Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để kiểm soát và giảm thiểu tệ nạn mại dâm: Thiếu nhiều chế tài xử lý

Hà Hiền| 15/04/2018 07:16

(HNM) - Từ xưa đến nay, hoạt động mại dâm luôn bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng vẫn hiện hữu trong đời sống xã hội. Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến về vấn đề nên hay không nên coi mại dâm là một nghề...


Lực lượng chức năng lập biên bản, xử lý một trường hợp mại dâm.


Quan điểm nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm được đặt ra từ lâu, nhưng không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội vì nhiều lý do khác nhau. Tại hội thảo bàn định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB& XH) tổ chức vào cuối tháng 3-2018, vấn đề này một lần nữa được nêu ra. Theo ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), công tác phòng, chống mại dâm đã và đang được các cấp, ngành quan tâm, song, tệ nạn xã hội này vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Báo cáo từ các tỉnh, thành phố cho thấy, cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm (số liệu do Tổ chức Lao động quốc tế công bố lên đến 100.000 người, trong đó có 75.000 người là nữ). Riêng năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện gần 10.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu hoạt động mại dâm, xử phạt vi phạm hành chính gần 7.000 cơ sở với số tiền hơn 58 tỷ đồng. “Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới thì quan điểm xây dựng luật về mại dâm cần hướng dần đến việc công nhận mại dâm là một nghề. Nghề này cần được tổ chức, quản lý trong các khu riêng biệt”, ông Trần Văn Đạt phân tích.

Một số ý kiến cho rằng, nên coi mại dâm là một nghề khi đưa hoạt động nhạy cảm này vào khu riêng biệt sẽ dễ dàng kiểm soát, hạn chế tối đa sự lây nhiễm bệnh tật. Tuy nhiên, số ý kiến đồng thuận không nhiều. Đa số nhà quản lý, nghiên cứu và cộng đồng nhất quán quan điểm không nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm. “Hiện nay, Việt Nam chưa thể có nghề mại dâm. Điều này liên quan đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống và rất nhiều yếu tố khác”, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định.

Tương tự, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Con người không phải là một dạng hàng hóa có thể mang ra mua bán. Công nhận mại dâm là một nghề là đi ngược với quyền con người, với mục tiêu bình đẳng giới”. Còn ông Vũ Ngọc Bình, cố vấn cao cấp của Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nêu rõ, hoạt động mại dâm bị coi là bất hợp pháp, là tệ nạn xã hội ở hầu hết các quốc gia. Với quốc gia được cho là có tư tưởng “thông thoáng” như Mỹ, mại dâm vẫn là bất hợp pháp (trừ bang Nevada). Ở Thái Lan, mại dâm cũng không được hợp pháp hóa...

Để quản lý hoạt động mại dâm, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp. Song song với hoạt động kiểm tra, xử lý, các ngành, địa phương, tổ chức xã hội tạo điều kiện cho người bán dâm hoàn lương học nghề, tìm việc làm. Nhiều người đã sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, kiến thức có được từ các lớp học nghề để làm lại cuộc đời. Trên phương diện pháp lý, từ năm 2013 đến nay, việc mua, bán dâm không bị xử lý hình sự, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Áp dụng hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi mua, bán dâm được cho là bước đi tiến bộ, đưa hệ thống luật pháp của Việt Nam trong lĩnh vực này đến gần hơn với luật pháp quốc tế. Thế nhưng, mức xử phạt quá nhẹ lại là một trong những nguyên nhân khiến người có hành vi mua, bán dâm “nhờn” luật. Đáng nói hơn, khung pháp lý về phòng, chống hoạt động mại dâm bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm có nhiều điểm “vênh” so với Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm chưa thể hiện rõ ràng biện pháp chống kỳ thị, phân biệt đối xử và quyền được sống hòa nhập của người bán dâm bị nhiễm HIV/AIDS, trong khi Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS. Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm chưa có quy định về biện pháp can thiệp để giảm tác hại và phòng ngừa lây lan HIV/AIDS ra cộng đồng; chưa đề cập đến biện pháp tư vấn, hỗ trợ dịch vụ xã hội cho người hoạt động mại dâm. Chế tài xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động mại dâm thiếu công bằng giữa các nhóm đối tượng, thiếu sức răn đe.

Những hành vi bị nghiêm cấm như bảo kê, môi giới mại dâm, khiêu dâm, kích dục, dâm ô, lạm dụng tình dục… còn thiếu chế tài xử lý. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Xuân Lập kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng luật về mại dâm thay thế cho Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Tinh thần là phải tôn trọng quyền con người, chú trọng tới các giải pháp nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra...

Trước tình trạng hoạt động mại dâm có diễn biến phức tạp, kiến nghị xây dựng luật về mại dâm rất cần được các cơ quan chức năng lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để kiểm soát và giảm thiểu tệ nạn mại dâm: Thiếu nhiều chế tài xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.