Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

TUANPHONG| 08/10/2009 06:54

(HNM) - Ngày 10-10-1954, đoàn quân chiến thắng của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) đã tiến vào giải phóng Hà Nội trong nô nức cờ hoa. Thế nhưng trước ngày giải phóng tưng bừng ấy, từ ngày 9-10-1954, Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) đã vào tiếp quản trước một số khu vực để đón đại quân. Những chiến sĩ trong đoàn quân chiến thắng ngày ấy nay đều đã ngoài tuổi

(HNM) - Ngày 10-10-1954, đoàn quân chiến thắng của Trung đoàn Thủ đô (Đại đoàn 308) đã tiến vào giải phóng Hà Nội trong nô nức cờ hoa. Thế nhưng trước ngày giải phóng tưng bừng ấy, từ ngày 9-10-1954, Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) đã vào tiếp quản trước một số khu vực để đón đại quân. Những chiến sĩ trong đoàn quân chiến thắng ngày ấy nay đều đã ngoài tuổi "xưa nay hiếm", nhưng những ký ức hào hùng thì vẫn vẹn nguyên trong họ như thể mới diễn ra hôm qua.

Khắc sâu lời thề

Ông Trần Quốc Hanh (bên trái) và ông Hoàng Bảo (chụp vào năm 1954 sau khi giải phóng Thủ đô).

Ông Hoàng Bảo và ông Trần Quốc Hanh là những đại tá quân đội về hưu, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Họ là hai người bạn thân có nhiều điểm chung: sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tham gia chiến đấu quyết tử tại Hà Nội trong 60 ngày đêm mùa đông năm 1946, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và trong đội hình đầu tiên của đoàn quân chiến thắng tiến vào giải phóng Thủ đô.

Trong cuộc đời binh nghiệp, đã trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nhưng cái xúc cảm đậm nét và "gai người" mỗi khi nhớ lại đối với hai ông vẫn là những phút giây hào hùng trên đường phố Hà Nội, khi được đi trong đội hình của những người con chiến thắng về giải phóng Thủ đô yêu dấu.

Khi tham gia chiến dịch 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Hà Nội, mùa đông năm 1946, ông Hoàng Bảo mới 13 tuổi, ông Trần Quốc Hanh còn nhỏ hơn: 12 tuổi. Hai cậu bé vì ghét lính Tây chà đạp đồng bào mình nên đã theo các anh lớn nhập ngũ để góp sức diệt giặc, bảo vệ Thủ đô. Ông Bảo thì tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, đạn dược, thương binh ở mặt trận Liên khu 1. Còn ông Hanh thì tham gia vận chuyển đạn pháo cho Pháo đài Láng đến ngày 25-12, sau đó ra làm công tác hậu cần ở vùng ngoại vi Hà Nội.

Ông Bảo còn nhớ như in cái đêm mù sương ấy, khi đơn vị được lệnh rút khỏi Hà Nội: "Lúc ấy, trời tối đen, không gian đặc quánh bởi sương mù và khói lửa. Khi được lệnh rút quân, toàn thân tôi run lên… Sắp phải xa Hà Nội rồi!... Chúng tôi rút dần theo từng tốp nhỏ ra hướng bờ sông. Khi đi ngang qua nhà ở 43 phố Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài), tôi dừng lại. Cả khu phố vắng tanh, tất cả đã đi tản cư. Ngôi nhà bé nhỏ của tôi… lặng ngắt. "Chẳng biết tất cả những hình ảnh thân yêu này có còn vẹn nguyên khi mình trở về không?". Tôi thầm nghĩ, "Nhất định… nhất định ta phải trở về để giành lại nơi này!". Nghĩ vậy, tôi bèn dùng lưỡi dao khắc thật sâu dòng chữ trước cửa nhà: "Hà Nội ơi, sẽ trở về". Trong cái đêm khói lửa ấy, nhìn Thủ đô hào hùng và thương đau với tro tàn, gạch nát, như ông Bảo, biết bao chiến sĩ ra đi gạt nước mắt khắc thật sâu lời thề trở về.

… Đúng như đã hẹn 8 năm sau, ông Bảo cùng đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô. Khi ra đi vào cái đêm lạnh lẽo năm 1946 ấy, cùng ông Bảo còn có 6 người nữa. Ngày về giải phóng chỉ còn 2 người.

Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông…

Không phải ngẫu nhiên mà Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) được chọn là đơn vị đầu tiên tiến vào Thủ đô, làm công tác chuẩn bị cho lễ tiếp quản chính thức. Ông Trần Quốc Hanh cho biết: "Trung đoàn 57 có một đặc điểm là toàn lính khu 4 (tức là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Đơn vị này là hậu duệ của các đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Nếu nói về độ rắn rỏi, trung kiên, lập trường chính trị vững vàng thì đây là đơn vị chuẩn mực được các cấp chỉ huy yên tâm hoàn toàn". Trung đoàn 57 đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của quân đội ta trong kháng Chiến chống Pháp như Chiến dịch Lê Lai, chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Quang Trung, Chiến dịch Hòa Bình, Chiến dịch Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ. "Đơn vị thường xuyên được cấp trên giao cho những nhiệm vụ rất "nặng", rất đặc biệt. Từ trước ngày giải phóng mấy năm, trong một cuộc nói chuyện vui, anh Hoàng Bình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 346 của Trung đoàn 57 đã dự đoán rằng, dứt khoát Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) của Đại đoàn 308 và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 sẽ vào giải phóng Hà Nội. Lúc ấy, ai cũng cười. Sau này, ông Hoàng Bình mới giải thích, sở dĩ ông đoán vậy là vì đây là 2 đơn vị thuộc 2 đại đoàn chủ công của quân đội ta. Hơn nữa, Trung đoàn 102 từ Thủ đô ra đi, dứt khoát phải trở về để giải phóng theo đúng lời thề. Còn Trung đoàn 57 là từ quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh, quê hương Bác Hồ…", ông Hoàng Bảo kể lại.

Ngày 5-9-1954 đang làm nhiệm vụ quân quản ở thị xã Sơn Tây và thị trấn Phùng, Trung đoàn 57 được lệnh rút về vùng Chúc Sơn, Gốt (Chương Mỹ, Hà Đông) để chuẩn bị cho "nhiệm vụ đặc biệt". Theo ông Hoàng Bảo, thì đầu tháng 10 (tức khoảng ngày 1 đến 2-10) thì Trung đoàn mới biết "nhiệm vụ đặc biệt" ấy chính là tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sung sướng, tự hào nhưng các cán bộ của Trung đoàn biết đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Việc cần chuẩn bị kỹ nhất của bộ đội là chuẩn bị về tư tưởng. Bộ phim "Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông" nói về những vấn đề Giải phóng quân Trung Quốc gặp phải khi vào giải phóng thành phố Thượng Hải được chiếu cho bộ đội xem. Cũng nhờ bộ phim này, cùng với việc học tập quy chế vào vùng mới giải phóng nên cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã nâng cao được nhận thức.

"Tất cả mọi người đều hiểu rõ yêu cầu nhiệm vụ vào tiếp quản Hà Nội là phải giành được thắng lợi thật to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao. Phải tiếp quản Hà Nội thật nhanh, gọn, an toàn và toàn vẹn, không được để việc tiếp quản bị trì hoãn, kéo dài, càng không được để cho những kẻ xấu và bọn phản động giấu mặt lợi dụng khiêu khích, gây rối, bạo loạn, phá hoại, xuyên tạc, bôi xấu cách mạng, kháng chiến, bôi xấu quân đội ta. Đặc biệt, không được để cho cán bộ, chiến sĩ bị cuộc sống hào nhoáng, xa hoa, lối sống hưởng lạc, chạy theo tiện nghi, lợi ích vật chất của một thành phố lớn bị chiếm đóng lâu ngày mới được giải phóng cám dỗ, lôi kéo, làm cho hư hỏng. Lúc ấy, anh em ai cũng nhắc nhau về sự nguy hiểm của "viên đạn bọc đường" như trong lời Bác Hồ dặn dò các đơn vị làm nhiệm vụ tiếp quản phải hết sức đề phòng. Trong mọi hoàn cảnh, bộ đội phải thật vững vàng, từng lời nói và việc làm đều phải thể hiện đầy đủ bản chất, truyền thống cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam để nhanh chóng được nhân dân Hà Nội tin yêu, đoàn kết, ủng hộ. Qua quân đội mà nhân dân Hà Nội hiểu rõ và tin tưởng vào Đảng và Chính phủ…". Ông Trần Quốc Hanh cho biết.

Những bước chân rắn rỏi, trung kiên

Đêm 8-9-1954, trời mưa tầm tã, Trung đoàn 57 được lệnh lên đường tiến vào Hà Nội. Sắp về đến nhà rồi, lòng ông Hoàng Bảo xốn xang, nhưng trí óc ông lại rối bời bởi những suy nghĩ miên man suốt chặng đường hành quân. Nhà ông liệu có còn ai không, có ai di cư vào Nam không? Liệu mọi người ở nhà có biết ông về mà ra đón không? Chắc chẳng ai biết đâu, vì đây là "nhiệm vụ đặc biệt" mà. Cách đó khoảng hơn một tháng, khi tiếp quản thị trấn Phùng ông đã được gặp cô em gái. Nhưng từ đó đến nay có thể sẽ có nhiều thay đổi…

Cuộc gặp mặt các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 57 năm 1998.

Trung đoàn đến thị xã Hà Đông. Lúc ấy đang giữa đêm, thế mà biết tin "Bộ đội Điện Biên" về giải phóng Thủ đô, nhân dân thị xã đứng chật hai bên đường, tràn ngập cờ hoa và vang dậy tiếng reo vui. Những cái bắt tay, cái ôm thật chặt, những bông hoa tươi thắm được trao vội và tung vào đoàn quân như mưa làm tinh thần bộ đội càng thêm phấn chấn. Mặc dù, phần lớn bộ đội của Trung đoàn 57 có quê ở khu 4, nhưng tình cảm nồng thắm của người dân khiến các chiến sĩ cảm thấy như được về nhà.

Qua thị xã Hà Đông, đến Phùng Khoang được trinh sát phía trước báo: Quân Pháp đang dàn một đoàn xe tăng, thiết giáp chặn ngang Ngã Tư Sở. Trung đoàn trưởng Nguyễn Cận liền lệnh cho bộ đội dừng lại và chuyển sang đội hình chiến đấu, đồng thời báo cáo lên cấp trên và cử người đi bắt liên lạc với sĩ quan Việt Nam trong Ban liên hiệp đình chiến để nắm tình hình và phối hợp xử trí. Khi sĩ quan ta phản đối, phía Pháp thanh minh rằng đó là họ làm theo quy định đón tiếp và bàn giao của quân đội Pháp. Tuy nhiên, họ cũng rút ngay số xe tăng, thiết giáp ấy ra khỏi khu vực tiếp xúc. Sau khi được thông báo của trên, Trung đoàn trưởng hạ lệnh tiếp tục tiến quân.

Từ Phùng Khoang, Trung đoàn chia thành ba cánh theo 4 hướng tiến vào Hà Nội: Tiểu đoàn 346 do Tiểu đoàn trưởng Hoàng Bình chỉ huy đưa hai đại đội tiếp tục tiến theo đường 6 vào Ngã Tư Sở tiếp xúc với quân đội Pháp rồi theo họ dẫn đường vào tiếp quản sân bay Bạch Mai và các vị trí quân sự khác ở Ngã Tư Vọng, ga Hàng Cỏ, Hỏa Lò, Nhà Đấu Xảo, Bệnh viện Bạch Mai… Còn một đại đội thì tiếp quản khu vực Mai Động, Vĩnh Tuy. Tiểu đoàn 265 do chính trị viên Lâm Phúc chỉ huy rẽ theo đường Mễ Trì đi Yên Hòa vào làng Cót để chuẩn bị hôm sau tiếp quản khu vực Cầu Giấy, Quần Ngựa, Kim Mã. Tiểu đoàn 418 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Cầm chỉ huy cùng Trung đoàn bộ hành quân theo đường Mễ Trì, Dịch Vọng, Nghĩa Đô vào vùng Bưởi, Trích Sài để triển khai tiếp quản khu vực từ Nhật Tân đến Trường Bưởi, Nhà máy Da Thụy Khuê… Chỉ huy sở của Trung đoàn đặt ở làng Yên Thái (Bưởi). Dọc đường tiến quân tại Hà Nội, nhiều con phố vẫn vắng lặng. Khi người dân thấy bộ đội tiến vào mới ào ạt đổ ra chào đón.

"Hồi ấy, kỷ luật vùng tiếp quản nghiêm lắm. Lúc đầu, chúng tôi rất hạn chế tiếp xúc với người dân. Đi đâu cũng phải có từ 2-3 người trở lên, mà phải đi theo hàng ngũ chỉnh tề, mang theo bi đông nước, lúc mệt thì tìm chỗ nào râm mát, có thảm cỏ để ngồi nghỉ chứ quyết không được vào hàng quán, hạn chế vào nhà dân". Ông Trần Quốc Hanh nhớ lại. "Có khi muốn mượn người dân tờ báo, cuốn sách để đọc cũng phải suy đi, tính lại xem có nên mượn hay không, dân họ có nghĩ gì không?".

Ông Hoàng Bảo thì còn nhớ rõ cái lần đi qua nhà ở phố Đồng Khánh. Ngày ra đi, ông mới chỉ là một chú bé gầy đen và ngỗ ngược với bao lần gây gổ đánh nhau với trẻ con Tây, bị đuổi học. Sau 8 năm, ông trở về vinh quang trong bộ quân phục. Vẫn con phố ngày xưa, sao toàn những khuôn mặt khác lạ, ông chẳng nhận ra ai… Nhưng kìa, ngay trước cửa nhà ông thấp thoáng một bà cụ và một thiếu nữ… Ôi bà, bà ngoại… Thời gian và bao biến động đã nhuộm bạc thêm mái tóc bà. Ông chỉ muốn lao đến bên bà và em, nhưng kỷ luật quân ngũ đã kìm bước chân ông.

- "Bà ơi!" - ông đứng từ xa gọi.

- Bà ơi, anh Bảo nhà mình kìa. Anh Bảo…

- Bảo ơi! - bà cất tiếng gọi run run.

Ông gạt nước mắt nói to: "Bà ơi, cháu vẫn khỏe. Cháu đang làm nhiệm vụ. Giải phóng rồi, cháu sẽ sớm về thăm bà". Nói xong, ông vội bước để theo kịp đội hình. Bóng bà và em khuất dần sau đám đông.

Phải nửa tháng sau, theo một giấy nghỉ phép đặc biệt do ông Doãn Sửu, Trưởng tiểu ban tổ chức của Trung đoàn 57 ký, ông Bảo mới được về thăm nhà và gặp lại bà. Đây cũng là giấy nghỉ phép đầu tiên của bộ đội tiếp quản ở Hà Nội.

Cứ mỗi năm cuộc gặp mặt các cán bộ Trung đoàn 57 năm xưa tiếp quản Hà Nội lại vắng vẻ hơn. Các cụ lại điểm danh đội hình xem ai còn, ai mất. Tất cả đều đã ở cái tuổi "gần đất xa trời", nhiều người trong số họ là các tướng lĩnh, các cán bộ chỉ huy trong quân đội. Khi nhắc lại những giờ phút oai hùng của đoàn quân chiến thắng năm xưa, cụ nào cũng lại sôi nổi như thời thanh niên: "Tớ còn nhớ hồi ấy…".

Hồ Quang Phương

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên ký ức hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.