Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất lực trước thảm họa đô thị”?

Nhóm phóng viên PSĐT| 17/12/2013 06:15

(HNM) - Từ nhiều năm nay, quảng cáo, rao vặt trái phép đã trở thành vấn nạn gây không ít bức xúc cho người dân cũng như các cấp chính quyền.

Điệp khúc bóc, xóa – dán

Bóc xong, xóa xong rồi lại dán là thực trạng diễn ra ở tất cả các địa phương trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội đô. Nạn QCRV bừa bãi, sai quy định hết sức phức tạp, trong khi đó đến nay vẫn chưa có "thuốc đặc trị", chính quyền các địa phương chỉ xử lý kiểu "bắt cóc, bỏ đĩa": Thấy QCRV xuất hiện ở đâu thì tổ chức lực lượng "bóc, xóa" ở đó chứ chưa ngăn chặn được tận gốc. QCRV rất đa dạng về hình thức, kích cỡ, lớn vài mét vuông cũng có mà nhỏ bằng bao diêm cũng vô vàn.

Phố phường nhếch nhác vì quảng cáo rao vặt (ảnh chụp tại đầu ngõ 629, phố Kim Mã).


Dọc các tuyến phố chính ở các quận nội thành như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Chùa Bộc, Trường Chinh, Đại La, Khâm Thiên, Yết Kiêu, Quang Trung, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Cát Linh…, dễ thấy QCRV sai quy định xuất hiện rất nhiều. Tuy nhiên, đối tượng vi phạm đã "lách luật" bằng cách không dán, treo QCRV bằng giấy to mà thay vào đó là tờ giấy nhỏ được dán, treo chủ yếu ở cột điện, cột đèn, tường nhà dân và ngay tại những nơi như hộp kỹ thuật điện, trạm biến áp - nơi đã cắm biển nguy hiểm. Không ít tuyến phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan vì những "điểm đen" QCRV tái diễn nhiều lần sau khi đã tổ chức bóc, xóa.

Tại các ngõ, ngách, nạn QCRV diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Điển hình là ở đầu các ngõ 68, ngõ 196 đường Cầu Giấy, các bức tường nhà dân, trụ sở cơ quan, trạm biến áp đều bị "biến" thành điểm dán QCRV với đầy đủ các nội dung như: Diệt, phòng trừ mối; khoan cắt bê tông; lắp đặt internet cáp quang miễn phí; sửa nhà; cho thuê phòng trọ; thông cống, hút bể phốt… Tại đầu ngõ 629, phố Kim Mã, thuộc khu dân cư số 4, phường Ngọc Khánh, QCRV sai quy định cũng đã làm cho cả đoạn ngõ trở nên nhếch nhác. Ngõ chỉ dài hơn 100m nhưng hầu hết tường nhà dân ở đầu các ngách đều bị dán chằng chịt QCRV. Dọc ngõ Văn Chương, phường Văn Chương (Đống Đa), ở đâu cũng thấy QCRV được treo, dán. Tinh vi hơn, kể từ ngày chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ra quân bóc, xóa QCRV dán, treo trên tường, cột điện… thì tại các ngõ, ngách bắt đầu xuất hiện hình thức mới đó là treo tờ QCRV lên dây điện, mà người dân Thủ đô vẫn gọi đó là "rác trời".

Đi sâu tìm hiểu về khó khăn trong việc xử lý QCRV, chính quyền các địa phương đều rất bức xúc. "Chúng tôi cứ tổ chức bóc, xóa QCRV xong hôm trước thì một hai ngày sau, tại chính điểm đó lại xuất hiện QCRV mới" - Đại diện lãnh đạo phường Kim Liên, quận Đống Đa, cho biết. Một người dân tại ngách 629/18, phố Kim Mã, chán nản: "Vì môi trường xanh, sạch, đẹp, người dân trong khu phố thường xuyên tham gia bóc xóa QCRV, nhưng không xuể. Lợi dụng ngày nghỉ, đêm hôm, các đối tượng thi nhau đến dán, treo QCRV". Đối với việc xử lý vấn nạn "rác trời" đang len lỏi trong hầu hết các khu dân cư, lãnh đạo nhiều địa phương đều kêu khó. Lý do, QCRV treo ở trên cao, khi xử lý phải bắc thang chữ A để trèo lên. Nếu xử lý trong giờ hành chính thì gây cản trở giao thông, còn xử lý vào ban đêm thì nguy hiểm cho người thực hiện. Do vậy, một số phường đang phải sống chung với loại hình QCRV mới này.

Xử lý "rắn" - không dễ!

Nhằm xử lý nghiêm khắc và kịp thời vấn nạn QCRV sai quy định, nhiều biện pháp "rắn" đã được triển khai đối với người có hành vi QCRV sai quy định gồm: Phạt cảnh cáo, phạt tiền, cắt số điện thoại QCRV sai quy định, yêu cầu khắc phục hậu quả… Đồng thời, các địa phương đã tổ chức dựng các biển QCRV miễn phí. Tuy nhiên, theo cán bộ văn hóa các quận, tính đến thời điểm này, chỉ có biện pháp cắt số điện thoại di động được cho là hiệu quả nhưng lại… không dễ làm. Bởi quy trình thực hiện biện pháp xử lý số điện thoại QCRV sai quy định mất rất nhiều thời gian, trong khi đó đa số chủ thuê bao cố tình "lách luật" bằng cách sử dụng thuê bao trả trước (sim rác) nên việc xử lý rất khó khăn.

Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa quận Hà Đông cho biết, thực hiện cắt số điện thoại, khó khăn nhất là khâu chụp ảnh hiện trường, thu giữ chứng cứ vi phạm. QCRV được dán ở cột điện, hộp kỹ thuật điện, treo trên dây cáp viễn thông, dây điện… Cột điện thì cái nào chẳng giống cái nào nên khi chụp ảnh hiện trường khó xác định địa chỉ, khó bắt các đối tượng vi phạm phải "tâm phục, khẩu phục". Việc thu giữ chứng cứ cũng không dễ bởi hiện nay các đối tượng đều sử dụng loại keo dán đặc biệt nên hầu hết khi bóc các tờ QCRV đều bị rách, có chăng chỉ thu giữ được những tấm băng rôn, áp phích… treo sai quy định!

Sống chung với "thảm họa đô thị"

Thực hiện Kế hoạch số 167/KH-UBND ngày 15-12-2009, của UBND TP Hà Nội về quản lý, tổ chức hoạt động QCRV trên địa bàn, những năm qua, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt ra quân, kết hợp các giải pháp tuyên truyền với tổ chức bóc, xóa QCRV sai quy định trên địa bàn. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với hàng nghìn số điện thoại do QCRV sai quy định. Tuy nhiên, theo Sở Thông tin và Truyền thông, kết quả trên vẫn chỉ như "muối bỏ bể". Việc ngừng cung cấp số điện thoại QCRV sai quy định chỉ góp phần giảm QCRV ở các tuyến phố chính nội thành, còn tại các ngõ, ngách trên địa bàn, tình trạng QCRV không những không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010, của Chính phủ (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa), cơ quan chức năng sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với mỗi áp phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng nơi quy định; phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với mỗi băng rôn quảng cáo không đúng nơi quy định trong giấy phép; đặc biệt là phạt tiền 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán, quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường; đồng thời, phạt tiền 10 triệu - 20 triệu đồng đối với hành vi tái phạm. Ngoài phạt tiền, các đối tượng vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là buộc tháo dỡ, xóa các sản phẩm quảng cáo; cắt liên lạc điện thoại đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ của người làm dịch vụ; buộc thu dọn áp phích, tờ rơi, tờ gấp… Thế nhưng tại các địa phương, đến nay việc xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên rất khó thực hiện.

QCRV sai quy định - nói không quá, chính là một "thảm họa đô thị" tiếp tục làm cho bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác. Nếu không sớm khắc phục được bất cập trong việc kiểm tra, xử lý, e rằng Hà Nội vẫn phải "bó tay" trước vấn nạn này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất lực trước thảm họa đô thị”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.