Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người không đầu hàng số phận!

Thiện Mỹ| 12/11/2016 08:15

(HNM) - Trong căn phòng được bài trí giản dị, người phụ nữ chăm chú nghe và xử lý thành thục mọi công việc qua điện thoại, máy tính. Chị là Đinh Việt Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời mới (thuộc Hội Người mù Việt Nam), một người khiếm thị nhưng chưa khi nào đầu hàng số phận...

Gia đình nhỏ đầm ấm của chị Đinh Việt Anh.


Đồng nghiệp “đa-zi-năng”!

Hẹn hò mãi tôi mới gặp được Việt Anh, bởi chị luôn ngập trong cả núi việc. Quan tâm đến công việc của chị với tư cách một đồng nghiệp, tôi hỏi những khó khăn khi quản lý một cơ quan báo chí như Đời mới, chị giải thích cặn kẽ: Tôi vừa là người duyệt tin bài, đồng thời cũng là người viết một số chuyên mục. Tôi duyệt bài bằng cách nghe trên hệ thống máy tính có gắn loa, khi cần chỉnh sửa, tôi sửa trên máy tính hoặc máy chữ nổi. “Vì duyệt bài qua hệ thống loa nên tôi phải tập trung cao độ, cố gắng để không để xảy ra sai sót” - nữ Tổng Biên tập chia sẻ…

Tự hào về ấn phẩm của Hội Người mù Việt Nam, Việt Anh cho biết: Tạp chí có 4 loại hình ấn phẩm là chữ nổi, phát thanh, chữ tin thường và Cổng thông tin điện tử. Những thông tin đăng tải trên Tạp chí đã giúp hội viên cả nước biết được các hoạt động của Hội, là nhịp cầu nối những người đồng cảnh, giúp họ sống gần nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc, tạo niềm tin để người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, Tạp chí còn đăng tải nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, làm giàu thêm đời sống tinh thần của hội viên.

Không chỉ viết văn, làm thơ, với vốn kiến thức, trình độ ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật) thông thạo, Việt Anh là tác giả của hầu hết các trang quốc tế, góp phần làm Tạp chí sống động, là một kênh thông tin thiết thực, mở rộng tầm hiểu biết cho các hội viên. Đặc biệt, gần đây Tạp chí còn có thêm những phóng sự video, giúp người đọc, người xem hiểu hơn về những hoạt động của các cấp Hội trên toàn quốc, đồng thời là phương thức giúp người khiếm thị tiếp cận hiệu quả với công nghệ thông tin. Không chỉ làm báo, duyệt tin bài, Việt Anh còn kiêm nhiệm nhiều công việc của Hội như: Tham gia Ban Đối ngoại, Trưởng ban Công tác phụ nữ - trẻ em… Ở vị trí nào, chị cũng luôn nỗ lực hết mình, hướng về những người đồng cảnh ngộ.

Trước khi làm báo, Việt Anh còn có một quãng thời gian dài là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng (thuộc Hội Người mù Việt Nam) phụ trách chuyên môn đào tạo, công tác phong trào và đối ngoại. Nhớ lại quãng thời gian ấy, chị cho biết: Tôi nhận thấy các kỹ năng “mềm” với người khiếm thị ít được chú trọng, do đó, chúng tôi đã mở rộng thêm các loại hình đào tạo, đưa thêm nhiều nội dung mới vào giảng dạy như: Kỹ năng sống và làm việc, xử lý âm thanh, các ứng dụng mới trên internet. Việt Anh cũng đã nghiên cứu cách người Nhật Bản massage, tiếp thu những tiến bộ của nước ngoài để lồng ghép với phương thức massage truyền thống của Việt Nam, nhờ đó các học viên có thêm sáng tạo trong công việc, mang lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, Việt Anh còn triển khai biên soạn các giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập tại Trung tâm và cung cấp cho các địa phương. Chị còn tham gia hội nghị, hội thảo xây dựng và thẩm định các tài liệu, giáo trình do Hội Người mù Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức…

Bước qua gian nan

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học ở vùng quê nghèo xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), bất hạnh đến với Việt Anh khi mới vừa tuổi lên 3, bởi căn bệnh thoái hóa giác mạc. Lên 5 tuổi, Việt Anh vẫn đến trường dù không nhìn rõ chữ; về nhà, ba mẹ, anh em của Việt Anh đã thay nhau đọc sách cho cô nghe, mọi người đọc đến đâu, cô nhớ đến đó. Thông minh cộng với sự rèn luyện, nỗ lực, cô luôn là học trò dẫn đầu lớp.

Nhớ lại ngày ấy, Việt Anh bùi ngùi: “Những ngày trời mưa gió, tôi ngồi trên xe còn cha mẹ còng lưng đẩy trên đoạn đường trơn trượt bùn đất để đến trường. Tôi lớn lên cũng từ những điều như vậy. Thương gia đình đã vì mình mà vất vả, tôi nguyện khó đến mấy cũng phải cố học. Những điểm 9, 10 trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đã bù đắp phần nào nỗi vất vả ấy…”.

Học đến lớp 9, thị lực của Việt Anh giảm rồi mất hẳn. Đã định buông bút, nhưng nỗi nhớ thầy cô và tiếng trống trường đã thôi thúc cô trò nhỏ. Thương con, cha mẹ lại đưa Việt Anh trở lại trường. Lại những tháng ngày thầy cô, bạn bè đọc từng trang sách, mô tả từng hình vẽ… và thành tích học tập của Việt Anh không phụ công của mọi người. 12 năm đèn sách, Việt Anh luôn duy trì điểm số cao nhất lớp. Nhưng rời trường phổ thông, Việt Anh hụt hẫng vì không có trường đại học nào tiếp nhận thí sinh khiếm thị. Nỗi buồn gặm nhấm đã đưa chị đến với những tác phẩm truyện ngắn, thơ và được một số cơ quan báo chí đăng tải, giúp chị tạm nguôi nỗi nhớ sách vở.

Bước ngoặt đến với Việt Anh khi người cha biết thông tin về hoạt động của Hội Người mù Hà Tĩnh và ông đã đưa chị đến nhập Hội. Tại đây, Việt Anh được giới thiệu đến Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù ở Hà Nội, học chữ nổi và nhanh chóng được giữ lại làm giáo viên của Trung tâm. Hiểu hơn ai hết niềm khát khao đến với nguồn ánh sáng văn hóa và những khó khăn của học viên, chị đã đem hết khả năng, sự yêu thương và nhiệt huyết của mình để giảng dạy. Trên vai trò người thầy, Việt Anh lại mơ ước được đi học nên năm 1999, chị đã dự thi và đỗ Ngành Quản lý xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

3 năm sau, chị tiếp tục dự tuyển vào Khoa tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội. Vừa học, vừa hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao, tài liệu học ngoại ngữ bằng chữ nổi không có, nhưng chị đã tốt nghiệp cả hai trường loại giỏi, nhận chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm xuất sắc của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Không những thế, chị còn được Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn là một trong 5 người khiếm thị tham dự lớp công nghệ thông tin tại Nhật Bản, lớp sản xuất sách kỹ thuật số đa phương tiện Daisy tại Thái Lan, lớp đào tạo giáo viên nguồn về vi tính cho người mù với sự giảng dạy của các chuyên gia Thụy Điển.

Vượt qua rất nhiều tấm gương, chị trở thành nhân vật trong Triển lãm “Những người phụ nữ vượt lên số phận” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tham dự hội nghị Biểu dương điển hình phụ nữ tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới năm 2007. Chưa bằng lòng với những kiến thức đã có, năm 2011, chị cùng người chồng khiếm thị của mình thi và trúng tuyển cao học chuyên Ngành Quản lý hành chính công tại Học viện Hành chính quốc gia và tốt nghiệp với kết quả xuất sắc.

Với sự quyết tâm bền bỉ, sẵn sàng vượt mọi thử thách, nữ Tổng Biên tập 38 tuổi đã tham gia các cuộc tập huấn, hội thảo quốc tế như: Diễn đàn các nhà lãnh đạo khiếm thị trẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở Thái Lan; Hội thảo về công nghệ thông tin ở Malaysia; Diễn đàn phụ nữ, thanh niên khiếm thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ở Hồng Kông…

Hiện tại, chị hạnh phúc với một gia đình nhỏ và đang chuẩn bị đón thêm một thành viên mới. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin với nghị lực của mình, chị sẽ không bao giờ đầu hàng số phận...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người không đầu hàng số phận!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.