Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không "tham bát bỏ mâm"

Minh Thúy| 18/05/2018 07:07

(HNM) - Những năm gần đây, xuất khẩu lao động của Việt Nam ngày càng khởi sắc, thị trường lao động ngoài nước ngày càng mở rộng với các ngành nghề đa dạng...


Thực trạng này tồn tại đã nhiều năm, không chỉ ở riêng Hàn Quốc, mà nhiều thị trường lao động khác cũng diễn ra tương tự bởi nhiều nguyên nhân. Với người lao động, họ không chịu về nước vì mức lương ở các quốc gia này khá cao và Hàn Quốc là điển hình. Để được đi làm việc ở nước ngoài, người lao động phải bỏ ra chi phí không nhỏ, trong đó có nhiều chi phí không chính thức, nên phần lớn đều có tâm lý cố ở lại để thu hồi vốn, dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại. Và có lẽ trở ngại lớn nhất với họ là nỗi lo khi về nước sẽ khó tìm được việc làm phù hợp, khó có được mức lương như ở nước ngoài. Trong khi đó, nhiều ông chủ ở nước sở tại vẫn chấp nhận sử dụng lao động bất hợp pháp vì không mất thuế, công đào tạo...

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động, nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng cam kết vì thu phí của người lao động quá cao. Chưa kể, một số doanh nghiệp tuyển lao động qua các khâu trung gian nên không kiểm soát chất lượng người lao động; chưa chú trọng tuyên truyền để người lao động tuân thủ quy định, về nước khi hết hạn hợp đồng.

Hậu quả là một số nước đã đưa ra cảnh báo với lao động Việt Nam. Rõ nhất là đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố danh sách 107 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Đáng tiếc, một số quận, huyện của Hà Nội cũng nằm trong diện bị cảnh báo...

Thực tế nêu trên đã ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu lao động của nước ta, đẩy thị trường này vào những khó khăn mới. Nếu không ngăn chặn hiệu quả, vi phạm vẫn tiếp diễn và sẽ phá vỡ kế hoạch xuất khẩu lao động, người lao động sẽ tự "trói" mình trước những cơ hội mới.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, trước tiên, phải đặt mình vào vị thế của người lao động, trọng tâm là vấn đề việc làm sau khi họ hết hợp đồng lao động. Bởi lẽ, phần lớn số họ có tay nghề, kỷ luật cao nên thị trường lao động trong nước cần trọng dụng với mức thu nhập tương xứng để họ yên tâm khi về nước làm việc.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để gia đình có người đi xuất khẩu lao động động viên người thân về nước đúng thời hạn; không sống chui lủi, vi phạm pháp luật nước bạn bởi nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nên có ràng buộc như hạn chế không cho vay vốn, tăng mức xử phạt và công khai danh tính những người, những gia đình có lao động xuất khẩu không chịu về nước khi hết hợp đồng. Tuyên truyền để gia đình những lao động này hiểu rằng, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội.

Cùng với đó, cần siết lại quy định trong tuyển chọn lao động, nâng mức chế tài không chỉ với doanh nghiệp vi phạm mà với cả người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm ăn phi pháp. Đồng thời, đề nghị nước bạn xử lý nghiêm, không dung túng người sử dụng lao động Việt Nam bất hợp pháp...

Chỉ khi người lao động không "tham bát bỏ mâm", tuân thủ hợp đồng lao động thì những cơ hội mới về xuất khẩu lao động mới rộng mở và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không "tham bát bỏ mâm"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.