Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn điền, đổi thửa - Bài học đắt giá ở Kim Lũ

Nhóm PV Ban NNNT| 27/04/2013 05:40

(HNM) - Sóc Sơn là một trong những địa phương đi đầu trong công tác dồn điền đổi thửa của thành phố và đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số xã trong huyện do quá trình triển khai nóng vội...

Đồng ruộng bị bỏ hoang ở xã Kim Lũ.


Nóng vội, tùy tiện

Trong khi diện tích lúa ở nhiều nơi đã vào thì con gái thì tại một số cánh đồng của xã Kim Lũ, hàng trăm héc ta đất bị bỏ hoang do quá trình DĐĐT có những vướng mắc khiến người dân không nhận ruộng. Theo tính toán của Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lũ Lê Văn Vệ, vụ lúa đông xuân này, xã có gần 290ha đất nông nghiệp thì có hơn 170ha người dân… bỏ ruộng.

Tìm hiểu được biết, cũng như nhiều địa phương khác của huyện Sóc Sơn, trước khi triển khai DĐĐT, mỗi hộ dân ở xã Kim Lũ có từ 15 đến 17 thửa ruộng nên sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi các cấp chính quyền huyện, xã triển khai DĐĐT (tháng 4-2012) tại 3 thôn Xuân Dương, Kim Thượng và Kim Trung, người dân vô cùng phấn khởi. Quá trình triển khai ban đầu thông đồng bén giọt, đến ngày 31-12-2012, cả 3 thôn đều đã hoàn thành việc làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Vướng mắc chỉ phát sinh khi các thôn tổ chức bốc thăm và giao ruộng ngoài thực địa cho nhân dân mà nguyên nhân xuất phát từ việc làm nóng vội, thiếu minh bạch của chính quyền địa phương.

Tại hai thôn Kim Thượng và Kim Trung, do đặc thù trước đây hai thôn này chưa chia ruộng theo Nghị định 64 nên trên địa bàn vẫn tồn tại hai loại ruộng đất, trong đó có đất 10% giao năm 1987 cho các hộ làm kinh tế gia đình. Theo cách chia đất lúc bấy giờ, các hộ nhận ao, chuôm trong làng được giao diện tích gấp 6 lần so với hộ được giao đất ngoài đồng. Vì vậy, lẽ ra khi triển khai DĐĐT, vấn đề này phải được đưa ra bàn bạc công khai, minh bạch cách tính để tạo sự công bằng giữa các hộ thì tiểu ban DĐĐT của thôn lại vì quyền lợi của một số hộ dân, trong đó có cả lãnh đạo thôn mà giữ nguyên diện tích đất kinh tế phụ được giao trong làng cho các hộ, chỉ chia diện tích ở ngoài đồng nên người dân phản ứng. "Tát nước theo mưa" một bộ phận nhân dân còn đòi chia quỹ đất công (5%) đã được chính quyền quy hoạch làm các công trình công ích và giãn dân sau này. Từ đây, "cái sảy nảy cái ung", nhiều hộ còn kiến nghị địa phương phải xử lý các hộ dân đã lấn chiếm, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn (thôn Kim Thượng có 106 hộ, thôn Kim Trung 13 hộ) mới chịu nhận ruộng.

Sự việc không chỉ dừng lại ở những khúc mắc, bùng nhùng trên, tại thôn Xuân Dương, tiểu ban DĐĐT của thôn còn có những việc làm tùy tiện gây bức xúc trong dư luận. Theo quy chế, người dân phải bốc thăm hai vòng, vòng một bốc thăm lấy số thứ tự sau đó mới bốc thăm nhận ruộng. Tuy nhiên, do quá trình triển khai, tiểu ban DĐĐT không làm đúng theo quy chế, trình tự DĐĐT của huyện. Cụ thể, thôn Xuân Dương có 615 hộ dân được ghép thành 277 đầu phiếu. Do nóng vội và chưa tuyên truyền đầy đủ đến nhân dân nên khi tổ chức bốc phiếu lần một, người dân không đến đông đủ nên chỉ có 166 phiếu được gắp (số này chủ yếu là cán bộ, đảng viên được huy động đi bốc thăm trước). Do quy định bốc thăm trước được chia ruộng trước nên các hộ này đều nhận được các thửa ở gần hơn; 111 phiếu bốc sau ở vị trí xa hơn, trong đó có một số hộ rơi vào khu đồng trũng được tiểu ban tự ý "bù" cho bằng cách nâng diện tích hơn so với các phiếu khác. Sau khi người dân có ý kiến phản đối, việc "cấp bù" diện tích này mới dừng lại! Lợi dụng tình hình phức tạp, trong quá trình chia ruộng, một số trường hợp còn quá khích ra ngăn cản, đe dọa người dân khi họ nhận ruộng; chặt dây (dây căng để đo ruộng), phá bờ… càng làm căng thẳng tình hình ở địa phương.

Không những vậy, thôn Xuân Dương còn tổ chức họp dân để ra nghị quyết "hợp thức hóa" diện tích đất đối với các hộ dân lấn chiếm trước đây bằng phương thức cho nộp tiền. Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng thôn Xuân Dương đã thông qua tổng hợp danh sách những hộ vi phạm sử dụng ruộng đất sai mục đích gồm cả phần đất xen kẹt trong khu dân cư đề nghị hội nghị cho hợp thức hóa giao thầu dài hạn, thu lệ phí một lần đối với các trường hợp trên. Theo Phó Chủ tịch xã Kim Lũ Lê Văn Vệ, đến nay số tiền thôn này thu được của các hộ khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Tuyên truyền, vận động, nhận lỗi, sửa sai

Cắt nghĩa về những vướng mắc, tồn tại trên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng: DĐĐT là vấn đề khó mà mỗi địa phương là mỗi bài toán với đáp án khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là phải làm quyết liệt, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng mới tạo niềm tin cho nhân dân. Sự việc xảy ra ở xã Kim Lũ là rất đáng tiếc mà nguyên nhân chính là do chính quyền từ xã đến thôn "chưa thuộc bài", chưa chịu học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương và các quy định của Nhà nước để giải quyết các khó khăn bất cập phát sinh trong quá trình triển khai DĐĐT. Đặc biệt, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên xã, thôn còn hạn chế, làm giảm niềm tin trong nhân dân. Đây là những hạn chế mà huyện sớm nhìn nhận ra khi chỉ đạo, tiếp sức cho các địa phương giải quyết các vướng mắc ở cơ sở.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Phong, nhằm giải quyết vướng mắc ở xã Kim Lũ, Huyện ủy Sóc Sơn đã giao cho các đồng chí Ủy viên Thường vụ, Huyện ủy viên cùng các ngành, đoàn thể và phòng, ban của huyện tập trung xuống xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện DĐĐT ở địa phương. Đồng thời, giao cụ thể cho các ban, ngành như công an, tài nguyên - môi trường, thanh tra xây dựng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm ở cơ sở.

Mặc dù việc giải quyết lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng tách bạch với công tác DĐĐT nhưng đây là việc làm cần thiết để tạo niềm tin trong nhân dân nên huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn cùng xuống giúp địa phương tập trung rà soát, xác định rõ tính chất vi phạm của từng trường hợp để có hướng xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Theo Phó Chủ tịch xã Kim Lũ Lê Văn Vệ, sau một thời gian rà soát, tổ chức họp dân để công bố công khai, đã có 48 hộ lấn chiếm, sử dụng đất làm lán trại chăn nuôi, trồng cây ở thôn Kim Thượng phải trừ vào diện tích dồn đổi ruộng. 58 hộ còn lại xã đang xây dựng kế hoạch giải tỏa theo quy định. Giải quyết kiến nghị về đất chia làm kinh tế phụ, xã Kim Lũ đã tổ chức họp bàn với các hộ, tích cực tuyên truyền, giải thích và công khai, minh bạch tạo sự công bằng trong cách tính nên người dân đã đồng thuận. Đối với việc yêu cầu chia hết quỹ đất công ích, quan điểm của huyện là giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Thực tế, đây là quỹ đất công được quy hoạch cho các công trình phúc lợi của địa phương và quy hoạch đất giãn dân phục vụ chính nhu cầu của người dân nên không thể chia đất lâu dài cho các hộ. Tuy nhiên, trong thời gian chưa sử dụng, UBND xã Kim Lũ đã vận dụng, tạm giao cho các hộ dân có nhu cầu để sản xuất, khi nào tập thể sử dụng đến người dân phải bàn giao mặt bằng và không có cơ chế tiền bồi thường, hỗ trợ mặt bằng về đất.

Giải quyết việc cho người dân nộp tiền để "hợp thức hóa" đất vi phạm trái với quy định của pháp luật, ngày 3-4, UBND xã Kim Lũ đã có Quyết định số 16/QĐ-UBND bác bỏ phần kết luận ghi trong nghị quyết của hội nghị nhân dân thôn Xuân Dương về vấn đề này. UBND huyện đã giao cho công an điều tra, làm rõ để có hình thức xử lý kịp thời trường hợp một bộ phận người dân quá khích ra ngăn cản, đe dọa người dân nhận ruộng và việc thu tiền để "hợp thức hóa" đất vi phạm.

Mục tiêu quan trọng của DĐĐT là nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi giúp nâng cao đời sống người dân. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho biết, quan điểm của huyện là giải quyết dứt điểm không để trở thành điểm nóng và lan ra các địa phương khác. Nếu cán bộ làm sai phải sửa sai kịp thời và nhận lỗi trước dân, đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm những người cố ý làm trái quy định của pháp luật. Mặt khác, người dân cũng nên phối hợp với chính quyền nhận ruộng sản xuất. Xã Kim Lũ phấn đấu hoàn thành giao ruộng cho dân trong tháng 5, đồng thời, hỗ trợ người dân trong các khâu sản xuất như làm đất, cung ứng giống để người dân nhanh chóng sản xuất trở lại, hạn chế thấp nhất thiệt hại vì phải bỏ đất hoang. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn điền, đổi thửa - Bài học đắt giá ở Kim Lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.