Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới đô thị văn minh

Đình Hiệp| 04/09/2018 06:01

(HNM) - Những bó dây điện sà xuống đường đi hay giăng chằng chịt như “mạng nhện” là hình ảnh quen thuộc trên nhiều tuyến phố của Hà Nội trước khi thành phố bắt đầu ngầm hóa hệ thống dây, cáp đi nổi.


Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng “thành phố không dây” bằng việc đồng bộ hạ ngầm các tuyến cáp điện lực, viễn thông và chiếu sáng trên các tuyến phố, ngày 4-6-2016, UBND TP Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, MobiFone, EVN Hà Nội... Sau hơn hai năm triển khai, đến nay đã có 50/121 tuyến phố được hạ ngầm hoàn toàn và đồng bộ, nhờ đó bộ mặt đô thị trở nên phong quang, sạch đẹp, an toàn hơn. Thế nhưng, ở một số tuyến phố còn lại tiến độ thực hiện đang bị chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do các đơn vị chủ đầu tư thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau, có chủ đầu tư là doanh nghiệp cổ phần nên phương thức đấu thầu, huy động vốn, lập dự án đầu tư... cũng khác nhau. Rồi một số dự án tạm dừng để triển khai đồng bộ với các dự án chỉnh trang đô thị để có thể tiết kiệm chi phí, tránh việc dự án này vừa xong, dự án khác lại triển khai, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, đáng nói là ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan, như một số chủ đầu tư chưa bảo đảm năng lực, thiếu kinh nghiệm nên việc phối hợp với các đơn vị khác chưa tốt. Điều đó dẫn đến thực trạng, khi yêu cầu thực hiện đồng bộ việc hạ ngầm cả cáp viễn thông, điện lực, chiếu sáng, thì một đơn vị chậm trễ khiến cho các đơn vị khác cũng bị chậm theo.

Theo Biên bản ghi nhớ giữa thành phố và một số đơn vị viễn thông, điện lực, trong giai đoạn 2018-2020, TP Hà Nội sẽ tiếp tục hạ ngầm tại các tuyến phố trên địa bàn các quận còn lại. Đặc biệt, theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ việc thực hiện các dự án hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị, phấn đấu đến năm 2020 hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây cáp đi nổi trên các tuyến phố chính từ đường Vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố...

Đây thực sự là một công việc lớn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn nữa của các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan. Vì thế, khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư cần chuẩn bị kỹ càng tổng thể về thời gian, phương pháp thực hiện cũng như nguồn vốn, để bắt tay vào triển khai bảo đảm thông suốt, không làm chậm tiến độ chung. Cùng với đó, cần có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên; lựa chọn các đơn vị thi công có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu về tiến độ; tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan để việc thi công đồng bộ, bảo đảm cảnh quan đô thị, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và tiết kiệm chi phí.

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công. Và việc này cần được duy trì quyết liệt hơn trong thời gian tới, khi khối lượng công việc ngày càng nhiều; một mặt để bảo đảm chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện đúng kế hoạch, mặt khác kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai.
Ngầm hóa dây, cáp điện lực, viễn thông, chiếu sáng đi nổi để hướng tới một "thành phố không dây" an toàn, văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp là chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội. Chủ trương này đã, đang và tiếp tục cần sự chung tay của toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới đô thị văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.