Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải sớm có cơ chế đột phá

Đan Nhiễm| 15/06/2017 06:11

(HNM) - Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất đang là vấn đề nan giải. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10% tổng số công nhân cả nước có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm bợ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở cho công nhân, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp.Song, quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư chưa đa dạng do thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho công nhân mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng các dự án. Bên cạnh đó, phần lớn dự án nhà ở công nhân nếu có lại chưa đạt chuẩn, thiếu dịch vụ y tế, giáo dục... Quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở chưa phù hợp hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân là thực tế diễn ra thời gian qua.

Sự trì trệ trong việc cải thiện môi trường sống cho công nhân khiến họ thường xuyên bỏ việc, nhảy việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia khác là sự thật không thể phủ nhận. Để giải quyết vấn đề trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đưa ra chương trình cùng các địa phương xây dựng nhà ở cho công nhân với mức giá dưới 200 triệu đồng/căn hộ khoảng 40m2. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhưng muốn thay đổi thực trạng hiện nay, rõ ràng phải sớm có cơ chế đột phá.

Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt là kế hoạch trung hạn về nguồn vốn từ ngân sách để bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng tham gia phát triển nhà ở công nhân. Đồng thời, quy hoạch các khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân.

Thứ hai, với mức thu nhập của đa phần công nhân hiện nay dưới 10 triệu đồng/tháng thì họ chỉ có thể mua được nhà nếu được hỗ trợ lãi suất, mua nhà trả góp. Do đó, thủ tục vay vốn, điều kiện vay mua trả góp cần được thông thoáng tối đa. Khi có chủ đầu tư dự án cũng đồng nghĩa với việc dự án đó phải có sự tham gia của phía ngân hàng để công nhân có thể yên tâm lựa chọn.

Thứ ba, để khuyến khích doanh nghiệp bất động sản tham gia xây nhà ở công nhân, Nhà nước cần nghiên cứu gỡ bỏ quy định về lợi nhuận định mức 10% (đối với nhà để bán) và 15% (đối với nhà cho thuê) trên tổng mức đầu tư được nêu trong Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đồng thời, cần cho phép xây dựng công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để doanh nghiệp có thể bù đắp chi phí, hạ giá thành sản phẩm…

Thứ tư, cần luật hóa quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam phải đầu tư nhà ở cho công nhân. Những doanh nghiệp này không thể chỉ vào khai thác nhân công mà cũng phải đáp ứng các quyền tối thiểu của họ.

Cần có cơ chế đột phá song nếu vấn đề này được đặt thành quyết tâm chính trị của chính quyền địa phương thì hoàn toàn có thể làm được và kinh nghiệm thành công từ việc xây nhà ở cho công nhân tại Bình Dương đã khẳng định điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải sớm có cơ chế đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.