Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là vi phạm pháp luật

30/11/2010 06:59

(HNM) - Có một số doanh nghiệp thỏa thuận với nhau để ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh. Xin hỏi, pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với những hành vi trên?

Minh Hoàng (chủ một doanh nghiệp tại quận Hai Bà Trưng)

Thạc sỹ, LS Quản Văn Minh(Công ty Luật Số 5 quốc gia, web: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 6, Điều 8, Luật số 27/2004/QH11 ngày 3-12-2004 về cạnh tranh (Luật Cạnh tranh), thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh là những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Những thỏa thuận như vậy bị cấm (quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Cạnh tranh). Theo Điều 15 Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30-9-2005, quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, thỏa thuận nhằm ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh gồm các hành vi sau: thỏa thuận không giao dịch với doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận cùng yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ khách hàng của mình không mua, bán hàng hóa, không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận; thỏa thuận cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể tham gia thị trường liên quan; thỏa thuận cùng yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ các nhà phân phối, nhà bán lẻ đang giao dịch với mình phân biệt đối xử khi mua, bán hàng hóa của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận theo hướng gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp này; thỏa thuận cùng mua, bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá đủ để doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận không thể mở rộng thêm quy mô kinh doanh.

Doanh nghiệp tham gia thỏa thuận những nội dung nêu trên có thể bị phạt tiền từ 5% đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm, ngoài ra còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là vi phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.