Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Điểm nhấn cho một “Thành phố đáng sống”

Lâm Vũ - Ngọc Thủy| 15/10/2016 07:44

(HNM) - Không còn bị ngăn cách bởi lớp cửa kính ô tô hay mũ bảo hiểm sùm sụp, phố đi bộ khiến chúng ta gần nhau hơn và cũng giúp xây dựng hình ảnh một Thủ đô thân thiện với không gian yên bình, không khói xăng và tiếng còi xe inh ỏi.

Hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về trò chơi dân gian ô ăn quan trên phố đi bộ. Ảnh: Anh Tuấn


Nhưng về lâu dài, lợi ích của cộng đồng phải phù hợp với lợi ích của người dân sống trong các tuyến phố của không gian đi bộ. Có như vậy mỗi người mới tự nguyện tham gia gìn giữ cảnh quan chung và những tuyến phố đi bộ mới phát huy được giá trị, trở thành điểm nhấn cho một "Thành phố đáng sống" mà chúng ta kỳ vọng dựng xây.

Phố đi bộ là “của chung”

Những ngày đầu, nhiều người dân sống trong khu vực không hẳn đã cảm thấy “cơm lành, canh ngọt” với phố đi bộ khi sinh hoạt bị đảo lộn, đi lại khó khăn do hạn chế phương tiện, doanh thu bán hàng giảm sút, rác ngập phố mỗi sáng cuối tuần thức giấc… Công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ủng hộ chủ trương của thành phố đã bước đầu thu được kết quả.

Bà Phạm Thị Tuyết Lan - Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết: “Cùng với sự nỗ lực của chính quyền trong việc giải quyết những bất cập, đến nay hầu hết người dân sống trong khu vực phố đi bộ đã ý thức được ý nghĩa của chủ trương này. Thay vì phàn nàn lượng khách mua hàng, doanh thu giảm trong những ngày cuối tuần, các hộ kinh doanh đều nhận thức được thời điểm ban đầu sẽ khó khăn khi thương hiệu “phố đi bộ” chưa lan tỏa. Nhưng về lâu dài, lợi ích “kép” không chỉ là cảnh quan được chỉnh trang sạch đẹp mà phố đi bộ sẽ là “cú hích” tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn, phát triển thương mại, tạo thêm công ăn việc làm, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân…".

Khẳng định không gian đi bộ giờ không chỉ là chủ trương đúng của thành phố mà đã trở thành tài sản chung của người dân, bà Lan chia sẻ thêm: “Người dân tự nguyện chấp hành các quy định về hạn chế phương tiện, sắp xếp xe cộ, bàn ghế gọn gàng, thái độ lịch sự, trang phục văn minh khi phục vụ du khách cũng như khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí đã góp phần không nhỏ vào tôn tạo mỹ quan đô thị tại các tuyến phố đi bộ. Đơn cử một ví dụ, ngày đầu phố đi bộ được triển khai, Nhà hàng Thủy Tạ trên phố Lê Thái Tổ tràn ngập rác do du khách vứt tràn lan, nhất là sau mỗi buổi tối. Sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở, nhân viên đưa hàng cho khách bao giờ cũng kèm câu nói: "Anh, chị làm ơn bỏ rác vào thùng”, các thùng đựng rác cũng được bổ sung tại các vị trí dễ nhận biết. Hiệu quả đã được chứng minh ngay sau đó khi mỗi sáng cuối tuần, tuyến phố này vẫn phong quang, sạch đẹp…”.

Đón nhận việc tổ chức phố đi bộ như một cơ hội kinh doanh mới, bà Thu ở số 15 phố Hàng Khay, phường Tràng Tiền hồ hởi khoe: “Ban ngày gia đình tôi bán hàng mỹ nghệ, tối cuối tuần bán thêm hàng nước, bánh ngọt, hoa quả; vừa vui lại có thêm đồng ra đồng vào. Cuối tuần vào ban ngày thì lượng khách có giảm do ngại gửi xe đi bộ nhưng đến tối thì đông vui lắm. Ban đầu chỉ có mấy nhà bán thêm hàng nước, giờ thì cả phố mở hàng đến đêm. Ngồi ngắm mọi người qua lại cũng thấy phấn khởi!”.

Xây dựng Thủ đô giàu bản sắc

Không gian đi bộ là khoảng lặng tất yếu của một thành phố sôi động mà nhiều quốc gia đã, đang áp dụng. Và điều làm nên sự khác biệt căn bản giữa chúng chính là bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi cộng đồng dân cư. Đến với phố đi bộ Hà Nội, du khách sẽ biết những gì về truyền thống của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Tại các ngã ba, ngã tư của đường phố và các điểm di tích, từ 20h đến 22h cuối tuần, du khách sẽ được thưởng thức cả âm nhạc đương đại và nghệ thuật truyền thống. Không chỉ có các loại hình nghệ thuật dân gian như ca trù, xẩm, chầu văn, hát chèo, nhạc cụ dân tộc mà cả những nhóm nhạc theo phong cách đường phố, triển lãm tranh ảnh, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, phố sách… đều có thể tìm thấy ở phố đi bộ. Đặc biệt, du khách còn được “tìm về tuổi thơ” khi trực tiếp tham gia các trò chơi dân gian do nhóm "My Hà Nội" (Hà Nội của tôi) tổ chức. Các tình nguyện viên của "My Hà Nội" giúp những người già nhớ lại luật chơi trong ô ăn quan; hướng dẫn người trẻ cách chơi nhảy dây, kéo co, ô ăn quan... tưởng như đã mất trong đời sống hiện đại. Vì thế, khu vực Tượng đài Cảm tử ven Hồ Gươm luôn đông đúc, rộn ràng tiếng cười nói, hò reo đầy phấn khích.

Tất cả những hoạt động trên được diễn ra tại khu vực Vườn hoa Tượng đài vua Lý Thái Tổ, nhà bát giác Vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đền Bà Kiệu, Vườn hoa Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đình Nam Hương, bên cạnh một Tháp Rùa cổ kính, những ngôi nhà mái ngói rêu phong… tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Bản thân mỗi di tích cũng là một điểm nhấn đặc biệt của “con đường văn hiến Thăng Long”, chứa đựng nhiều huyền tích về một Thăng Long anh hùng và cũng rất đỗi hào hoa mà thời gian tới chúng ta cần tập trung khai thác hiệu quả hơn nữa để tăng tính hấp dẫn cho phố đi bộ.

Bà Trần Thúy Lan, Phó ban Quản lý phố cổ cho biết, các hoạt động nghệ thuật trên được triển khai dưới hình thức xã hội hóa. Những người tham gia biểu diễn hầu hết là giảng viên và sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia, các nghệ sĩ của CLB Đông Kinh cổ nhạc, Trung tâm Âm nhạc của UNESCO và một vài nghệ sĩ, nhóm nhạc đường phố... "Cái khó của chúng tôi là hoạt động âm nhạc dân gian. Loại hình này nếu kêu gọi xã hội hóa hoàn toàn thì hầu như không thể làm được. Bởi lẽ mỗi buổi biểu diễn âm nhạc dân gian đòi hỏi rất nhiều người tham gia chứ không như âm nhạc đương đại chỉ cần 4, 5 người chơi là được rồi. Ví dụ như một buổi biểu diễn tuồng cần tới 25 diễn viên. Trang phục cho buổi biểu diễn cũng rất cầu kỳ. Trong khi đó, âm nhạc dân gian lại rất kén người nghe. Hiện UBND quận Hoàn Kiếm vẫn phải hỗ trợ một phần kinh phí cho các nghệ sĩ để duy trì hoạt động. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có một cơ chế, chính sách hỗ trợ thường xuyên để duy trì lâu dài hoạt động này", bà Trần Thúy Lan chia sẻ.

Quận Hoàn Kiếm đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về hiệu quả của phố đi bộ, những con số biết nói khẳng định doanh thu hay lượng khách du lịch tăng vọt cũng đã có, nhưng với những người yêu Hà Nội, không gian đi bộ còn mang đến nhiều điều hơn thế. Không chỉ là sự phù hợp với xu hướng quy hoạch đô thị hiện đại trên thế giới hay đáp ứng nhu cầu không gian công cộng của Thủ đô, mỗi tuyến phố đi bộ đang từng bước nỗ lực xây dựng hình ảnh Hà Nội như một điểm đến thân thiện, bình yên; một “Thành phố đáng sống” trong con mắt người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Điểm nhấn cho một “Thành phố đáng sống”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.