Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng lá dong đang mai một

Quỳnh Nguyên| 10/02/2015 06:11

(HNM) - Thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng về nghề trồng lá dong gói bánh chưng. Không chỉ bán loanh quanh các huyện, các tỉnh, lá dong Tràng Cát còn sang Nga, Đức, Mỹ... phục vụ kiều bào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Lá dong xuất ngoại

Chúng tôi đến thôn Tràng Cát vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, đây là thời điểm mùa vụ nhộn nhịp nhất trong năm. Nhà nhà tất bật cắt lá bán cho thương lái đưa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước .

Thôn Tràng Cát bao đời nay đã được biết đến với những cánh đồng bát ngát lá dong xanh mơn mởn.



Mới qua rằm tháng Chạp ít ngày, nhiều ruộng lá dong đã cắt vơi gần hết. Chỉ tay vào vườn lá dong hơn 2 sào (1 sào = 360m2), chị Đào Thị Xuân (42 tuổi) cho biết, vườn lá dong này đã được đặt mua với giá 18 triệu đồng. Tay thoăn thoắt chiếc dao cau tỉa lá, chị Xuân hồ hởi: "Đường làng lúc nào cũng nườm nượp xe cộ qua lại. Nhiều người làng xin nghỉ phép, đổi ca trong nhà máy để ở nhà cắt, bó lá dong cho tiểu thương từ khắp mọi nơi về mua".

Công việc nhiều nên người lớn thay phiên nhau cắt lá, trẻ nhỏ thì tham gia việc bó lá dong. Chị Xuân nói, đa phần những người thu hoạch dong sẽ lọc và phân loại lá theo chất lượng và kích thước ngay tại ruộng. Có những người cẩn thận còn cắt mép lá bị đỏ để bán giá cao hơn. Sau khi lọc, lá được bó thành từng đọt 50 tầu, rồi vận chuyển về nhà. Công việc tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi bàn tay thuần thục để bó lá trông đẹp mắt, không bị gãy dập. Lá dong chở về được chất đống trên sân nhà, phủ vải bạt tránh nắng. Để duy trì độ tươi của lá, người dân ngâm lá vào nước. Lá dong có thể để được từ 15 đến 25 ngày. Những lá dong to, đẹp sẽ được bán để gói bánh chưng, còn lá nhỏ thì thường được khách hàng mua về để gói các loại bánh nhỏ như bánh tẻ, bánh nếp.

Chị Xuân cho biết: "Dong là loại cây dễ trồng, không mất quá nhiều công chăm sóc. Người nông dân chỉ cần lấy gốc để trồng một lần vào tháng 2 và cây sẽ cho thu hoạch lâu dài. Nhưng để cây tươi tốt, cho lá to, đẹp thì đòi hỏi người trồng phải thường xuyên dọn sạch lá gốc để cho nhiều mầm, lá xanh tốt, rộng bản. Công việc này cứ cách 2 tháng một lần, đều đặn".

Gia đình ông Mai Văn Kiểm trồng 5 sào dong là hộ có thu hoạch lớn nhất thôn. Ông Kiểm cho biết, vụ Tết này sẽ thu lãi được khoảng 50 triệu đồng. Chưa kể, trong năm nhiều lần gia đình đã hái lá bán cho người kinh doanh xôi, bún, bánh chưng đặt. "Mỗi sào chỉ cần đầu tư khoảng 500.000đ/năm nhưng có thể cho thu hoạch từ 8 đến 10 triệu đồng. Năm nay, lá dong loại đẹp, lá to, xanh bán tại vườn có giá 100.000 đồng/100 lá, loại trung bình 70.000 đồng/100 lá, loại nhỏ nhất 40.000 đồng/100 lá. Giá lá dong tăng so với mọi năm nhưng không có đủ hàng để bán. Bởi một phần do diện tích trồng dong giảm, và điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sâu bệnh tăng nên lá dong bị xém và hỏng nhiều. Mùa hè nắng quá gay gắt, những ngày mùa đông có sương muối kéo dài khiến lá không thể xanh đều mà bị đỏ quanh mép. Lá dong trồng ngoài bãi bị ảnh hưởng bởi nắng, sương muối nhiều hơn do không có vườn cây che", ông Kiểm chia sẻ.

Theo các cụ cao niên trong làng, lá dong thôn Tràng Cát đã có từ 600 năm trước và được chọn gói bánh chưng tiến vua. Chỉ cách đây ít năm, hầu hết hộ gia đình ở làng đều trồng lá dong. Từ trong sân nhà cho đến ngoài cánh đồng, đâu cũng có thể trồng lá dong. Người làng Tràng Cát cho biết lá dong Tràng Cát nổi tiếng bởi thứ dong nếp, chất lượng hơn hẳn lá dong rừng. Bầu lá tròn và dai, mặt dưới lá có màu xanh non, cuống lá dài và cùng màu với gân lá. Khi luộc chín, bánh chưng sẽ có màu xanh tự nhiên vừa đẹp mắt lại có vị thơm.

Lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng trong nước mà còn ra cả nước ngoài. Từ năm 2007, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu Tết của bà con Việt Nam ở Nga và các nước Đông Âu. Ông Phạm Xuân Thường (60 tuổi), người dân Tràng Cát cho biết: "Gần 5-6 năm nay tôi chuyên xuất lá dong ra nước ngoài, dịp Giáng sinh vừa rồi, tôi cũng chuyển đi vài vạn lá. Còn ngày thường, mỗi ngày gia đình tôi xuất khoảng 3 - 4 vạn lá dong cho thương lái đi khắp nơi".

"Lá dong Tràng Cát thường có chiều rộng 25 - 35cm, dài 50 - 60cm, vừa vặn với khuôn bánh chưng. Sở dĩ cây dong ở đây phát triển tốt là do Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua và có khí hậu thích hợp" - ông Nguyễn Kim Tiết, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng lá dong cho biết thêm.

… Và nỗi trăn trở

Lá dong xanh tốt quanh năm, cho thu nhập cao hơn trồng lúa nhưng hiện nay, người dân thôn Tràng Cát đã bỏ trồng dong, thay bằng việc trồng cam Canh. Ông Phạm Văn Cơ - trưởng thôn Tràng Cát cho biết, hiện tại diện tích trồng lá dong chỉ còn gần trăm mẫu (trong làng khoảng 30 mẫu, ngoài đồng 60 mẫu). Cách đây vài năm, thời điểm nhiều nhất, có khoảng 350 hộ trồng lá dong với diện tích lên tới 200 mẫu. Hộ nào trồng ít thì vài sào, hộ nhiều 5-6 sào. Mỗi sào cho thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/năm. "Những cánh đồng trồng lá dong ngút tầm mắt, giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Chỉ sợ vài năm nữa, lá dong Tràng Cát sẽ không còn bởi hiện nay có người phá hàng mẫu để trồng cam, vì cây cam đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn" ông Cơ bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Đạo - một người nhiều năm gắn bó với nghề trồng lá dong cho biết: "Trồng dễ, chăm dễ, nhưng người dân không trồng cây dong nữa vì trồng cam Canh cho hiệu quả kinh tế hơn hàng chục lần". Nhà anh Đạo có 4 sào đất, ngày trước trồng lá dong nay để canh tác thứ khác. Lá dong chỉ còn trồng trong khu vườn nhỏ phía sau nhà. "Trồng dong chăm bón tốt, mỗi năm cũng chỉ được 10 triệu đồng/sào chưa trừ công cán. Số tiền đó không đủ chi tiêu. Trong khi đó giống cam Canh chăm đến năm thứ ba có thể thu về 70 - 80 triệu đồng/sào", anh Đạo nhẩm tính.

Ông Nguyễn Kim Ghi (56 tuổi) cho biết thêm: "Bên cạnh những ruộng lá dong giờ đây xuất hiện thêm nhiều vườn cam Canh lớn. Bản thân gia đình tôi cũng có một vườn cây ăn quả riêng. Nhưng dù nhiều dù ít gia đình tôi cũng sẽ cố gắng duy trì nghề trồng lá dong truyền thống".

"Không đất nào trồng lá dong lại tốt như ở đây. Nhưng bài toán kinh tế đặt ra buộc người làng phải thay đổi. Thấy những nương dong mất dần, tiếc mà không làm gì được", chị Đoàn Thị Hường, một người làng nói đầy tiếc nuối.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đình (82 tuổi), một cán bộ huyện đã về hưu và cũng là người gắn bó nhiều năm với sự phát triển của làng dong Tràng Cát. Ông Đình cho biết: "Chục năm trước, nhờ lá dong mà 100% người dân Tràng Cát xây được nhà cao, mua được xe . Vậy nên, đã là người làng Tràng Cát thì sẽ không bao giờ quay lưng lại với dong. Còn việc người dân chuyển sang trồng cam vì mục đích phát triển kinh tế cũng là điều đáng mừng vì cuộc sống được cải thiện hơn, đó là một xu hướng tất yếu". Chúng tôi băn khoăn: "Khi dong không còn hiệu quả kinh tế lớn nhất với người dân Tràng Cát nữa, liệu lá dong nơi đây sẽ biến mất không?" Ông Đình cười: "Lá dong Tràng Cát là linh hồn, là "đặc sản" của làng Tràng Cát. Nếu không vì kinh tế, người ta vẫn sẽ trồng, nhưng chỉ trồng một luống nhỏ, để lưu giữ truyền thống ông cha, trồng để làm kỷ niệm".

Ông Lê Văn Kiệm - Phó Chủ tịch xã Kim An cho biết: "Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, nắng nhiều cộng với việc Tết muộn ảnh hưởng tới sản lượng dong. Giá dong tăng cao nhất so với các năm nhưng vẫn không đủ hàng bán. Dù diện tích trồng dong giảm, song làng Tràng Cát vẫn sẽ giữ nghề truyền thống của ông cha, phục vụ cái Tết đến với mọi nhà".

Những chiếc xe vận chuyển lá dong vẫn hối hả đưa lá dong Tràng Cát đi khắp nơi, báo hiệu cái Tết đang đến gần. Và người ta luôn hy vọng ngôi làng đẹp như trong tranh này sẽ không mất dấu ấn mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng lá dong đang mai một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.