Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người trả lại 4.000m2 đất (Kỳ 1): Làm đơn xin trả nhà

HA OANH| 28/10/2006 07:30

Ông Phạm Văn Xô, tức Hai Xô, đã từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao, là một trong những đảng viên đầu tiên, từng được mệnh danh là “ông cơm áo gạo tiền” của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông Phạm Văn Xô nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976)

Ông Phạm Văn Xô, tức Hai Xô, đã từng là cán bộ lãnh đạo cấp cao, là một trong những đảng viên đầu tiên, từng được mệnh danh là “ông cơm áo gạo tiền” của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

95 tuổi đời với 75 tuổi Đảng, một đời cống hiến cho sự nghiệp chung, khi con trai vất vả hoàn tất các thủ tục hóa giá khu đất vườn được cấp hơn 4.000m2 ở vị trí tuyệt đẹp bên bờ sông lộng gió, ông vẫn cương quyết làm đơn trả lại. 

Đêm mất ngủ

Những lúc thấy yếu trong người, ông thường dặn đi dặn lại chúng tôi là nếu ông chết thì hỏa táng cho ông, không được chôn mà tốn đất, tốn tiền nhà nước. Ông nói tiền xây mộ để xây 10 cái nhà tình nghĩa còn hơn (có lần vào Nghĩa trang liệt sĩ, ông hỏi, người ta bảo một cái mộ xây hết 100 triệu đồng).

(Trích hồi ức về ba của Trần Minh Thường, đăng trong cuốn Đồng chí Phạm Văn Xô - người cán bộ lão thành nhân hậu giản dị, NXB Chính Trị Quốc Gia)

Sau giải phóng năm 1975, ông Hai Xô (tên thường gọi của ông Phạm Văn Xô) được cấp một căn biệt thự 1.000m2 ở làng đại học Thủ Đức. Cả gia đình sum họp ở đó mấy năm. Rồi văn phòng Trung ương Cục dời vào thành phố, các cán bộ cũng theo nhau trả nhà, vào thành phố tìm nơi ở khác. 1981, gia đình ông Hai Xô dọn về bán đảo Thanh Đa.

Từng là một “ông trùm kinh tài Việt cộng” thời kháng chiến chống Mỹ và phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông được UBND TP.HCM cấp một miếng đất 4.000m2 ở Thanh Đa. Đất Nhà nước cho mượn, có một căn nhà bé tuềnh toàng, ông Hai làm thêm một căn nhà gỗ kiểu nhà sàn.

Ông rất thích khu vực này vì có đất rộng để làm vườn, chăn nuôi, có nguồn nước đào ao thả cá, có gió sông lộng thổi và có cái im vắng cho những chiêm nghiệm tuổi già. Đến năm 1991, Nhà nước có chủ trương hóa giá nhà cho các gia đình đang ở nhà nhà nước...

“Chúng tôi bàn với ba má là phải xin hóa giá để xác lập chủ sở hữu, lỡ sau này ba má không còn thì chúng tôi không đủ tiêu chuẩn được ở nhà nhà nước. Ông không có ý kiến gì, má tôi thì đồng ý, ai mà chẳng lo cho con. Giá nhà nước cho mua lúc đó khoảng 120 triệu đồng, tính ra chừng 17 lượng vàng. Đối với gia đình tôi, số tiền ấy ngoài tầm tay. Bao nhiêu năm đi làm cách mạng, ba má tôi không để cho mình đồng nào. Nhưng đã quyết tâm mua thì phải tính. Anh em chúng tôi đi vay mượn bạn bè, đồng nghiệp. Chẳng ai có nhiều, mỗi người một ít, cũng vì họ thương, muốn giúp chúng tôi có chỗ an cư lạc nghiệp”.

Giữa lúc ấy có một ông hàng xóm đến xin mua 100m2 đất ở một bên hông với giá 20 lượng vàng, sẽ đưa trước 6 lượng để gia đình làm thủ tục hóa giá. Đang thiếu tiền, đề nghị quá thuận lợi, anh Thường lập tức đồng ý.

“Kể cho má nghe, bà mừng lắm, như thế là yên tâm hóa giá xong sẽ có tiền trả nợ, lại còn dư ra chút ít, mà miếng đất cũng không hẹp đi bao nhiêu. Mấy má con mừng rỡ, lại càng quyết tâm. Vậy là mình sắp có cái nhà của riêng mình sau bao năm cha mẹ nằm rừng, con cái ăn nhờ ở đậu. Tôi mất mấy tháng trời ngược xuôi để hoàn tất giấy tờ, thủ tục. Tuy là công an nhưng đến cơ quan chức năng cũng chỉ là dân thôi, giấy tờ ngày ấy lại nhiêu khê, phức tạp hơn bây giờ nhiều lần. Cuối cùng cũng xong. Nộp tiền, lấy hóa đơn, giấy tờ về, tối, mấy mẹ con ngồi bàn chuyện cắt đất bán để trả nợ”.

Vẻ vui mừng của mọi người khiến ông Hai Xô chú ý hơn. Và ông nghe được câu chuyện là chỉ cắt 100m2 đất đi bán thì con ông đã lãi 3 lượng vàng, mảnh đất 3.900m2 còn lại coi như được cho không. Ông nhẩm tính: thế là Nhà nước đã thiệt đến hơn 40 lần khi hóa giá khu đất cho mình. Đêm ấy ông mất ngủ.

Để lại cho con niềm tự hào

Ủy viên Bộ Chính trị Phan Diễn (phải)  thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng ông Phạm Văn Xô Huân chương Sao Vàng ngày 4-11-2004

“Sáng hôm sau, không nói với ai câu nào, ông đi xe đạp lên Thành ủy. Gặp mấy chú trên đó, ông độp ngay: làm việc nước mà không biết tính toán, để lỗ cho Nhà nước mấy chục lần sao. Gia đình tôi không mua hóa giá nữa, các anh hủy giấy tờ đi. Rồi ông đạp xe sang Sở Nhà đất, lại thuyết một bài về việc giữ gìn tài sản của Nhà nước. Xong rồi ông về nhà, cương quyết buộc mấy má con phải làm đơn trả nhà lại”.

Những ngày sau đó là những ngày nặng nề, “ông một phe, mấy má con một phe”. Phân tích, tranh cãi, trách móc, giận hờn, nước mắt… đủ kiểu. Có bữa ông bỏ ăn, có ngày bà ra bờ sông ngồi lặng. Đêm, cả nhà mỗi người mỗi chỗ trằn trọc không ngủ.

Ông lý luận: “Mình theo cách mạng, theo Đảng, chỉ cần biết cống hiến thôi. Đảng kêu ở đâu thì ở đó. Không có nhà, Đảng đã cho nhà ở, sao lại toan tính bán buôn, dùng tài sản nhà nước mà kiếm lợi cho mình là có tội với Đảng, với dân. Đất rộng như thế, phải để sau này Nhà nước cấp cho nhiều người khác nữa hoặc làm việc gì có ích hơn. Cán bộ nào cũng ở rộng như vậy, dân còn chỗ nào mà ở. Các con mình sinh ra, cũng đã được Nhà nước cho ăn học, chúng sẽ phải biết tự lập, không được dựa dẫm vào ai, kể cả cha mẹ”.

Thấy các con vẫn chưa chịu làm đơn trả nhà, ông cũng xách balô lên một chiếc xe của T78 đi. Đơn vị cho mượn xe một ngày, nhưng rồi ông đi biệt cả tuần. Tài xế báo về là ông đòi lên thăm căn cứ cũ ở Tây Ninh, Bình Phước...

“Tình hình gia đình căng thẳng, chúng tôi khổ tâm mà không biết phải làm sao. Mấy tháng trời bao nhiêu công sức, thời gian đã đổ vào việc làm thủ tục hóa giá, rồi số vàng vay mượn đã đổi ra tiền mang nộp, nếu rút tiền về sẽ không đủ mua vàng trả nợ, rồi ấm ức với sự nghiêm khắc của cha, nghĩ thế là chẳng có cơ hội có căn nhà của mình… Mấy chú trên Thành ủy xuống khuyên: Thôi, chiều theo ý ông để ông vui lòng. Ông lớn tuổi rồi, đừng để ông phải buồn. Thế là làm đơn xin trả lại nhà, rút lại tiền, lại xoay xở bù vào chỗ thiếu hụt để mua vàng trả lại”.

Thế là trả nhà, không còn chút gì vương bận đến lương tâm, ông mới an tâm vui. Gia đình lại êm ấm như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Bà và các con thêm một lần hiểu chất cộng sản đã trở thành máu thịt trong ông. Với ông, phản ứng đó là tự nhiên, là tất yếu. Tính tình ông dứt khoát, việc gì đã qua rồi thì không bao giờ nhắc lại. Những câu chuyện về ông người ta cứ truyền tai nhau như những giai thoại, tiêu biểu là chuyện trả nhà lần này, nhưng riêng ông thì không bao giờ nhắc đến.

“Sau này thì tôi rất hiểu cha tôi. Với quan niệm của mình, với cách sống đã thấm nhuần cả đời, ông không biết và không thể có cách xử sự khác. Ông vẫn luôn là một ông cán bộ “cơm áo gạo tiền”, giữ kho, điều phối những khối lượng của cải vô kể nhưng không mảy may đụng đến dù chỉ là một hạt gạo không phải của mình”.

Ngày ông Hai Xô nhận Huân chương Sao Vàng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết lúc đó mời cả nhà dùng cơm. Ông Triết nói với anh Thường: “Trong việc ba được tặng Huân chương Sao Vàng có công của các cháu, có việc các cháu đã trả lại nhà”.

Khu đất ấy hiện giờ là Văn phòng phía Nam của Tổng hội Xây dựng VN. Hẳn nhiên là ông Hai Xô hài lòng lắm. Thay cho một lô đất đẹp để kinh doanh, ông đã để lại cho con trai, con gái một niềm tự hào.

Theo TTO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người trả lại 4.000m2 đất (Kỳ 1): Làm đơn xin trả nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.