Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ việc một số giáo dân quá khích tại xã Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An): Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Theo báo Điện tử ĐCSVN| 11/09/2013 13:49

Sự việc một số giáo dân có hành vi quá khích xảy ra tại xã Nghi Phương gây bức xúc dư luận, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự...

Sự việc xảy ra như sau: Ngày 4/9/2013, trong khi chính quyền xã Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An) đang tổ chức cuộc họp quân dân thì có khoảng 30 giáo dân chủ yếu là phụ nữ mang theo hung khí kéo vào trụ sở đòi thả 2 bị can là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hà đã bị khởi tố vì các hành vi vi phạm pháp luật trước đó. Lực lượng bảo vệ đã kịp thời ngăn chặn không để các đối tượng này gây rối.

Một số người dân quá khích tụ tập trước UBND xã Nghi Phương (Nghi Lộc).
Ảnh: Báo Nghệ An



Đến khoảng 15h30’ cùng ngày, nhà thờ Giáo họ Trại Gáo đã rung chuông báo động để hàng trăm giáo dân kéo đến trụ sở xã Nghi Phương. Sau đó, các đối tượng quá khích đã dùng gạch đá tấn công lực lượng an ninh trật tự đang làm nhiệm vụ, làm một số đồng chí công an và 14 giáo dân bị thương.

Vụ việc ngày 4/9 là đỉnh điểm nối tiếp những hành động gây rối vi phạm pháp luật của một số giáo dân giáo xứ Mỹ Yên. Trước đó, 8h30' ngày 3/9/2013, khoảng 1.000 giáo dân đã kéo lên trụ sở xã Nghi Phương mang theo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung phản đối chính quyền bắt người trái pháp luật, đồng thời dùng số đông gây sức ép với chính quyền và bao vây, hành hung khống chế 6 cán bộ của chính quyền huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương trong phòng làm việc. Đến 16h30’ cùng ngày, một số giáo dân đã hành hung tát vào mặt, xé rách áo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương, khống chế buộc phải viết giấy cam kết, ký tên và đóng dấu Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương, ép Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc ký xác nhận vào giấy cam kết về nội dung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An xem xét thả 2 bị can là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải.

Các hành động gây rối trong 2 ngày 3 và 4/9 bắt nguồn từ việc: Ngày 22/5/2013, linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Bình Thuận (xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc) tổ chức lễ tại nhà thờ giáo họ Trại Gáo (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) cho giáo dân ở nhiều địa phương về hiệp thông, mục đích tập hợp lực lượng, kích động giáo dân kéo về thành phố Vinh gây rối tại phiên tòa phúc thẩm do Tòa án Nhân dân tối cao xét xử 14 đối tượng vi phạm pháp luật nhằm lật đổ chính quyền nhân dân vào ngày 23/5/2013. Trước tình hình đó, 1 tổ công tác đến khu vực giáo họ Trại Gáo để nắm tình hình thì bị hàng trăm giáo dân kéo đến đuổi đánh và vây bắt đưa về nhà văn hóa xóm 13, xã Nghi Phương giữ trái pháp luật; các đối tượng quá khích đã đốt, phá, làm hỏng 5 xe máy của tổ công tác. Trong vụ việc này, ngày 27/6, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bắt tạm giam đối với 2 đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đều ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc và theo đúng trình tự pháp luật. 2 đối tượng này sau khi bị bắt cũng đã thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Những hành vi quá khích nêu trên của một số giáo dân đã đi ngược lại huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”; đồng thời, gây bức xúc cho những giáo dân chân chính, lương thiện.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Đây là một vụ án rất nghiêm trọng. Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can về các tội: Gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ trong vụ án này là có căn cứ pháp luật, bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, “Tội gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 245 Bộ Luật Hình sự là hành vi hò hét náo động ở nơi công cộng, gây mất trật tự, đập phá các công trình công cộng bởi nhiều người. Hành vi của một số giáo dân “dùng số đông gây sức ép với chính quyền và bao vây, hành hung khống chế 6 cán bộ của chính quyền huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương trong phòng làm việc”, nếu gây thương tích đến tỷ lệ theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị khởi tố về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự. Trường hợp chưa gây thương tích, thì có thể bị khởi tố theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, “Tội giữ người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, là hành vi tạm giữ người không đúng với quy định của pháp luật, không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, giữ người trong trường hợp không được tạm giữ. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do, dân chủ rất quan trọng của công dân được pháp luật Hình sự Việt Nam bảo vệ. Trong trường hợp này, nạn nhân bị bắt giữ lại là các thành viên tổ công tác của Công an tỉnh, Công an huyện đang đi làm nhiệm vụ theo trách nhiệm được giao. Có thể có ý kiến cho rằng, hành vi giữ người này có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ. Việc khởi tố các bị can theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ pháp luật.

Thứ ba, “Tội chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự gồm hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái luật. Với hàng loạt hành vi của giáo dân như: Hành hung tát vào mặt; xé rách áo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương; khống chế buộc phải viết giấy cam kết; ký tên và đóng dấu Ủy ban nhân dân xã Nghi Phương; ép Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc ký xác nhận vào giấy cam kết về nội dung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh xem xét thả 2 bị can là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải, được thực hiện bởi các chủ thể có đầy đủ năng lực pháp luật cho thấy, đã đủ các dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chống người thi hành công vụ”. Hành vi này đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến hoạt động bình thường của các đơn vị vũ trang nhân dân.

Ngoài ra, các bị can có thể bị xem xét tăng hình phạt với hàng loạt các tình tiết tăng nặng như: Phạm tội có tổ chức, xâm phạm tài sản Nhà nước. Tóm lại, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 tội danh như trên là đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ việc một số giáo dân quá khích tại xã Nghi Phương (Nghi Lộc, Nghệ An): Đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.