Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ trọn đạo làm tướng

Phạm Quốc Bản| 05/05/2013 05:39

(HNM) - Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, thời chống Mỹ, Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Giám đốc Trường Sĩ quan lục quân 2. Ông tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh năm 1927 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 16 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng.

Từ "Đại đội đầu trọc" đến "Ông Năm hỏa lực"

Trung tướng Lê Nam Phong kể cho chúng tôi nghe lý do đại đội của ông có biệt danh là "Đại đội đầu trọc": Đó là lúc chuẩn bị đánh đồi Độc Lập, trời mưa, dưới hầm hào, bùn đất bê bết từ đầu đến chân, không tìm đâu ra nước mà gội. Mặt khác, để khi đánh giáp lá cà, lính Pháp và lính lê dương cao lớn không thể túm tóc của chúng tôi được, tôi bàn với anh em cạo trọc đầu, mọi người nhất trí ngay. Hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra trận địa, vào đúng đơn vị tôi, Đại tướng hỏi tôi: "Tại sao lại để bộ đội cạo đầu trọc thế kia?". Tôi vội báo cáo: "Chúng tôi cạo trọc đầu để quyết tâm giải phóng Điện Biên…". Đại tướng rất hài lòng, ông đặt tên đại đội của tôi là "Đại đội đầu trọc". Năm 1979, khi Lê Nam Phong làm Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại tướng tới thăm. "Sau 25 năm tôi mới được gặp ông, thế mà vừa thấy tôi, Đại tướng reo lên: "A... Đại đội trưởng "Đại đội đầu trọc" Điện Biên đây rồi!" - Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Nam Phong năm 1979. Ảnh tư liệu


Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở thành cán bộ chỉ huy tiểu đoàn cùng Đại đoàn Quân tiên phong tiến về giải phóng Thủ đô. Cũng như bao người khác, ông nghĩ tới việc lập gia đình. Chuyện lấy vợ của ông thật đơn giản, mộc mạc, đậm chất người lính trận. Ông kể: "Bạn bè khuyên tôi về quê lấy vợ. Trong buổi sinh hoạt thanh niên của làng tôi, họ mời tôi tới kể chuyện Điện Biên. Kể xong, tôi hỏi: Có ai đồng ý lấy tôi không? Tất cả các cô đều giơ tay. Có một cô xinh xinh giơ tay cao nhất, thế là tôi lấy cô ấy làm vợ. Tôi vào Nam bộ chiến đấu xa cách vợ con gần 13 năm (1962-1975). Vợ tôi tần tảo nuôi ba con nên người, bà còn học và tốt nghiệp đại học, Khoa Thương nghiệp". Ông chỉ lên bằng khen, huân huy chương và nói: "Đấy, tất cả là công của bà ấy".

Rồi ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Đông Nam bộ, khi đó quân Mỹ tung sư đoàn "Anh cả đỏ", sư đoàn "Tia chớp nhiệt đới", đổ chất độc hóa học, dùng B52 rải thảm… hòng trong vòng 6 tháng tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Đường 13 - con đường chiến lược xuyên Đông Dương - là nơi đối đầu giữa các sư đoàn chủ lực quân giải phóng và các sư đoàn thiện chiến của Mỹ - ngụy. Để giữ trọn lời thề: "Sống bám chốt giữ đường - Chết kiên cường dũng cảm", trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 7 đã anh dũng hy sinh. Sau chiến công đường 13 máu lửa, vào cuối năm 1972, thực hiện ý đồ chiến lược của Bộ Chỉ huy Miền, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong táo bạo tổ chức hàng loạt trận tấn công vào tuyến phòng thủ vùng trung tuyến của địch, tạo thế cài răng lược hiểm hóc trải dài từ ngoại vi thị xã Thủ Dầu Một tới đất Củ Chi. "Tam giác sắt" là tên của vùng đất này do một đại tá Mỹ đặt, gồm tả, hữu sông Sài Gòn thuộc ba huyện Củ Chi, Bến Cát, Dầu Tiếng. Nơi đây từng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa Quân giải phóng miền Nam và lính Mỹ.

Tháng 1-1973, ỷ thế B52, pháo bầy, xe tăng thiết giáp, ba chiến đoàn của Sư đoàn 25, Sư đoàn 5 ngụy quân đã mở ba mũi tiến công hòng đẩy quân ta ra khỏi vùng “Tam giác sắt”. Ngày 19-1-1973, dưới sự chỉ huy của Lê Nam Phong, Sư đoàn 7 đã mưu trí, sáng tạo đập tan các mũi tiến công của địch và lập chiến công xuất sắc tiêu diệt gọn chiến đoàn 8, bắt sống 500 tên, giữ vững vùng giải phóng và góp phần quan trọng trên mặt trận ngoại giao trong thời điểm chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Vinh danh chiến thắng này, Bộ Tư lệnh Miền đã tặng thưởng Sư đoàn Huân chương Quân công hạng Nhì; Sư đoàn được toàn mặt trận tôn vinh là "Quả đấm thép miền Đông"; Sư trưởng Lê Nam Phong được mệnh danh là "Ông Năm hỏa lực".

Giữ trọn đạo làm tướng

Tướng Lê Nam Phong nói với tôi: "Viết về chiến tranh phải chân thực đúng như bản chất vốn có, đừng coi thường lính Mỹ cũng như lính đánh thuê". Và ông chẳng ngần ngại kể về những trận hòa, thậm chí là thua khi giao chiến với quân Mỹ. Đó là, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, nhận lệnh xuống giúp Trung đoàn 209 mới từ miền Bắc vào. Tối hôm đó, tại cánh rừng chân núi Cậu - Dầu Tiếng, Trung đoàn 209 vừa hành quân tới, quá mệt nhọc nên các chiến sỹ lăn ra ngủ như chết. Rạng sáng, Sư đoàn 4 Mỹ bất ngờ tấn công, lúc đó chỉ có cách cả Trung đoàn phải rút chạy. May mà quân Mỹ không bố trí phục binh, nếu không Trung đoàn sẽ bị thương vong lớn.

Cũng năm 1968, Sư đoàn giao nhiệm vụ cho Lê Nam Phong xuống chỉ huy Trung đoàn 141 tập kích một tiểu đoàn Mỹ vừa được trực thăng đổ xuống phía bắc Lộc Ninh. Ông kể: "Tôi nhận lệnh, đi liền. Thói quen của tôi là khi đánh trận nào, tôi đều trực tiếp đi cùng với trinh sát bí mật đến sát trận địa địch, quan sát rồi mới hạ quyết tâm đánh. Trận đó, tận mắt nhìn thấy lính Mỹ hì hục đào công sự, tôi gọi điện về tự tin báo cáo Sư đoàn trưởng". Đến giờ G, tôi ra lệnh nổ súng, Trung đoàn ào ạt xung phong, nổ súng quyết liệt... Nhưng than ôi! Chúng tôi đã đánh vào chỗ không người. Hóa ra quân Mỹ đã lừa chúng tôi, họ bí mật rút khỏi trận địa và nằm phục cách đấy vài trăm mét. Tôi vội vã ra lệnh rút ngay. Thật may, chỉ huy tiểu đoàn Mỹ này không tổ chức lật cánh tập kích hoặc đón lõng chúng tôi. Nếu chúng làm vậy, chắc chắn trung đoàn tôi sẽ nguy to. Sau trận đó, tôi rất xấu hổ vì bị địch lừa, lại thấy uất vì qua trăm trận mà vẫn còn dại. Về Sở Chỉ huy Sư đoàn, Chính ủy nhìn thấy tôi, ông quay lưng lại. Tôi im lặng, chờ trận lôi đình của Chính ủy, nhưng ông không nói gì. Sau này Sư đoàn rộ lên chuyện tiếu lâm: "Nam Phong định bóp… Mỹ không ngờ bị nó bóp lại, đau há miệng mà không dám kêu". Những lúc nghe được, tôi chỉ muốn chui xuống lỗ nẻ".

Rút kinh nghiệm xương máu, Lê Nam Phong luôn là người giữ kỷ luật nghiêm khắc. Ông luôn đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Ông thường nói: "Kỷ luật là sức mạnh, là chiến thắng, là giảm đổ máu xương cùng bớt nỗi thương đau của mẹ cha nơi quê nhà". Lê Nam Phong cũng là người nổi tiếng nóng nảy mỗi khi cấp dưới thực hiện không nghiêm ý đồ tác chiến của cấp trên. Vì thế, ông được mệnh danh là "Ông Năm lửa". Nghiêm khắc đến bốc lửa khi lâm trận, song lúc bình thường ở hậu cứ sau chiến dịch, ông lại thật dễ thương.

Vị tư lệnh sư đoàn, "Ông Năm lửa" mộc mạc giản dị, lúc nào bên hông cũng tòng teng bi đông, chẳng quản ngày đêm vượt suối, băng rừng thăm hỏi, động viên bộ đội, thương binh và luôn nhắc nhở chỉ huy phải chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho chiến sỹ. Nhiều lúc, ông cùng các chiến sỹ quây quần bên nhau, nhâm nhi ngụm rượu với lá rừng chua chát, rồi tất cả cùng cười tưởng như đứt ruột khi nghe ông kể chuyện tiếu lâm. Giản dị, chân tình, phóng khoáng, lính "Sư 7" lại tặng vị tư lệnh kính mến biệt danh đượm chất dân Nam bộ "Ông Năm bình toong".

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giúp bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng, ở tuổi 60, Lê Nam Phong được chuyển về làm Giám đốc Trường Sĩ quan lục quân 2 cho đến khi nghỉ hưu. Về với đời thường, dù còn khó khăn nhưng tướng Lê Nam Phong luôn dành sự quan tâm, chia sẻ với những đồng đội còn nghèo. "Ông Dương Văn Hải, cựu chiến binh Sư đoàn 7 tâm sự: Ông bà Lê Nam Phong đã dành tiền mở quỹ khuyến học, gửi vào ngân hàng lấy lãi làm học bổng cho các cháu nơi quê nhà. Là người lính trận suốt ba cuộc chiến, tình đồng đội thấm đượm trong ông. Cựu chiến binh Sư đoàn 7 còn lưu truyền mãi những câu chuyện thấm đẫm tấm lòng thủy chung, son sắt với đồng chí, đồng đội của Lê Nam Phong. Đó là chuyện khi tướng Phong xót xa trước cảnh ông Lê Bầu, cũng là một trung đoàn trưởng dũng cảm thời đánh Mỹ xưa, nay đói nghèo, chân lấm, tay bùn đang tất tả chăn vịt nơi cánh đồng chiêm trũng Nam Định. Thấy đồng đội như thế, ông trút bỏ tư trang, có bao nhiêu tiền bạc trong người đưa hết cho bạn. Cũng năm ấy, ông cất công nhiều lần và tìm được Anh hùng Lê Xuân Cới, Dũng sĩ đường 13, nay cũng lâm cảnh bần hàn nơi quê nhà Thanh Hóa. Lê Nam Phong đã đưa cả gia đình anh Cới trở lại miền Đông, xin đất làm nhà và xin việc làm cho đồng đội. Lúc tại ngũ cũng như lúc nghỉ hưu, ông luôn dành thời gian, tâm sức cùng cựu chiến binh Sư đoàn 7 đi tìm mộ liệt sĩ, giúp đỡ thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về quê cha đất tổ; cùng hội cựu chiến binh vận động chính quyền các tỉnh miền Đông chung tay xây dựng các tượng đài liệt sĩ… Trung tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Chính ủy Sư đoàn 7, cảm động khi nói về ông: Lê Nam Phong là một cán bộ chỉ huy mà trong mọi hoàn cảnh luôn giữ vững bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, xông xáo, sâu sát đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sỹ, luôn tôn trọng và phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến đồng cấp và cấp dưới. Trong chiến đấu, ông rất nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh cấp trên, tìm hiểu quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, trăn trở, suy nghĩ lúc xây dựng phương án và quyết tâm chiến đấu. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề sử dụng lực lượng sao cho tập trung ưu thế, phát huy mạnh mẽ tinh thần tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta. Ông là vị chỉ huy đã góp phần quan trọng đưa Sư đoàn 7 trở thành sư đoàn hai lần được phong anh hùng.

Trong đời mình, chưa bao giờ tướng Lê Nam Phong được gặp Bác Hồ song trong mọi suy nghĩ và hành động, ông luôn cố gắng học tập và làm theo tấm gương của Bác. Và trên thực tế, tướng trận Lê Nam Phong đã làm trọn nghĩa nước non, sắt son tình đồng đội. Ông là một tấm gương mẫu mực về đạo làm tướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ trọn đạo làm tướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.