Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người giữ gìn tiếng Việt ở Malaysia

Quỳnh Dương| 06/11/2016 07:41

(HNM) - Dù đã làm rất nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng trong thời gian qua, song bà Trần Thị Chang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ (CLBPN), Phó ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia vẫn luôn trăn trở với ý định mở lớp học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở đây.

Cuối cùng, sau rất nhiều cố gắng của bà cũng như của các thành viên CLBPN, giữa tháng 10 vừa qua, lớp học tiếng Việt đầu tiên đã được khai giảng trong niềm vui của bà con kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước này.

Một buổi học sôi nổi của lớp tiếng Việt tại Malaysia.



Dù mới khai giảng, nhưng lớp học đã có tới 25 cháu đăng ký học tập, được chia ra làm 3 nhóm theo khả năng sử dụng tiếng Việt. Các buổi học do hai cô giáo chính quy chuyên ngành văn - tiếng Việt chịu trách nhiệm đứng lớp chính cùng 7 thành viên khác của CLBPN tham gia trong vai trò trợ giảng. Điều đáng nói là, lớp học thành lập được là nhờ rất nhiều tâm huyết của bà Chang cùng các chị em trong CLBPN Việt Nam tại Malaysia. Tất cả đã cố gắng vượt qua những khó khăn riêng, vì lợi ích chung của cộng đồng, của thế hệ trẻ tương lai.

Bà Trần Thị Chang cho biết, sau khi về nước dự hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài năm 2012, nhờ có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm từ các hội người Việt ở nước khác, bà đã kêu gọi và thành lập được Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia năm 2013. Đến nay, Ban liên lạc đã hoạt động tương đối ổn định, có nhiều hoạt động hướng về quê hương cũng như giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn ở Malaysia. Tuy nhiên, việc thế hệ con em sinh ra và lớn lên tại nước này chưa có lớp học tiếng Việt vẫn luôn khiến bà Chang trăn trở. Vì vậy, mỗi lần có dịp về Việt Nam tham gia các hoạt động của đoàn kiều bào, bà thường xuyên gặp gỡ những thầy cô giáo từng giảng dạy tiếng Việt ở các quốc gia khác để hỏi han, trao đổi kinh nghiệm. Theo bà Chang, số lượng người Việt ở Malaysia ngày càng tăng, đa phần là công nhân lao động. Do đó, nhiều người không có thời gian giảng dạy tiếng Việt cho con em mình. Việc gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng cũng chưa được quan tâm đúng mức trong khi tiếng Việt là sợi dây kết nối vô cùng quan trọng giữa thế hệ con em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài với văn hóa, truyền thống quê hương. Thật may mắn, suy nghĩ của bà Chang đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều chị em trong CLBPN. Mỗi người đóng góp một chút công sức, nhờ vậy lớp học tiếng Việt đã được thành lập.

Chị Nguyễn Thị Liên, giáo viên chính của lớp học cho rằng đã là người Việt thì phải sử dụng tốt tiếng Việt nên chị luôn yêu cầu con mình phải học và sử dụng tiếng mẹ đẻ. Vì thế, khi sang bên này, chị vẫn dành thời gian dạy cho các cháu nhỏ là con của bạn bè. Trước khi định cư ở Malaysia, chị Liên có hơn 10 năm dạy văn - tiếng Việt ở Việt Nam. Thế nên chị đã nhận lời mời tham gia giảng dạy cho CLBPN tại Malaysia.

Còn chị Trúc Linh, người đã dành phòng khách của gia đình làm địa điểm dạy học cho biết, việc thu xếp cho lớp học tiếng Việt triển khai ngay tại nhà riêng nhiều lúc cũng khiến sinh hoạt gia đình bị thay đổi. Tuy nhiên, việc mở lớp học tiếng Việt là mong muốn của bà con ở Malaysia lâu nay. Nhờ đó, 2 con nhỏ của chị cũng có điều kiện học ngôn ngữ mẹ đẻ. Chị Linh cũng có nhiều băn khoăn về tương lai của lớp học. Nếu trong thời gian tới, số lượng học sinh tham gia học tiếng Việt tăng lên, phòng khách nhà chị sẽ không còn đủ không gian để tiếp nhận các cháu học tập. Bên cạnh đó, trang thiết bị giảng dạy hiện nay vẫn còn thiếu thốn nhiều.

Nỗi băn khoăn của chị Linh cũng là mối lo chung của các chị em trong CLBPN vì việc mở lớp học tiếng Việt mới chỉ là thành công bước đầu. Để duy trì lớp học này, các chị còn cả một chặng đường khó khăn phía trước. Theo chị Liên, tất cả các giáo viên và trợ giảng đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Ngoài sự hỗ trợ của CLBPN trong những bước khởi đầu, sách vở được Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ một phần, phần còn lại do phụ huynh đóng góp. Với tâm nguyện duy trì ngôn ngữ, văn hóa Việt, bà Trần Thị Chang hy vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan Việt Nam, từ các nhà hảo tâm để lớp học ngày càng được nhân lên ở nhiều khu vực khác tại Malaysia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người giữ gìn tiếng Việt ở Malaysia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.