Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc không của riêng ngành Du lịch

Thế Đan| 10/08/2017 06:45

(HNM) - So với các địa phương khác, Hà Nội có nhiều ưu thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước...

Đặt trong bối cảnh ấy để thấy việc ngày 26-6-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo là rất "trúng". Bởi xét về nhiều mặt, dư địa tăng trưởng kinh tế dự báo khó có sự đột phá khi vấn đề lao động giá rẻ, tài nguyên… đã tới hạn. Việc xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm để có sự đầu tư lớn, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách, cải thiện đời sống, thu nhập của người dân ở các điểm đến du lịch là hoàn toàn khả thi.

Thực tế, nếu nhìn vào sự tăng trưởng ổn định của du lịch Thủ đô thời gian qua sẽ thấy điều đó. Lượng khách tăng bình quân hơn 10%/năm; tổng doanh thu toàn ngành tăng bình quân trên 15%/năm… Riêng 5 tháng đầu năm, Hà Nội đã thu hút gần 9,7 triệu lượt khách (tăng 7,6%), trong đó khách quốc tế đạt gần 2,05 triệu (tăng 14%) so với cùng kỳ năm 2016. Đây rõ ràng là tín hiệu vui.

Bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Cụ thể: Hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn thấp. Hà Nội vẫn thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hà Nội cũng chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo có sức hấp dẫn và sức cạnh tranh cao… Đặc biệt, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao (như hiện tượng “nói thách”, “chặt chém”… vẫn xảy ra) khiến không ít du khách phàn nàn.

Về các giải pháp phát triển du lịch Thủ đô, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, quảng bá; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao… Nhưng có thể thấy, vấn đề lớn nhất để du lịch Hà Nội “cất cánh” chính là phải định vị cho được các sản phẩm chiến lược, trong đó có hai khía cạnh là tạo ra sản phẩm mới và làm mới các sản phẩm đã cũ. Muốn vậy, công tác quy hoạch, tổ chức để tạo ra sản phẩm du lịch từ những “mỏ vàng” như khu phố cổ, hệ thống dày đặc các di tích, danh thắng, làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái ngoại thành… cần phải xem xét lại, đầu tư, thực hiện khoa học, chuyên biệt.

Tiếp theo, phải đặt bối cảnh phát triển du lịch Hà Nội trong không gian du lịch chung cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, việc định vị tam giác Hà Nội - Sa Pa - Hạ Long - Cát Bà - Tràng An đã phát huy được thế mạnh. Tuy nhiên, cần phát triển mạnh hơn nữa các tuyến du lịch theo trục giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không… để Hà Nội không chỉ là điểm đến mà còn là tâm điểm với các sản phẩm khác biệt của địa phương.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng trung bình 8-10%/năm là khả thi. Nhưng sớm khắc phục bất cập là con đường ngắn nhất để đạt và vượt mục tiêu đặt ra. Đó là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị Thủ đô, không riêng của ngành Du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc không của riêng ngành Du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.