Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm theo luật, rõ quyền và nghĩa vụ

Dục Tú| 12/11/2017 06:50

(HNM) - Việt Nam có tiềm lực lớn để phát triển du lịch nhờ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, mang nét đặc sắc riêng. Nguồn tài nguyên đó, theo Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017, được thông qua ngày 19-6-2017 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch.


Hiểu một cách cụ thể, có hai dạng tài nguyên du lịch cơ bản, gồm tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ thống cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn…; tài nguyên du lịch văn hóa với các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử - cách mạng, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể... Sở hữu những khu, điểm du lịch nổi tiếng, được UNESCO ghi nhận ở phạm vi toàn cầu như các khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An... và hệ thống danh lam - thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể nức tiếng như vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế…, ngành Du lịch Việt Nam có nguồn lực phát triển mà nhiều quốc gia phải thèm muốn.

Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng trong thời gian qua, dù ngành Du lịch đã đạt được mức tăng trưởng khả quan về số lượng khách và doanh thu, hoạt động ngành vẫn bộc lộ sự bất cập về một số mặt. Mặt hạn chế đáng chú ý liên quan tới phần việc khai thác tài nguyên để phát triển du lịch và bảo tồn nguồn tài nguyên đó nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong dài hạn. Một số điểm đến tiềm năng bị xâm hại bởi các dự án xây dựng công trình dân sinh và công trình du lịch không được kiểm soát tốt. Việc kiểm soát chất thải từ hoạt động du lịch chưa được thực hiện tốt, như từng thấy ở vịnh Hạ Long, bãi biển Đà Nẵng, Hải Phòng. Quá trình khai thác hệ di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch cũng có mặt bất cập, dễ thấy nhất là xu hướng “sân khấu hóa” nhã nhạc, hát xoan, cồng chiêng, quan họ, những biểu hiện “thương mại hóa” trong công tác tổ chức lễ hội…

Sự hạn chế không chỉ khiến các điểm đến lâm vào cảnh “mất khách”, mà quan trọng hơn, khiến cho nguồn tài nguyên bị bào mòn theo thời gian, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán về phát triển bền vững mà Đảng, Chính phủ đã đề ra. Những bất cập khiến nguồn tài nguyên bị hao tổn chủ yếu do hoạt động du lịch tại nhiều nơi còn mang tính “tự biên, tự diễn”, thiếu quy hoạch tổng thể và tầm nhìn xa, đặt lợi ích trước mắt lên trên lợi ích lâu dài; do sự chồng chéo trong công tác quản lý, khai thác nguồn lực; do ý thức khai thác tài nguyên bằng mọi giá để phục vụ mục tiêu tăng trưởng dù chưa có quy hoạch, kế hoạch bài bản cho phần việc này.

Những hạn chế cho thấy công tác bảo vệ tài nguyên du lịch cần phải được thực hiện theo nguyên tắc chung đã được đề ra tại Luật Du lịch năm 2017: Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên… Trên nền chung đó, yêu cầu đặt ra là xác lập lại trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp quản lý giữa ngành Du lịch, chính quyền địa phương. Có giải pháp kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp du lịch và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ tài nguyên. Phải làm sao đó để các doanh nghiệp và người dân thấy được mối liên hệ mật thiết giữa khai thác và bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch; giữa quyền lợi và trách nhiệm bảo tồn cả trong hiện tại và tương lai. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm theo luật, rõ quyền và nghĩa vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.