Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường xe sang năm 2018: Tăng trưởng tốt, cạnh tranh khốc liệt hơn

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 06/04/2018 07:01

(HNMO) - Trong năm 2017, sự việc Tập đoàn BMW Châu Á kết thúc hợp tác với Sime Darby Motors, nhà đầu tư lớn của công ty cổ phần ô tô Âu Châu (EAC) tại Việt Nam, song song với nhiều khó khăn về nhập khẩu xe nguyên chiếc đã khiến thị trường xe sang trong nước rơi vào tình trạng xáo trộn khó lường.

Trong năm 2017, Mercedes-Benz đã tăng trưởng gần 40% tại Việt Nam.


Tái định hình cuộc chơi của các "ông lớn"

Trong bối cảnh ấy, năm 2018 sẽ là giai đoạn hết sức quan trọng, tái định hình lại cuộc chơi của các “ông lớn” trong thị trường xe cao cấp (với các thương hiệu mạnh như Mercedes-Benz, Lexus, BMW, Audi…) trong tương lai.

Đặc biệt, khi cuộc chơi này dựa trên “luật chơi” mới là Nghị định 116 và Thông tư 03, với “địa hình” mới với nhiều thay đổi, ví dụ như công ty cổ phần ôtô Trường Hải trở thành nhà nhập khẩu, phân phối xe BMW và MINI.

Trong khi đó, Audi cũng dường như sẽ lại có những cách tiếp cận rất riêng cho hoạt động kinh doanh của mình. Để hiểu rõ hơn về những thay đổi trong thời gian tới của thị trường xe ô tô hạng sang, phóng viên đã có buổi trò chuyện với một số lãnh đạo của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ những nhận định về xu hướng của thị trường xe sang trong năm 2018,, Tổng Giám đốc MBV, Choi Duk Jun cho rằng, lúc này là thời điểm thị trường ô tô Việt Nam đang hết sức sôi động, và đang trên đà tăng trưởng rất nhanh chóng. Dĩ nhiên, năm 2018 cũng sẽ không ngoại lệ.

Lý giải cho nhận định nói trên, ông Choi cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm ngoái đạt mức 6,81%, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. “Trong năm nay, chính phủ đặt kỳ vọng vào con số 6,7-6,8%, nhưng MBV cho rằng hoàn toàn có khả năng đạt tới 7,2-7,4%, tức là cao hơn nhiều so với các nền kinh tế láng giềng khác. Đây là nền tảng quan trọng cho sức tăng trưởng của thị trường ô tô, đặc biệt là với phân khúc xe hạng sang”, ông nói.

Thứ đến, ông Choi khẳng định, chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có sự quan tâm đặc biệt, với tính định hướng cao đối với việc xây dựng nền công nghiệp ô tô trong nước trở thành một trong những nền công nghiệp ô tô mạnh, có tính cạnh tranh cao về mặt sản xuất trong khu vực và trên thế giới.

Những nỗ lực và mong muốn ấy, biểu hiện qua việc thường xuyên đối thoại, trao đổi, lấy ý kiến với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, đồng thời tiến hành hàng loạt điều chỉnh và chính sách, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thị trường xe, tạo ra tiền đề cho những dự đoán tích cực về năm 2018.

“Với những nỗ lực tích cực như thế, sớm hay muộn tất cả các hãng ô tô trong nước đều sẽ được hưởng lợi” - ông Choi khẳng định.

Kết hợp nhập khẩu và lắp ráp là hướng đi tất yếu

Về vấn đề này, ông Vũ Đỗ Thành, Trưởng phòng cấp cao quản lý thị trường miền Bắc và đối ngoại của MBV, cũng cho biết hiện nay MBV đã sở hữu đường thử xe ngay trong khuôn viên nhà máy, cơ bản đáp ứng được kích thước của đường thử quy định trong Nghị định 116. Tổ công tác liên Bộ cũng đã có lịch làm việc để đánh giá chất lượng đường thử này.

Cũng theo ông Thành, MBV đã đáp ứng được điều kiện về bảo hành bảo dưỡng và triệu hồi, đồng thời đã có được giấy phép nhập khẩu từ tháng 1-2018, và hiện giờ đã một số lô xe đầu tiên nhập khẩu nguyên chiếc về đến cảng. Tuy nhiên, do tồn tại một số khác biệt nhỏ về kĩ thuật giữa những chiếc xe nhập về từ Châu Âu và xe lắp ráp trong nước, do đó MBV sẽ cần thêm thời gian nhằm phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, trước khi có thể đưa xe tới tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo MBV cũng khẳng định rằng, chính phủ Việt Nam luôn chú trọng gia tăng tỉ lệ xe du lịch lắp ráp trong nước, và đây là điều các hãng xe cần phải lưu tâm trong thời gian tới. Trong bối cảnh ấy, chỉ cần giải quyết hài hòa bài toán lắp ráp và nhập khẩu, sức tăng trưởng tốt sẽ là điều hoàn toàn khả thi.

Thực tế, trong tháng 2-2017, thị trường ô tô du lịch Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kì năm ngoái, dù tâm lý khách hàng chưa ổn định. Năm 2016, mức tăng trưởng cả năm đạt 22%, trong khi năm 2017 có mức tăng này không chênh lệch lớn so với 2016, nhưng thị trường ô tô du lịch đã giảm sút khoảng 15-17% do nhiều lý do khác nhau. Nếu tâm lý tiêu cực được gỡ bỏ, thị trường này trong năm 2018 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng tổi thiểu tương đồng với năm 2016. Theo ông Choi Duk Jun, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) hiện đang kỳ vọng con số 25%-30%.

Ngày càng nhiều người trẻ và nữ giới sở hữu xe hạng sang

Theo số liệu kết quả kinh doanh năm 2017 của MBV, mẫu xe bán chạy nhất của hãng cũng như cả thị trường xe sang là mẫu xe thể thao đa dụng GLC với doanh số kỷ lục gần 2.500 xe, tăng trưởng hơn 80% so với năm 2016. Kế sau GLC là C-Class – mẫu sedan hạng sang được ưa chuộng nhất.

Đáng chú ý, sau 21 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, E-Class đã vượt mốc doanh số 1.000 xe trong năm 2017, tăng trưởng hơn 80%. Theo ông Choi, việc các mẫu xe bán chạy chuyển dịch lên các phân khúc cao hơn như thế cho thấy khách hàng đã sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những mẫu xe sang an toàn và giàu công nghệ.

Tuy nhiên, điểm thú vị lại nằm ở chỗ, trong năm 2017, có khoảng 1/3 khách hàng mua xe Mercedes-Benz là nữ giới. Đây là một tỷ lệ rất cao của MBV qua các năm và của cả ngành công nghiệp ô tô hạng sang nói chung. Theo ông Choi, con số thực tế có thể còn cao hơn nữa, khi nhiều chiếc xe của phái đẹp toàn quyền sử dụng hàng ngày nhưng lại đứng tên doanh nghiệp của họ, hoặc của chồng, con…

Cứ 3 người mua Mercedes-Benz ở Việt Nam thì có 1 là nữ giới.


Mặt khác, độ tuổi trung bình của khách hàng sở hữu xe Mercedes-Benz đã giảm từ trên 40 tuổi vào năm 2014, xuống dưới 40 tuổi vào cuối năm 2017. Trong khi đó, nhóm khách hàng dưới 35 tuổi có sự phát triển vượt bậc và là động lực chính trong sự tăng trưởng doanh số của MBV. Điều này cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều khách hàng thành đạt sớm hơn so với trước đây.

Cạnh tranh khốc liệt hơn

Nếu như năm 2017 khá thuận lợi với Mercedes-Benz tại Việt Nam, năm 2018 được lãnh đạo công ty này đánh giá là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Điều này hoàn toàn dễ giải thích giữa bối cảnh sự trở lại của BMW thông qua nhà phân phối Trường Hải ngày càng rõ nét, chưa kể tới những dự định mới từ phía Audi, Porsche, Volvo…

Hiện nay, “mẹc” đang là hãng xe có dải sản phẩm khá rộng, từ các dòng phổ thông như A, CLA, GLA, cho tới các dòng siêu sang như Maybach, hay thể thao như AMG GT. Chính vì vậy, hầu như ở mọi phân khúc, sự cạnh tranh với các thương hiệu khác là khó tránh khỏi.

Như thế, sau một năm loay hoay với bài toán thủ tục nhập khẩu, khi các đối thủ đã “khai thông” được sân chơi mới, hiển nhiên việc phải sẵn sàng cạnh tranh là điều không thể làm lơ, kể cả với tay đua hàng đầu trên thị trường xe sang hiện nay. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do khiến MBV đã quyết định “dời” nguyên danh mục sedan cỡ lớn S-Class thế hệ mới sang ra mắt vào năm 2018, thay vì tung ra từ cuối 2017 như lịch trình trước đó đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường xe sang năm 2018: Tăng trưởng tốt, cạnh tranh khốc liệt hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.