Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không còn độ trễ

Đình Hiệp| 12/09/2018 06:10

(HNM) - Cùng với sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đổi mới lề lối làm việc, cắt giảm thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục nhằm giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.


Sau hơn 7 tháng kể từ khi diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được cụ thể hóa thành các quy định và ngày càng hoàn thiện hơn. Các bộ, ngành, địa phương xem cải cách hành chính là “chìa khóa”, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính.

Xác định cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã đi đầu cả nước ban hành quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công. Vì thế, trong chỉ đạo, điều hành, thành phố luôn quan tâm, đổi mới phương thức theo nguyên tắc 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), giúp Hà Nội sớm chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính "phục vụ".

Bên cạnh những kết quả trên, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Việc triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, đồng bộ; thủ tục hành chính thuộc một số lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tình trạng nhũng nhiễu và chi phí không chính thức vẫn tồn tại; thủ tục hành chính dù đã được cải cách nhưng vẫn còn nhiều “cửa”, hay “một cửa nhiều khóa”; nhiều thủ tục cắt giảm chưa đạt như mong muốn...

Nguyên nhân của những tồn tại trên là sức ỳ của bộ máy hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương trong thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn. Một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản đối với tiến trình cải cách thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính diễn ra sáng 11-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong cải cách hành chính của nhiều bộ, ngành, địa phương. Điều này cho thấy từ chính sách đến hành động còn một độ trễ.

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ban hành với nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” thể hiện sự đổi mới về chất trong quan điểm quản lý nhà nước. Đây cũng là giải pháp khắc phục tồn tại, thúc đẩy hơn nữa công tác cải cách hành chính. Vì vậy, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương là sớm đưa những quy định này vào cuộc sống, thông qua việc khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ theo các nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó là việc rà soát, nghiên cứu để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục không cần thiết và xác định rõ thời gian giải quyết. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thời gian và việc đi lại của người dân, doanh nghiệp; qua đó góp phần ngăn ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ… Đặc biệt, cần kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, bảo đảm về trình độ, chuyên môn, tiến tới phương châm “4 tại chỗ”, từ hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định và giải quyết, trả kết quả; có chính sách thu hút, chia sẻ nhân lực giỏi về công nghệ giữa các địa phương, đơn vị.

Chính phủ đã quyết tâm, các bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt để chính sách đến hành động không còn độ trễ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn độ trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.