cho đoàn viên và người lao động.

Từ thực tiễn của đơn vị, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam Huỳnh Phát Đạt cho biết, thành công lớn của Công đoàn Công ty chính là xây dựng được niềm tin với người lao động, thương lượng thành công bản Thỏa ước lao động tập thể mang lại lợi ích ngày càng tăng cho người lao động. Theo đó, sau mỗi lần sửa đổi định kỳ bản Thỏa ước lao động tập thể, lương, thưởng, phúc lợi của người lao động ít nhất bằng hoặc cao hơn 10% giá trị trước đó.

Để có được kết quả này, cán bộ công đoàn phải làm việc bằng cái “tâm”, lo cái lo của người lao động và vui vì niềm vui của người lao động; gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để xây dựng niềm tin, sự ủng hộ từ số đông công nhân. Chủ tịch Công đoàn cần đánh giá khách quan, chính xác về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đưa ra nội dung thương lượng phù hợp, tránh đòi hỏi vô lý, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên, xây dựng môi trường lao động ổn định, bền vững và lâu dài. Chính từ sự kiên trì, quyết tâm, việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

Trong các chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2018-2023), có mục tiêu 70% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng; 75% doanh nghiệp trở lên có tổ chức Công đoàn thực hiện thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể; có ít nhất 35% bản Thỏa ước lao động tập thể đạt loại A... Để thực hiện được mục tiêu này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Công đoàn thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, sẽ có nhiều giải pháp để công tác đối thoại ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững, góp sức xây dựng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi cho đôi bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.