Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Xã hội hóa giáo dục: Đúng và trúng

Kim Thoa| 14/01/2011 07:00

(HNM) - Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, Báo cáo chính trị của BCH TƯ khóa VII đã khẳng định: "Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa".

Chủ trương lớn có tầm chiến lược này đã được triển khai có hiệu quả trong 10 năm qua, đem lại đổi thay cơ bản trong tổ chức và quản lý giáo dục, đã tạo nên động lực và phát huy mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục. Các nguồn lực trong nhân dân, tinh thần, trí tuệ và sự giám sát của nhân dân được huy động để lo cho việc học của con em mình. Những thành tựu của giáo dục trong thập kỷ qua có được cũng nhờ một phần vào công tác xã hội hóa.

Học sinh Trường THPT dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm trong giờ thực hành. Ảnh: Linh Tâm


Mọi người làm giáo dục
Lời tâm sự của lão nông Nguyễn Văn Thuyết (Bình Phước) trong lễ tuyên dương các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục lần thứ hai được tổ chức đầu năm qua cũng có lẽ là suy nghĩ chung của những người có tấm lòng vàng dù họ là doanh nhân thành đạt hay ông lão nông dân cuộc sống còn chưa hết khó khăn. Cụ Thuyết bảo rằng, “chúng tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, trả nghĩa tình mảnh đất quê hương và những con người đã cưu mang giúp đỡ gia đình chúng tôi được như ngày hôm nay”. Sự đóng góp mà cụ Thuyết cho là còn “nhỏ bé” của mình đã hiện hữu bằng công trình 8 phòng học trị giá 2,4 tỷ đồng trên tổng diện tích 5.000m2.

Năm 2007, lần đầu tiên ngành giáo dục đào tạo tri ân  các đơn vị, các nhà hảo tâm. Chỉ 150 tổ chức xã hội và 150 cá nhân tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho ngành giáo dục trong 10 năm, từ 1996 đến 2006 được vinh danh đã hỗ trợ ngành 900 tỷ đồng, 232.000 bảng Anh... Trong 3 năm trở lại đây, sự hỗ trợ của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục đã phát triển ở bình diện rộng hơn, với hình thức phong phú và hiệu quả thiết thực hơn. Thống kê chưa đầy đủ nhưng cũng đã có 1.293 tỷ 572 triệu đồng, 17.856 triệu USD, 276.828 euro được góp cho việc học của con em nhân dân.

Không chỉ những doanh nghiệp lớn, những doanh nhân giàu có mới tham gia xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh những chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc như ông Doãn Tới ở Công ty Nam Việt (An Giang) góp 38 tỷ đồng cho hai quỹ khuyến học của An Giang và Thanh Hóa còn có những người dân bình thường cũng đã dành phần tài sản lớn của mình cho sự phát triển giáo dục của các địa phương như bác Trần Văn Thưa bảo vệ của Trường THPT Kiến Văn (Cao Lãnh, Đồng Tháp) hiến 3.000m2 đất để mở rộng trường; gia đình ông bà Phan Hải, Phạm Thị Dung (Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đóng góp 6 tỷ đồng xây dựng Trường THCS Mỗ Sơn; bà Nguyễn Thị Tuyết (Sóc Trăng) 3 lần hiến 10.000m2 đất và vận động bà con cùng hiến đất xây dựng Trường THCS An Thạch 2; ông Quỳnh Nháp nông dân người Pacô hiến 6.200m2 đất xây nhà công vụ cho giáo viên ở huyện A Lưới... Cụ Nguyễn Thị Hội tích cóp từng đồng bạc lẻ từ tiền bán nước, chăn nuôi, mài dao thuê gửi tiết kiệm thành 130 triệu đồng  để xây trường mẫu giáo ở quê hương. Trong số họ, có những người rất nghèo không thể ra Hà Nội để được vinh danh vì không có tiền làm lộ phí, nhưng tấm lòng thì giàu có vô cùng. Khi được hỏi rằng, sao không bán đất lấy tiền để bớt khổ mà lại hiến đất xây trường, một người nông dân ở Tây Ninh đã thật thà nói rằng: “ba bố con tôi thì ăn hết bao nhiêu. Trẻ con quanh đây thì lại không có chỗ học”.

Một vài tấm gương điển hình trên chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh toàn cảnh về sự chăm lo của xã hội đối với giáo dục, sự chung tay của mọi lực lượng, tầng lớp nhân dân để xây dựng một môi trường giáo dục tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Bức tranh ấy mang một gam màu chủ đạo như Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ ra: “Thực hiện XXHGD, huy động nguồn vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp để mở mang giáo dục, tạo điều kiện cho thành viên trong xã hội học tập suốt đời”. XHHGD không chỉ là những đóng góp về tài chính mà quan trọng hơn là làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục, coi giáo dục là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Chính nhờ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền mọi cấp đều đặt giáo dục lên vị trí quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục đều tăng qua mỗi năm, kể cả nguồn ngân sách. Năm 2007, Chính phủ đã dành 20% chi ngân sách cho GD-ĐT đạt tỷ lệ như Quốc hội đã phê duyệt cho năm 2010, con số thực tế năm vừa qua là 4.937,497 tỷ đồng. Các địa phương, trong đó tiêu biểu là Hà Nội, cũng đã liên tục tăng định mức chi cho một học sinh, đến nay đã tăng gấp nhiều lần so với 5 năm trước và hiện là thành phố có mức đầu tư cao nhất cho giáo dục. Chỉ tính riêng năm 2010, thành phố đã ưu tiên đầu tư cho giáo dục 2.900 tỷ đồng, huy động xã hội đóng góp 300 tỷ đồng đầu tư xây dựng nâng cấp trường học. Đặc biệt, kết quả của nhiều cuộc điều tra xã hội học cho thấy, chi cho nhu cầu học tập đã trở thành một khoản chi chủ yếu trong các gia đình, dù là gia đình trí thức hay nông dân, dù thu nhập vài chục triệu hay vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Tổng chi của người dân cho học tập chiếm khoảng 25% tổng chi của xã hội cho mục đích này.

Giáo dục cho mọi người
10 năm trước, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 05/2005/NQ-CP về đẩy mạnh XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã nhấn mạnh rằng, xã hội hóa tuyệt nhiên không phải là giải pháp tình thế, chỉ nhằm mục đích huy động dân đóng góp tài chính và vật chất cho giáo dục khi ngân sách nhà nước còn khó khăn eo hẹp. Kết quả công tác này trong thập kỷ qua một lần nữa khẳng định, ngoài việc ghé vai đỡ gánh nặng cho ngân sách thì nhờ XHH, cơ chế quản lý giáo dục đã được đổi mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân và góp phần hình thành một xã hội học tập, trong đó mỗi người đều lựa chọn được cho mình một loại hình, một phương thức để học. Sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập là một minh chứng điển hình của sự đổi mới này.

GS Văn Như Cương, người đi tiên phong trong việc thành lập trường dân lập cách nay 20 năm nhớ lại: “Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, các ngành nghề đều đổi mới nhưng dường như luồng gió ấy chưa thổi tới giáo dục. Trong hai cuộc kháng chiến, giáo dục thực sự là những bông hoa đẹp nhưng đến những năm này, chưa bao giờ giáo dục lại đi xuống đến thế, thầy bỏ dạy, trò bỏ học. Khi ấy tôi nghĩ, ở Hà Nội, rõ ràng trình độ giáo viên không thấp, đời sống kinh tế - xã hội cũng không phải quá khó khăn, vậy phải chăng là phải có cách làm mới? Nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư cho giáo dục thì nhân dân đóng góp, bài học này không mới nhưng khi thành lập Trường Lương Thế Vinh tôi cũng rất run vì không biết có học sinh hay không trong khi tâm lý coi giáo dục là phúc lợi xã hội, giáo dục không thể có ngoài quốc lập vẫn nặng nề”. Nhưng đến nay, hệ thống giáo dục ngoài công lập đã phát triển không ngừng, không chỉ ở những cấp học người dân cần chỗ học cho con khi trường công chưa đủ đáp ứng mà đã có nhiều mô hình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong cả nước đã đón 1,6 triệu trẻ em mầm non (chiếm 51% trong số trẻ đến trường), 4,8% học sinh phổ thông, 22,2% học sinh trung cấp chuyên nghiệp, 12,7% sinh viên cao đẳng, đại học. Tại Hà Nội, số trường ngoài công lập hiện chiếm 21% tổng số trường, thu hút 11% số học sinh. Những ngôi trường có cơ sở vật chất đẹp và hiện đại không kém các trường nước ngoài đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố lớn.

Sự ra đời và phát triển của hệ thống trường ngoài công lập không chỉ đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng và đa dạng của người dân mà quan trọng hơn nó làm xuất hiện một mô hình quản lý giáo dục mềm dẻo, năng động và hiệu quả. Đã có không ít những cơ sở giáo dục ngoài công lập “ngang ngửa” với trường công, tạo ra một đối chứng để so sánh về tính hiệu quả giữa hai loại hình, làm nên động lực thúc đẩy toàn hệ thống giáo dục phát triển.

Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, gặp quan điểm chỉ đạo hợp lòng dân nên XHHGD đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo xây dựng, phát triển sự nghiệp trồng người, để các thế hệ học sinh mãi được đến trường, mở ra những chân trời tri thức phục vụ nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Xã hội hóa giáo dục: Đúng và trúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.