Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Viện Kiểm sát yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun

Hà Phạm| 23/10/2018 19:20

(HNMO) - Chiều 23-10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc về vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun.


Phát biểu tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc GrabTaxi bồi thường với số tiền thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, có đủ cơ sở để khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24 (hay còn gọi là Quyết định 24 của Bộ Giao thông - Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng), vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng của Vinasun.

Theo đó, về mặt thẩm quyền giải quyết vụ kiện, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện trong vụ án này nên việc Grab cho rằng vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa là không phù hợp. Cả nguyên đơn và bị đơn đều là doanh nghiệp. Việc tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh là đúng.

Về các yêu cầu của Grab đề nghị đưa Bộ Giao thông - Vận tải tham gia tố tụng để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến Đề án 24, Viện Kiểm sát cho rằng do Đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện nên không cần thiết phải đưa Bộ Giao thông - Vận tải vào tham gia tố tụng. Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị bác yêu cầu của Grab trong việc triệu tập Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long và không cần thiết phải tiến hành giám định lại.

Về nội dung, giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Mặc dù theo Đề án 24, Grab chỉ được phép cung cấp nền tảng công nghệ kết nối nhưng đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 để trực tiếp kinh doanh, điều hành dịch vụ vận tải taxi như: Thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế… Ngoài ra, Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe giá 0 đồng. Từ đó, đủ cơ sở xác định Grab là chủ doanh nghiệp thực thụ trong việc kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.


Từ những hồ sơ vụ kiện, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, Grab kinh doanh không đúng Đề án 24, vi phạm Luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực nên yêu cầu của Vinasun khởi kiện Grab để bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Quốc Việt, có đến 74% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long (do Tòa chỉ định giám định độc lập), số lượng xe của Grab gần 13.000 xe tính đến tháng 6-2017, chiếm hơn 54% số xe tham gia thí điểm...

Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, có đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện bồi thường của Vinasun buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Xét thấy vụ án phức tạp cần có thời gian nghị án, Hội đồng xét xử quyết định sẽ tuyên án vào 14h ngày 29-10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Viện Kiểm sát yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng cho Vinasun

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.