Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bằng và kịp thời

Duy Biên| 11/08/2017 06:51

(HNM) - Một trong những nguyên tắc của công tác khen thưởng là tính kịp thời nhằm động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã đạt thành tích, xứng đáng được ghi nhận, biểu dương, tôn vinh. Hoạt động này còn tạo động lực thúc đẩy, cổ vũ các tập thể, cá nhân khác không ngừng phấn đấu.

Quán triệt nguyên tắc trên, trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố đã có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, sau 13 năm thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng, Hà Nội đã có những danh hiệu, hình thức khen thưởng phù hợp với đặc thù của thành phố như: Danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”, “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Không chỉ vậy, nhiều cá nhân, tập thể đã được UBND thành phố khen thưởng đột xuất. Điển hình như ngày 2-3-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định khen thưởng 2 công nhân của Công ty Điện lực Thanh Oai đã có thành tích cứu sống người dân bị tai nạn điện giật. Hoặc mới đây là quyết định tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 15 cá nhân có thành tích đột xuất trong công tác cứu, chữa cháy rừng tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội); 3 cá nhân có thành tích phát hiện, truy đuổi, bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản trên địa bàn quận Cầu Giấy... Có thể nói, việc thực hiện khen thưởng đột xuất đã kịp thời động viên các tấm gương điển hình cũng như tạo được phong trào thi đua sôi nổi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng đã bộc lộ những bất cập cần được khắc phục. Đó là dù đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, cùng với 7 nghị định hướng dẫn, nhưng nhiều nội dung của luật vẫn chưa sát thực tiễn, khó vận dụng. Cùng với đó là hệ thống văn bản cồng kềnh, phức tạp gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cần tìm hiểu, áp dụng.

Để công tác thi đua - khen thưởng hiệu quả hơn, việc đầu tiên phải làm là gỡ bỏ các bất hợp lý trong hệ thống văn bản nói trên, để mọi chủ thể đều có thể dễ dàng "thẩm thấu", áp dụng. Cùng với đó là bảo đảm nguyên tắc công khai, bình đẳng, khen thưởng đúng người, đúng việc, thành tích đến đâu, khen thưởng tới đó. Các tiêu chí bình xét, tôn vinh sát với từng đối tượng, gần gũi với cuộc sống. Muốn làm được điều này, cần xây dựng quy trình xét khen thưởng thật chặt chẽ, minh bạch.

Hà Nội đang thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, do đó để phong trào bám rễ sâu rộng trong đời sống, phải coi công tác thi đua, khen thưởng không chỉ là động lực to lớn, mà còn là một trong những công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý, điều hành của mỗi đơn vị. Công tác thi đua, khen thưởng phải đồng hành và gắn chặt với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và đời sống chính trị của mỗi cá nhân, tập thể.

Khen thưởng là kết quả của thi đua, nhưng cũng là mục tiêu động lực của thi đua, các hình thức khen thưởng là biểu hiện kết quả các phong trào trong từng giai đoạn. Chính vì vậy, nếu tạo được phong trào thi đua cũng sẽ tạo được sự đoàn kết, sức mạnh trong nhân dân. Cũng qua phong trào này, sẽ có nhiều nhân tố mới được phát hiện, là "chất xúc tác" để gây dựng các mô hình tiêu biểu trong đời sống.

Để bền vững và gây dựng phong trào có chiều sâu, điều tiên quyết là phải biểu dương công bằng và kịp thời. Khi ấy, các phong trào thi đua sẽ thật sự mang lại hiệu ứng sâu và rộng trong toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công bằng và kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.