Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch, khách quan, công bằng

Dục Tú| 10/05/2017 07:00

(HNM) - Tuần vừa qua, Sở GD-ĐT công bố thông tin về đề xuất tăng học phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội, dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm học 2017-2018...

Việc tăng học phí cũng không ảnh hưởng tới những học sinh có gia đình thuộc nhóm yếu thế bởi Nhà nước đã có chính sách riêng cho nhóm này.

Tuy nhiên, dù không gây ra sự xáo trộn quá lớn đối với việc học hành của học sinh Hà Nội, nhưng đó vẫn là một đề xuất nhận được sự quan tâm xen lẫn lo lắng của các gia đình đang sống trên địa bàn Thủ đô, bởi phần lớn trong số đó sẽ chịu ảnh hưởng nhất định từ quyết định tăng học phí, nếu đề xuất của ngành Giáo dục Hà Nội được thông qua.

Ngoài nỗi băn khoăn về khả năng chi trả, điều được các gia đình nói riêng và dư luận xã hội nói chung quan tâm là tăng học phí thì điều kiện học tập của con cháu chúng ta có được tăng lên tương xứng hay không. Khoản học phí tăng thêm đó sẽ được sử dụng như thế nào, có giúp cho các gia đình đỡ phải vướng bận với những khoản đóng góp hằng năm đang có xu hướng ngày một “nở nang”, vốn đã là gánh nặng khó vượt đối với nhiều gia đình không thuộc diện nghèo nhưng có mức thu nhập hạn chế?

Mối quan tâm là có thật, nỗi băn khoăn cũng là điều dễ hiểu bởi trong thực tế, ngay cả khi học phí chưa tăng, nhiều phụ huynh học sinh đã có ý kiến về khó khăn mà họ phải đối diện vào mỗi dịp góp quỹ lớp (tự nguyện), đóng “tiền trường”, nộp tiền cho con theo học một trong những môn thể thao mà chúng thích như cờ vua, bóng rổ, võ thuật… do nhà trường tổ chức. Với mức học phí tăng ấy, nhà nhà đều nộp như nhau nhưng tất cả có cùng được nhận lại sự công bằng về điều kiện học tập cũng như cách đánh giá khi vẫn có những học sinh được giáo viên “kèm thêm” ở ngoài trường học - nơi có thể là xuất phát điểm cho một cách ứng xử mang tính thiên vị?

Mức tăng học phí được đề xuất lần này không cao, được xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định hiện hành và bảo đảm không gây “sốc” đối với các gia đình. Tuy nhiên, sự tăng có thể còn tiếp tục trong những năm tới và bởi vậy, để tạo sự đồng thuận cũng như giúp các gia đình yên tâm đồng hành cùng ngành Giáo dục thì song song với việc xây dựng lộ trình tăng học phí, Sở Giáo dục - Đào tạo cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm duy trì sự minh bạch đối với các khoản thu - chi trong nhà trường. Hơn nữa, điều quan trọng là cơ quan quản lý cần có giải pháp khả thi để giám sát các khoản thu ngoài học phí và các khoản thu tự nguyện cũng như tình trạng học thêm - dạy thêm, buộc các nhà trường phải thực hiện công khai các khoản thu - chi, bảo đảm sử dụng nguồn thu đúng mục đích - như ý kiến của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.

Về cơ bản, tăng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập không phải là dạng đề xuất “không thể chấp nhận được”. Có điều, trong bối cảnh điều kiện kinh tế của rất nhiều gia đình còn khó khăn, bao gồm cả những gia đình ở khu vực thành thị, việc tăng học phí phải đi liền với nâng cao chất lượng, điều kiện dạy và học cũng như duy trì nguyên tắc ứng xử minh bạch, khách quan, công bằng đối với mọi học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch, khách quan, công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.