Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Khúc tráng ca của những người con bất tử

Chí Kiên - Nguyên Hoa| 18/12/2016 06:44

(HNM) - Dù trong tay chỉ có vũ khí thô sơ nhưng những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã làm nên một huyền thoại chiến đấu: Kìm chân địch trong suốt 2 tháng. Có mất mát, hy sinh nhưng chính sự kiên cường của họ đã tạo nên tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.

Hội CCB thành phố, Hội LHPN thành phố và Thành đoàn Hà Nội tặng quà cho các nhân chứng lịch sử trong cuộc giao lưu "Ký ức Hà Nội - Mùa đông năm 1946".



Nối chí truyền thống


Tham gia đội hình chiến sĩ cảm tử quân của Trung đoàn Thủ đô Anh hùng năm ấy, Đại tá Nguyễn Huy Du mới chỉ là cậu học trò 16 tuổi. Ông được giao nhiệm vụ cùng đồng đội bảo vệ các khu phố cổ ở phía thành Cửa Đông, chặn Pháp để chúng không đánh ra phía ngoài. Đời binh nghiệp đã đưa ông qua nhiều mặt trận, chiến đấu ở nhiều đơn vị khác nhau nhưng 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội là ký ức không thể nào quên. Đại tá Nguyễn Huy Du hồi tưởng: “Sau một tuần thành lập, ngày 13-1-1946, trong lễ tuyên thệ tại Rạp hát Tố Như (nay là Rạp Chuông Vàng), những người lính của Trung đoàn Thủ đô đã cùng nhau thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Ngày 17-1-1947, nhân dịp Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, thư có đoạn viết: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Chính vì vậy, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành cương lĩnh hành động và ý chí của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô”. Hình ảnh người chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng đã trở thành biểu tượng bất tử của những người lính Trung đoàn Thủ đô, gắn liền với lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trước khi Trung đoàn rút khỏi Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tuyên dương: “Trung đoàn Thủ đô đã tượng trưng cho quân đội của một nước nhược tiểu, quyết tâm không muốn làm nô lệ, đã ngang nhiên chống lại quân đội của một nước lớn, hùng mạnh của đế quốc chủ nghĩa. Trung đoàn Thủ đô đã nối chí truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng thuở trước”.

Bảy năm sau ngày rời Hà Nội bằng cuộc rút lui thần kỳ, cũng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ngày 10-10-1954, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lại dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến về tiếp quản Thủ đô mang theo Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” giữa rừng cờ đỏ sao vàng, giữa muôn ngàn đóa hoa tươi thắm cùng tiếng reo hò, tiếng hát của hàng vạn đồng bào Hà Nội…

Trung tá Vũ Xuân Thọ, Chính ủy Trung đoàn Thủ đô hiện nay cho biết: Trung đoàn Thủ đô là đơn vị nòng cốt của Sư đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng. Ra đời trong những ngày toàn quốc kháng chiến, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đại diện cho thế hệ quyết tử với ý chí thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Thủ đô, đã chiến đấu ngoan cường, bám trụ từng ngôi nhà, từng góc phố… Sau ngày đất nước giải phóng, Trung đoàn vinh dự là đơn vị đầu tiên được xây dựng, tổ chức thành Trung đoàn bộ binh cơ giới. Trung đoàn luôn chủ động đi đầu trong nghiên cứu, tìm ra những cách đánh mới, áp dụng trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng cùng lực lượng tại chỗ của Bộ Tư lệnh Thủ đô bảo vệ Hà Nội và các mục tiêu quan trọng khác trong mọi tình huống. Với đặc thù đó, đơn vị được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện như xe chiến đấu BMP-1, xe tăng T55, các loại pháo lớn, pháo chống tăng, DKZ… có khả năng cơ động và khả năng hỏa lực cao. Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị cũng luôn được đặt lên hàng đầu.

Mạch nguồn chảy mãi

Trung tá Nguyễn Ngọc Khánh, Trung đoàn trưởng cho biết: "Để xứng đáng với truyền thống 70 năm của Trung đoàn, đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Công tác bồi dưỡng cán bộ để nâng cao năng lực trong chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện được đơn vị đặc biệt chú trọng, 91% cán bộ của Trung đoàn có trình độ quản lý, chỉ huy khá, giỏi. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung đoàn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu theo hướng chú trọng huấn luyện theo tình huống; huấn luyện nâng cao sức khỏe bộ đội, huấn luyện hành quân xa, mang vác nặng; huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật ban đêm… Vì vậy, những năm gần đây, Trung đoàn luôn giữ vững thành tích đơn vị vững mạnh toàn diện. Là đơn vị đủ quân, đối tượng huấn luyện đa dạng, quản lý nhiều chủng loại khí tài và phương tiện quân sự nhưng đơn vị luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra vi phạm. Không chỉ huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao mà nhiều mặt công tác, nhiều phong trào thi đua khác của đơn vị cũng được xếp hạng nhất, nhì cấp Quân đoàn và toàn quân…”.

Những ngày này, Trung đoàn Thủ đô đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. Đại úy Nguyễn Hữu Khoa, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn cho biết: Nhớ lời Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực xây dựng đơn vị cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn còn nâng cao chất lượng huấn luyện bộ binh cơ giới, trở thành điểm sáng về việc xây dựng đơn vị chính quy, kỷ luật và là lá cờ đầu trong phong trào Thi đua quyết thắng của Sư đoàn, Quân đoàn. Trong khuôn viên của đơn vị, ngoài bức tượng cảm tử quân còn có cả những pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là nét đặc thù rất ít đơn vị có được bởi những năm gần đây, Trung đoàn được cấp trên giao thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan. Hằng năm, Trung đoàn thường đón hàng chục đoàn khách quốc tế đến thăm, bảo đảm chính quy, trọng thị, an toàn tuyệt đối, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm hữu nghị tốt đẹp. Những cố gắng không ngừng nghỉ của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hôm nay đang góp phần bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị.

70 năm sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, lớp lớp những người lính Trung đoàn Thủ đô ngày ấy nay người còn người mất, nhưng tinh thần “Quyết tử cho Thủ đô” vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Thủ đô và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Họ chính là tấm gương trung dũng cho thế hệ trẻ Thủ đô nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung mãi mãi noi theo. Truyền thống vẻ vang đó đang là “điểm tựa” để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không ngừng phấn đấu, vươn lên, góp phần tô thắm thêm những trang vàng lịch sử truyền thống của Đại đoàn Quân Tiên phong.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Khúc tráng ca của những người con bất tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.