Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những biện pháp cần và đủ

Thế Nguyên| 22/05/2018 06:48

(HNM) - Hiện tượng lợi dụng du lịch nước ngoài để tìm cách trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại không còn là mới...


Không khó để khoanh vùng đối tượng vi phạm: Đó là những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm với mức thu nhập hấp dẫn ở nước ngoài (đại đa số trường hợp), phổ biến với những điểm đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)… Sau khi cánh cửa xuất khẩu lao động hợp pháp bị đóng chặt do người có nhu cầu không đáp ứng đủ tiêu chí, hoặc địa phương nơi cư trú bị tạm dừng chỉ tiêu đi xuất khẩu lao động thì du lịch trá hình là phương thức được không ít người lựa chọn để thực hiện mục đích này.

Cũng không khó để nhận thấy những hệ lụy của xuất khẩu lao động "chui" thông qua du lịch trá hình: Hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp du lịch chịu những tác động tiêu cực, đồng thời người có nhu cầu du lịch thực sự gặp khó khăn, nhất là với những thị trường đã “xảy ra chuyện”. Đặc biệt, chính người xuất khẩu lao động chui thông qua hình thức này ngay lập tức phải đối mặt với tương lai đầy bấp bênh, nhiều nguy cơ đối với quyền lợi, sức khỏe, thậm chí tính mạng bản thân.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, đây cũng không phải hiện tượng… “đặc thù”. Xuất khẩu lao động chui thông qua du lịch trá hình còn là thực trạng phổ biến ở nhiều nước. Chừng nào nhu cầu tìm kiếm việc làm tại nước ngoài - nhất là các nước phát triển, mức sống cao - vẫn còn, trong khi tiêu chí tuyển dụng ngày càng siết chặt thì đây vẫn là phương thức được nhiều người lựa chọn.

Để giảm hiện tượng này, phải triển khai những giải pháp “cần” và “đủ”.

Trước hết, phải có các hình thức truyền thông phù hợp, hiệu quả về những rủi ro mà người du lịch trá hình rồi tìm cách cư trú bất hợp pháp với "giấc mơ" tìm kiếm việc làm ở nước sở tại có thể gặp. Đó là những nguy cơ bị cơ quan chức năng sở tại bắt giữ, xử phạt tù, trục xuất; đó là nguy cơ bị lạm dụng sức khỏe, bóc lột sức lao động, bị ăn chặn, quỵt tiền công và đặc biệt là rủi ro về tính mạng... Trách nhiệm truyền thông không chỉ thuộc về các phương tiện thông tin đại chúng mà quan trọng và chủ yếu là của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động "chui". Những thông điệp đầy đủ, đến kịp thời sẽ có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe với người có ý định vi phạm.

Thứ hai, với vai trò là đơn vị tổ chức (và thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình), chính các đơn vị lữ hành phải thực hiện các biện pháp kiểm tra, sàng lọc khách hàng chặt chẽ.

Đấy là những biện pháp “cần”. Về lâu dài, cơ quan chức năng nên xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý vi phạm liên quan đến xuất - nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp... theo hướng tăng nặng để bảo đảm tính răn đe. Đặc biệt, điều kiện hay giải pháp “đủ” nữa là theo dõi, xử lý người đã từng xuất khẩu lao động "chui" nhập cảnh, trở về nước dưới hai hình thức: Xử phạt nặng về tài chính hoặc xem xét áp dụng thêm các chế tài khác nếu cần thiết.

Mức xử phạt đủ nặng so với thu nhập có thể kiếm được từ xuất khẩu lao động "chui" thông qua du lịch trá hình sẽ khiến đối tượng có ý định phải chùn bước. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những biện pháp cần và đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.