Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức hút đầu tư của “trung tâm lớn”

Thế Nguyên| 10/07/2018 07:09

(HNM) - Theo Điều 2, Luật Thủ đô, bên cạnh vai trò “là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế”, Hà Nội đồng thời “là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước” (Khoản 2).


Trong thành tựu đạt được mang ý nghĩa toàn diện những năm qua, ở lĩnh vực kinh tế, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của một “trung tâm lớn”, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước (cùng với TP Hồ Chí Minh). Đặc biệt, với việc thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12, ngày 29-5-2008, của Quốc hội "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan", Hà Nội được bổ sung những nguồn lực mới, to lớn và quan trọng cho phát triển kinh tế.

Nhưng để đánh thức các nguồn lực này, việc đầu tiên là phải thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển. Để làm được điều đó, thành phố đã luôn chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên công nghệ, công nghệ sạch. Thực tế, 10 năm qua Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7,41%/năm, trong đó GDP tính theo đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần. Đây là thành quả to lớn mà Thủ đô đóng góp cho quá trình đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Vai trò “trung tâm lớn” cũng đặt ra rất nhiều nhiệm vụ với Thủ đô Hà Nội, đồng thời đây cũng là mong đợi, tin tưởng của cả nước, đó là mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển; tranh thủ các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô. Hơn bao giờ hết, có thể thấy rõ yêu cầu vừa có tính thời sự vừa mang ý nghĩa lâu dài của định hướng đẩy mạnh hội nhập, thu hút đầu tư, phát triển ổn định, xứng đáng với vị thế “trung tâm lớn”, dẫn đầu cả nước với Hà Nội. Ý thức rõ điều đó, những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2017 và 2018, Hà Nội tiếp tục khẳng định được sức "hấp dẫn" khi nguồn vốn đầu tư "đổ về" thành phố ở mức cao. Đặc biệt, tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", thành phố đã thu hút thêm được 17 tỷ USD vốn đầu tư và cam kết đầu tư. Đây sẽ là nguồn lực rất lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh, chính quyền đô thị hôm nay và cho tương lai.

Những kết quả này không phải từ trên trời rơi xuống mà là cả quá trình nỗ lực liên tục. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Hà Nội xếp thứ 13/26 tỉnh, thành phố. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 3 bậc so với năm 2016. Công tác cải cách hành chính và kiểm tra công vụ của thành phố tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2018, tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét, được Trung ương đánh giá cao... Không phải vô cớ, khi phát biểu tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét: "Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội".

Đó là sự khích lệ những cũng đòi hỏi toàn thành phố phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đặc biệt là trong đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức viên chức trong thực hiện chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" trong năm 2018.

Những tồn tại, hạn chế đã được xác định. Các giải pháp tăng sức hút đầu tư của thành phố cũng đã được chỉ rõ. Yếu tố cuối cùng là rất cần sự chỉ đạo, vào cuộc tích cực hơn của cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức và mỗi người dân Thủ đô. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hút đầu tư của “trung tâm lớn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.