Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cốt lõi là tinh thần trách nhiệm

Tuấn Kiệt| 07/07/2018 05:46

(HNM) - Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức lực lượng Thanh tra xây dựng, từ chỗ thí điểm ở cấp quận, huyện, phường, xã sau đó đưa về trực thuộc Sở Xây dựng, rồi lại bàn giao cho các quận, huyện quản lý. Trong quá trình hoạt động của Thanh tra xây dựng, hằng năm Hà Nội đều tổ chức đánh giá, tổng kết về hiệu quả của mỗi mô hình.


Nhìn nhận khách quan trên thực tế, tình hình quản lý trật tự xây dựng những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm có chiều hướng giảm, các vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận đã dần được hạn chế, xử lý nghiêm minh. Thế nhưng, với tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội, công tác quản lý trong lĩnh vực này luôn diễn biến phức tạp, hiện tượng vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tái diễn.

Hiện nay, mặc dù mô hình Thanh tra xây dựng đang hoạt động phù hợp với các quy định của Nghị định số 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, song từ yêu cầu của thực tiễn, thành phố đã một lần nữa tổ chức thí điểm chuyển lực lượng này về UBND các quận, huyện, thị xã điều hành toàn diện.

Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-7-2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3406/QĐ-UBND về việc thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, bắt đầu từ ngày 10-8 tới. Ngoài việc được Sở Xây dựng hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, lực lượng này sẽ chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND quận, huyện, thị xã; có trụ sở làm việc, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Quyết định này đã chấm dứt hiện tượng chồng chéo, “song trùng” chỉ đạo của các đội Thanh tra xây dựng.

Dẫu vậy, phải thấy rằng, muốn tăng được hiệu quả quản lý thì không chỉ là việc thống nhất về tổ chức, mô hình, mà vấn đề cốt lõi vẫn phải là tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân và các cơ quan quản lý liên quan. Thời gian qua, việc quản lý trật tự xây dựng chưa đạt hiệu quả như mong muốn được xác định một phần do việc thực thi nhiệm vụ của các địa phương vẫn lúng túng, thậm chí còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm; một bộ phận cán bộ còn hạn chế về năng lực, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, thiếu trách nhiệm, không kịp thời xử lý công trình vi phạm trên địa bàn, khi có phản ánh thì mức độ vi phạm đã lớn, gây bức xúc dư luận. Có nhiều nguyên nhân, song suy cho cùng thì tinh thần trách nhiệm của lực lượng làm công việc này vẫn là yếu tố chính.

Ngày 26-5-2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô"; liên tiếp sau đó, UBND thành phố cũng ban hành các Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 1-6-2017, Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 30-3-2018 trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng.

Như vậy, cùng với việc “chính quy hóa”, thì việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng của các cấp, ngành và từng cá nhân là điều hết sức cần thiết.

Từ những người trực tiếp làm công tác quản lý trật tự xây dựng đến các cấp chính quyền địa phương đều phải đề cao cái tầm, tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm vì công việc. Nếu các cấp chính quyền thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đúng chức trách nhiệm vụ thì tình hình trật tự xây dựng sẽ từng bước được ổn định và cải thiện hơn.

Với việc xác định rõ chức năng, quyền hạn; đồng thời với mô hình tổ chức gọn một đầu mối từ kiểm tra đến xử lý, thời gian tới lực lượng quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng hiệu quả quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố như mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cốt lõi là tinh thần trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.