Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nàng tiên áo trắng

Bảo Nga - Văn Ngọc Thủy| 08/03/2013 05:48

(HNM) - Họ là những người phụ nữ mặc áo bờ lu trắng, miệt mài không kể ngày đêm để chăm sóc, vỗ về, để xua đi nỗi tuyệt vọng, đau đớn vì những căn bệnh hiểm nghèo của biết bao người bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa.


"Sợ nhưng yêu nghề, thương bệnh nhân mà gắn bó"!

Chị Nguyễn Thu Hiền - điều dưỡng viên Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa, người đã có 16 năm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Lần đầu tiếp xúc với những bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối đang điều trị tại đây, quả thật không khỏi e ngại. Họ hầu hết còn trẻ, nhưng mang một hình hài đáng sợ khi bị căn bệnh thế kỷ hành hạ đã nhiều năm và trong số đó phần lớn vì nghiện ma tuý mà nhiễm HIV. Người thì hốc hác, chỉ còn da bọc xương nhưng bụng lại chướng căng, người thì lở loét khắp mình. Vài giường có người thân lặng lẽ chăm sóc, nhìn ánh mắt mệt mỏi, ngần ngại của họ, chúng tôi khó cất nên lời hỏi chuyện. Nhưng khi thấy những điều dưỡng viên lâu năm như chị Hiền, mỗi người bệnh đều ánh lên sự ấm áp. Họ ngoan ngoãn để chị tiêm thuốc, truyền dịch, thăm khám. Chị Hiền bảo, mình phải thành bạn của người bệnh thì mới có thể chăm sóc họ. Bệnh nhân nhiễm HIV những ngày đầu hầu hết đều có tâm lý rất nặng nề, nhiều người sốc mà tìm đến cái chết. 16 năm làm điều dưỡng tại đây, chị Hiền đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bi quan đến mức cự tuyệt mọi sự chăm sóc, chữa trị của thầy thuốc, tìm nhiều cách để tự kết liễu đời mình. Có người nhảy từ ban công tầng 3, người thì treo cổ trong phòng bệnh hoặc lấy dao cắt cổ tay, thậm chí có người tự bơm xăng vào tĩnh mạch… Những khi ấy, không chỉ là thầy thuốc, mỗi điều dưỡng viên phải là nhà tư vấn, người bạn biết lắng nghe, chia sẻ, động viên, an ủi cho bệnh nhân tin vào tương lai, tìm ra con đường sáng.

Là bệnh viện đầu ngành trong điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS cho các bệnh nhân sống trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa từ nhiều năm qua là địa chỉ tin cậy của những người mắc căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Lúc cao điểm, khoa điều trị nội trú cho gần 30 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và gần một nghìn người điều trị ngoại trú, có hồ sơ bệnh án và nhận thuốc hằng tháng. Ngay từ những ngày đầu thành lập khoa, chị Hiền đã đảm nhận công việc chăm sóc bệnh nhân AIDS. Chị bảo thời gian đầu sợ khủng khiếp, nhất là khi cô điều dưỡng trẻ vừa ra trường đối diện với những bệnh nhân lở loét khắp mình mẩy, với những vết thương bị hoại tử rộng ngoác, nhưng đáng sợ nhất vẫn là mối lo mình có thể bị phơi nhiễm bất kỳ lúc nào khi hằng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh còn lên cơn vật vã vì nghiện ma tuý. Khi đó họ hung dữ lắm, la hét giãy giụa, thậm chí tấn công cả điều dưỡng viên. Chị Hiền nhớ như in một buổi trưa cuối năm 2004, khi mọi người đã nghỉ ăn trưa, trong ca trực, chị đến giường một bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối để rút kim truyền dịch. Khi đó đột nhiên người này la hét, giãy giụa làm mũi kim chệch ven, rơi ra ngoài đâm thẳng vào ngón tay chị chảy máu. Lúc đó chị Hiền sợ hãi tột độ, chỉ ước có ngay con dao bên cạnh để chặt phăng ngón tay mình. Chị chạy lên phòng trực, thông báo với đồng nghiệp. Người lo nặn máu, lấy cồn rửa tay, người nhanh chóng tìm thuốc điều trị. Sau 30 phút, chị đã được dùng thuốc điều trị phơi nhiễm. Sau chị Hiền, tính đến nay trong khoa đã có thêm 4 chị là bác sỹ, điều dưỡng bị phơi nhiễm HIV do tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với bệnh nhân AIDS.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hương Lan, người cũng đã 15 năm công tác tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa là những kỷ niệm thú vị với nghề. Lần đầu nhận công việc, biết mình phải chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, chị sợ lắm, về xin gia đình chuyển công việc khác. Bố chị, một vị giáo sư công tác tại Khoa Dược - Học viện Quân y nhẹ nhàng nói với con gái: "Nghề y là nghề phục vụ nhân dân, con vừa ra trường cần tận tụy, đừng đòi hỏi gì". Thấm thoát đã 15 năm, chị Lan vẫn nhớ những ngày đầu nhận công việc, chị cũng như nhiều đồng nghiệp tuân thủ tuyệt đối nội quy y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân AIDS. Đội mũ, đeo kính, khẩu trang, găng tay, chân đi ủng, mặc quần áo bảo hộ kín mít, không ai nhận ra ai, khiến đồng nghiệp các khoa khác thường đùa nhìn các chị như chuẩn bị bay vào vũ trụ. Lúc đó khoa có hai phòng khám và điều trị AIDS, ra vào cửa đóng then cài, biệt lập hoàn toàn với những phòng bệnh khác. Thời điểm năm 1997-1998, sự kỳ thị với người nhiễm HIV còn rất lớn khiến các chị ra đường gặp bạn bè, người quen cũng không dám nói mình chăm sóc bệnh nhân AIDS. Người nhà biết chuyện cũng sợ, dù mỗi ngày các chị đã được dành hẳn một giờ đồng hồ để vệ sinh, thay trang phục trước khi về nhà.

Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề, chị Hiền, chị Lan đều nói không thể nào quên những đêm trực phải khâm liệm cho bệnh nhân AIDS qua đời, có đêm có đến 3 người chết. Kíp trực chỉ có một hai người, mà bệnh nhân AIDS thường bị người nhà bỏ rơi, hoặc có đến chăm nom thì chỉ đứng nhìn, không dám động chân động tay. Khâm liệm cho bệnh nhân AIDS thì quá nhiều công đoạn phải tiến hành theo quy định của Bộ Y tế. Trước hết phải dùng bông nút tai, mắt, mũi… vệ sinh thân thể người bệnh bằng dung dịch sát khuẩn rồi quấn hai lần vải xô, sau đó mới mặc quần áo, lồng vào túi ni lông rồi khiêng từ tầng 3 xuống nhà xác. Ba năm trở lại đây đã có những người làm chuyên môn của nhà Đại thể lo liệu, các chị không phải làm những công việc này. Nhưng chị Hiền vẫn rùng mình nghĩ lại những lần khâm liệm tử thi, chị vừa làm vừa khóc vì thương, vì sợ và còn vì nhiều cảm xúc lẫn lộn, không thể gọi tên. Chỉ biết sau mỗi lần như vậy về là không ăn nổi cơm, quần áo cũng bỏ đi luôn, không dám mặc lại.
Cho đến hôm nay, khi đã quen công việc, xã hội cũng bớt cái nhìn kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS và nhất là mỗi bệnh nhân được trang bị kiến thức để tự chăm sóc mình, công việc của các chị cũng đỡ vất vả rất nhiều. Vui nhất là nhiều bệnh nhân không còn mặc cảm nặng nề về bệnh tật, hằng tháng đến lấy thuốc điều trị họ không còn phải bịt mặt, ngồi len lén một góc mà luôn trò chuyện vui vẻ với nhau, bồng bế con cái đến, thăm hỏi bác sỹ, điều dưỡng, y tá… Đối với những người như chị Hiền, chị Lan và 21 nữ bác sỹ, điều dưỡng làm việc tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đống Đa, đó thực sự là những niềm vui lớn họ nhận được hằng ngày.

Những "bà mẹ" bất đắc dĩ...

Nhìn từ bên ngoài, BV Tâm thần TƯ 1 (phường Sài Đồng, quận Long Biên) trông rất thanh bình, lặng lẽ khác hẳn tất cả những bệnh viện khác. Không cảnh hàng quán nhốn nháo, không có những bãi trông xe dài dằng dặc, không nườm nượp người vào, ra... Nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng bệnh viện, người ta đã lạc ngay vào một thế giới khác: thế giới của những người điên! Có tận mắt chứng kiến công việc của các nữ điều dưỡng, bác sỹ ở đây mới thấu hiểu những nỗi vất vả, nặng nhọc và cả sự hy sinh thầm lặng của họ trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần.

Theo bác sỹ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ 1, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 100 trường hợp đến khám, chưa kể khoảng 500-600 bệnh nhân nội trú. Tuy không xảy ra tình trạng quá tải nhưng 60 bác sỹ và gần 280 điều dưỡng, y tá luôn bận "ngập đầu" bởi phải lo cho bệnh nhân từ khâu điều trị, vệ sinh, ăn ngủ đến trò chuyện, tâm tình...

Bữa ăn trưa của bệnh nhân ở BV Tâm thần TƯ 1 diễn ra khá lặng lẽ. Bệnh nhân mặc áo đồng phục kẻ sọc, ngồi xếp thành hàng dọc dãy bàn ăn. Những khuôn mặt ngơ ngác, thất thần, những đôi tay lóng ngóng không đưa nổi cơm vào miệng... Mỗi một bữa ăn như thế, bác sỹ Lê Thị Thanh Thu - Trưởng khoa 4 cấp tính nam cùng các đồng nghiệp đều phải làm việc rất vất vả. Chị tất tưởi đi từ đầu đến cuối phòng ăn, tay thoăn thoắt xúc cơm cho bệnh nhân này, tay lấy khăn lau miệng cho bệnh nhân kia, vừa luôn miệng nhắc nhở bệnh nhân phải cầm thìa cho khéo, không để cơm rơi vãi, không để thừa cơm... Chị chia sẻ, nếu không chú ý trông coi kỹ trong giờ ăn, bệnh nhân có thể sẽ làm văng vãi, tranh giành thức ăn của nhau hoặc chống đối bằng cách... nhịn đói. Khi ấy, buộc lòng các điều dưỡng, bác sỹ phải bón từng thìa, bởi nếu không có sức khỏe ổn định, họ sẽ không đủ sức để dùng thuốc và chống đỡ với bệnh tật. Khi đó, việc điều trị của y, bác sỹ coi như đổ xuống sông, xuống bể.

Khoa 4 luôn có từ 75 đến 80 bệnh nhân, thậm chí đợt cao điểm có tới hơn 100 bệnh nhân, nhưng biên chế chỉ vẻn vẹn 4 bác sỹ và hơn chục y tá, điều dưỡng. Khác với các cán bộ y tế ở nơi khác, các chị phải nhốt mình trong 4 bức tường cùng với bệnh nhân suốt 10-12 tiếng/ngày. Bất kể xuân - hạ - thu - đông, một ngày làm việc của các chị luôn bắt đầu từ lúc 6h sáng. Thôi thì tất tật như nuôi con mọn, từ việc thúc giục các bệnh nhân dậy, "dìu dắt" họ đi vệ sinh, "dạy dỗ" họ đánh răng, rửa mặt sao cho đúng cách, trông cho họ ăn sáng, ăn trưa, khám chữa bệnh, cùng họ chơi đùa, tâm sự… "Chỉ đến khi bệnh nhân lên giường thì các bác sỹ, điều dưỡng mới được tạm nghỉ" - Bác sỹ Thu tâm sự.

Khó khăn lớn nhất của các điều dưỡng viên ở bệnh viện tâm thần là việc phục vụ các sinh hoạt cá nhân cho người bệnh không nhẹ nhàng, đơn giản như ở các chuyên khoa khác. Để có thể đưa những người bệnh không sáng suốt vào "nền nếp", các điều dưỡng phải giở "đủ bài", từ nghiêm khắc đến dỗ dành, nịnh nọt... Để thay quần áo cho một người bệnh, có khi phải huy động đến vài ba điều dưỡng, người giữ tay, người ghì chân, người bệnh mới chịu nằm im. Nhưng khổ nhất vẫn là chuyện... tắm cho người bệnh. Mùa hè còn đỡ, vào những hôm trời lạnh, việc thuyết phục bệnh nhân tắm rửa, thay quần áo cực kỳ khó khăn. Chẳng còn cách nào khác, các chị phải cùng nhau xúm lại, người giữ, người kỳ cọ trong khi bệnh nhân vùng vằng, tìm mọi cách chống lại. Do hầu hết điều dưỡng ở đây là nữ nên không ai tránh khỏi công việc này, ngay cả những cô chưa có chồng. Công việc của điều dưỡng đã thế, phần việc của bác sỹ cũng chẳng dễ dàng hơn. Bác sĩ Lê Thị Tuyết tâm sự, khó khăn lớn nhất khi điều trị cho bệnh nhân tâm thần là việc họ không biết phản ánh những bất ổn trong cơ thể mà mình đang gặp phải. Đau cũng không kêu, ngứa cũng không gãi, thậm chí có bệnh nhân bị ngã gãy tay trong lúc đi vệ sinh nhưng không kêu ca một lời cho đến khi bác sỹ phát hiện ra. Không có người thân để chăm sóc hay nắm bắt tình hình sức khỏe, bác sỹ chỉ còn cách tận tâm theo sát từng bệnh nhân, nắm bắt diễn biến tâm lý của họ để không bỏ sót bệnh. Công việc vất vả, lại không có thu nhập thêm từ các dịch vụ như những chuyên khoa khác, nhưng các điều dưỡng và y, bác sỹ ở đây còn phải đối mặt với sự nguy hiểm khi bệnh nhân tâm thần lên cơn, mất kiểm soát. Không ít trường hợp bệnh nhân đập phá đồ đạc, tự sát thương hoặc gây thương tích cho các điều dưỡng và y, bác sỹ. Đó cũng là lý do vì sao có những trường hợp các điều dưỡng, hộ lý bị loạn thần do công việc quá căng thẳng và nguy hiểm. Cũng vì thế mà hầu như năm nào cũng có người xin chuyển việc, trong khi thông báo tuyển dụng nhân sự của bệnh viện thường chẳng mấy ai mặn mà. Song, trong số hàng trăm điều dưỡng và y, bác sỹ tại BV Tâm thần TƯ 1, vẫn có rất nhiều người gắn bó với công việc này, bởi họ đã coi mỗi bệnh nhân là một người thân và luôn dành hết tình cảm, tâm sức cho công việc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nàng tiên áo trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.