Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: “Nước rút” để bảo đảm tăng trưởng

Nguyễn Lê| 10/09/2018 07:10

(HNM) - Trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt tối thiểu 8,3%. Tuy vậy, với kết quả đạt được trong hai quý đầu năm, chỉ tiêu trên rất khó hoàn thành nếu không có những đột phá trong những tháng cuối năm.

TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2018.


Các ngành đều tăng trưởng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 679.845 tỷ đồng, tăng 12,6% so cùng kỳ. Thành phố đã thu hút hơn 558,6 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa kể vốn điều chỉnh tăng từ các dự án và vốn mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, 8 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố ước đạt 55,34 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 24,66 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, dự báo trong quý IV-2018, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa đông và các dịp lễ, Tết.

Số liệu tổng hợp từ các sở, ngành cho thấy, nhìn chung các ngành kinh tế của thành phố đều ghi nhận tăng trưởng. Đặc biệt, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng qua ước tăng 7,51% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,31%). 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 8,31% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành.

Nhóm hàng công nghiệp cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực và duy trì được mức tăng trưởng. So với cùng kỳ, các sản phẩm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,07 tỷ USD, tăng 12,8%; hàng dệt may ước đạt 3,77 tỷ USD, tăng 5,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 1,53 tỷ USD, tăng 4,9%.

Thực hiện hàng loạt giải pháp

Mặc dù 8 tháng qua kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng khá nhưng theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 8,3% trong năm 2018 là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng của thành phố chỉ đạt 7,86%, do vậy những tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng phải đạt tối thiểu 8,7%.

Ông Vương Đức Hoàng Quân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, thành phố cần có những giải pháp mang tính đột phá. Cụ thể là đẩy mạnh song song hai trụ cột kinh tế là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong lĩnh vực xuất khẩu, thành phố đang có cơ hội xuất các sản phẩm dệt may và da giày vào thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trước căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, thành phố cần có hướng đi chủ động, vừa đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường truyền thống, vừa tập trung khai thác thị trường trong nước đối với các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh, tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp vốn là thế mạnh của thành phố để tiếp sức cho tăng trưởng. Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành lên phương án xây dựng danh mục các sản phẩm chủ lực của thành phố, trong đó ngành Công nghiệp giữ vai trò dẫn dắt.

Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ; khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp theo hướng nâng dần tỷ trọng các doanh nghiệp công nghệ cao và xây dựng các “cụm liên kết sản xuất”. Đặc biệt trong năm nay, thành phố sẽ thành lập thêm một khu công nghiệp công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu này.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh thực hiện hàng loạt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng như: Xây dựng đề án phát triển thị trường khoa học - công nghệ, giúp doanh nghiệp có thói quen đặt hàng nhà khoa học và doanh nghiệp muốn tồn tại phải tìm kiếm, kết nối với nhau; xây dựng đề án tái cơ cấu sử dụng đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát huy các cực tăng trưởng; phát triển doanh nghiệp bền vững, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo, công tác quản trị trong từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là hình thành một số doanh nghiệp toàn cầu, nguồn lực mạnh vươn tầm thế giới, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển; thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chủ yếu là công nghệ cao…

Một nhiệm vụ rất quan trọng được thành phố xác định có vai trò quyết định trong bảo đảm tăng trưởng kinh tế là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế cho thấy, khi ngành Hải quan và ngành Thuế đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian và công sức của doanh nghiệp thì hiệu quả đạt được rất rõ rệt. Hàng hóa lưu thông nhanh, tiêu dùng khởi sắc hơn, qua đó doanh nghiệp “khỏe mạnh” hơn và khả năng “sống sót” (đối với doanh nghiệp mới thành lập) cũng tăng lên. Từ kết quả này, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính mạnh hơn nữa, tất cả vì mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: “Nước rút” để bảo đảm tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.