Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bão đi, lũ còn đó!

ANHTHU| 30/09/2009 07:23

(HNM) - Suốt đêm qua, bão số 9 vẫn hoành hành trên dải đất miền Trung. Gió giật liên hồi, bão tố quần thảo không chút thương xót từng mái nhà, ruộng lúa, bãi ngô, ao tôm, hồ cá. Mấy chục sinh mạng đã bị bão vùi dập, hàng vạn gia đình phải dời nhà lánh nạn. Hôm nay 30-9, bão dữ có thể suy yếu, di chuyển sang Lào, nhưng miền Trung vẫn dầm mình trong lũ dữ.

Lực lượng cứu hộ tỉnh Thừa Thiên Huế giúp dân ra khỏi vùng ngập lũ. Ảnh: Dương HIệp

(HNM) - Suốt đêm qua, bão số 9 vẫn hoành hành trên dải đất miền Trung. Gió giật liên hồi, bão tố quần thảo không chút thương xót từng mái nhà, ruộng lúa, bãi ngô, ao tôm, hồ cá. Mấy chục sinh mạng đã bị bão vùi dập, hàng vạn gia đình phải dời nhà lánh nạn. Hôm nay 30-9, bão dữ có thể suy yếu, di chuyển sang Lào, nhưng miền Trung vẫn dầm mình trong lũ dữ.

Bão số 9 (tên quốc tế là Ketsana) được sánh với "siêu bão" Xangsane cấp 13 tàn phá tan hoang dải đất miền Trung ba năm về trước. Trước khi tràn vào miền Trung Việt Nam, Ketsana đã làm chết 240 người dân Phi-líp-pin, tàn phá hàng vạn nhà cửa, công trình, đường sá... Đón bão Ketsana ai cũng hiểu nó không giống 8 cơn bão đã tràn qua đất nước hình chữ S của chúng ta từ đầu năm đến nay. Khúc ruột miền Trung mỏng manh đón bão trong lo âu, bởi bão dữ chỉ quét một "loáng" là trải khắp dải đất này, sức nào chịu nổi.

Lường trước được tính chất nguy hiểm của bão số 9, Chính phủ lập Ban chỉ đạo tiền phương chống bão tại Đà Nẵng. Các phương án chống bão của địa phương được triển khai chủ động và khẩn trương. Sự chủ động, quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương này đã hạn chế rất nhiều thiệt hại về người mà cơn bão có thể gây ra. Kinh nghiệm này, cách làm này vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong hôm nay và những ngày sắp tới, bởi bão đã qua, nhưng lũ dữ vẫn còn đó, thậm chí nhiều khả năng còn mạnh hơn trong vài ngày tới. Hôm qua, Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão TƯ đã gửi công điện khẩn đến 12 tỉnh, thành miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ lớn. Kinh nghiệm của những người làm công tác phòng chống lụt bão cảnh báo rằng, thiệt hại do lũ thường lớn gấp nhiều lần so với bão. Nên công tác phòng chống tác hại của bão Ketsana không những chưa thể dừng lại mà còn cần tăng thêm nhân lực và vật lực để thực hiện những phương án cấp bách như di tản dân tới nơi an toàn, phòng chống sạt, trượt, lũ quét... Trong lúc này, tinh thần cảnh giác không chỉ cần được đề cao trong lực lượng chức năng mà còn cần được tuyên truyền sâu rộng xuống từng người dân. Đây là lúc miền Trung cần những người chèo lái, chỉ huy với tinh thần thép, kiên trì, quyết đoán, cảnh giác cao độ. Miền Trung mới qua phần "đầu" của cơn bão, "thân" và "đuôi" cơn bão vẫn còn nguyên ẩn họa nguy hiểm khôn lường.

Hàng trăm ngàn người dân miền Trung đã được di tản trước và trong bão Ketsana. Giờ đây để chống lũ, hàng vạn người dân có thể sẽ phải dời nhà đến nơi lánh nạn trong hôm nay hoặc ngày mai. Chăm lo nơi ở, ăn, mặc, phòng chống bệnh dịch cho hàng trăm ngàn người không nhà là việc cần kíp hơn lúc nào hết. Đó là sinh mạng con người, nên các ngành, các cấp, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn cần phải làm hết mình, hết sức. Đây là lúc người dân cần được trợ giúp nhiều nhất không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình cảm sẻ chia giữa con người với con người trong cơn hoạn nạn.

Hiền Lương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão đi, lũ còn đó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.