Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xà phòng hy vọng!

Thanh Thủy| 04/01/2017 06:34

(HNM) - Một thương hiệu mới xuất hiện trên thị trường? Không, “Xà phòng hy vọng” (Soap for hope) đơn giản là tên gọi của một chương trình thiện nguyện, nơi tái chế những mẩu xà phòng đã qua sử dụng thành sản phẩm mới, gửi tặng trẻ em nghèo, bệnh nhi khó khăn hay đồng bào tại những bản làng xa xôi của Tổ quốc.


“Gom từ nơi thừa…”

Ước tính trung bình một khách sạn lớn với 400 phòng mỗi năm thải ra khoảng 3,5 tấn xà phòng rắn đã qua sử dụng. Với những khu nghỉ dưỡng cao cấp con số này có thể lớn hơn nhiều. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn mối nguy hại cho môi trường nếu chúng không được xử lý đúng cách.

Các tình nguyện viên “Xà phòng hy vọng” đóng gói các bánh xà phòng trước khi chuyển đến nơi nhận hỗ trợ.



Ở một góc khác của cuộc sống, nơi những thiếu thốn vật chất, những lo toan thường nhật rồi việc thiếu kiến thức giữ gìn vệ sinh cá nhân đã khiến nhiều người coi nhẹ hoặc bỏ qua nhu cầu sử dụng xà phòng trong sinh hoạt hằng ngày, dẫu phải đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh ngoài da, bệnh liên quan đến tiêu hóa và đường hô hấp. Những câu chuyện tương tự như thế có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, phản ánh sự đa dạng, muôn mặt của đời sống cũng như để thay đổi những điều này, với nhiều người, giống như hành động “dã tràng xe cát” vậy.

Thế nhưng, vẫn có nhiều bạn trẻ tin tưởng, nếu bản thân đủ nỗ lực vì một điều đúng đắn, có giải pháp hợp lý, khoa học, những bất cập kể trên có thể được hóa giải. Việc làm của nhóm bạn trẻ thuộc chương trình “Xà phòng hy vọng” là một câu chuyện như thế! "Xà phòng hy vọng" là ý tưởng của Tập đoàn Sealead Air được triển khai trên 20 quốc gia với sự tham gia của hơn 200 tập đoàn khách sạn lớn. Tại Việt Nam, Sealead Air và Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số chính thức khởi động chương trình này từ tháng 8-2015 với sự hưởng ứng của 3 tập đoàn lớn là Hilton, Accor và IHG. Nhóm tình nguyện viên của “Xà phòng hy vọng” lên kế hoạch thu gom xà phòng từ các khách sạn trên, đã qua sử dụng, làm sạch, tái chế thành những sản phẩm mới, đem tặng lại cho những nơi thiếu thốn với mong muốn chia sẻ một phần những khó khăn vật chất cho người nghèo, xây dựng thói quen bảo vệ sức khỏe từ việc giữ gìn vệ sinh cá nhân đồng thời giữ cho môi trường sống được xanh, sạch hơn.

Đinh Phương Nga, điều phối viên chương trình “Xà phòng hy vọng” tâm sự: “Những ngày mới đi vào hoạt động, chúng em đều lo sẽ gặp khó trong việc xin xà phòng đã qua sử dụng vì không phải ai cũng hiểu và tin vào việc làm của mình. Chưa kể, họ có thể có những tính toán khác cho những sản phẩm thừa ra này nữa... Thế nên, khi nhận được cái gật đầu của họ, chúng em rất cảm động”. Không chỉ tích cực thu thập, phân loại xà phòng cũ, thừa; các khách sạn lớn như Hilton Ha Noi, Mercure Ha Noi La Gare Hotel… còn chủ động hỗ trợ nhóm tái chế ra những sản phẩm hoàn chỉnh. Nhiều nơi khác như khách sạn Novotel Ha Long, Grand Mercure Da Nang… còn tổ chức các gian hàng bán loại sản phẩm tái chế này, gây quỹ cho nhóm hoạt động.

Đinh Phương Nga hồ hởi: “Đến giờ, em có thể tin rằng nguồn nguyên liệu tái chế của “Xà phòng hy vọng” luôn dồi dào và bền vững bởi số khách sạn, khu nghỉ dưỡng… sẵn sàng cung cấp xà phòng đã qua sử dụng cho chương trình vẫn đang tiếp tục tăng lên. Thêm nữa, chất lượng của nguồn nguyên liệu này cũng được đảm bảo bởi tên tuổi của nơi cung cấp, những nơi rất khắt khe trong việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc khách hàng”.

“…sẻ cho nơi thiếu”

Góc sân Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội - đại bản doanh của “Xà phòng hy vọng” - những ngày cuối tuần luôn tràn ngập tiếng cười. Đây là thời điểm các bạn tình nguyện viên quây quần bên nhau “hô biến” những bánh xà phòng đã qua sử dụng thành sản phẩm mới. Có thể hình dung công đoạn sản xuất này như sau: Nguyên liệu, sau khi lấy về từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng…, sẽ được tình nguyện viên chà sạch bằng bàn chải, cắt nhỏ, rửa qua với dung dịch nhằm khử trùng và làm mềm xà phòng. Sau công đoạn này, nguyên liệu tiếp tục được trộn cùng các hương, phụ liệu tự nhiên (vỏ chanh, cánh hoa…) rồi đưa qua máy ép thủ công để cho ra đời những bánh xà phòng với nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Sản phẩm này cần trải qua một thời gian hong khô trước khi được khoác áo mới, chờ ngày đưa tới tay người nhận.

Hơn một năm hoạt động, hàng nghìn bánh xà phòng như thế đã được các tình nguyện viên của “Xà phòng hy vọng” trao tận tay những trẻ em nghèo, bệnh nhi khó khăn, người lao động di cư hay những đồng bào thiếu thốn ở nhiều vùng đất nước. Tìm đến những bản làng heo hút như: Bản Lao, Văn Chấn, Yên Bái; Bản Búa, Đồng Sang, Sơn La…; những điểm trường xa lắc như Mầm non Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai; Tiểu học Khâu Mèng, Vị Xuyên, Hà Giang… hay những làng chài ven sông (bãi giữa sông Hồng, Hà Nội, làng chài Đà Nẵng…), chứng kiến niềm vui, sự ngỡ ngàng của người nhận quà, các tình nguyện viên của “Xà phòng hy vọng” càng thấu hiểu ý nghĩa công việc mình đang theo đuổi. Ngô Thị Trang, 22 tuổi, tình nguyện viên “Xà phòng hy vọng” cho hay: “Vẫn biết đất nước mình còn rất nhiều nơi khó khăn nhưng khi đặt chân đến tận nơi, em và bạn bè vẫn bất ngờ với những gì mình chứng kiến. Có những cảm xúc khó diễn tả bằng lời khi nhận ra nhiều người không biết xà phòng dùng để làm gì, nhiều đứa trẻ ngơ ngác tưởng những gói nhỏ đó là đồ ăn. Vừa tặng quà, vừa hướng dẫn đồng bào cách sử dụng sản phẩm rồi những lợi ích của việc dùng xà phòng hằng ngày, thấy được niềm hân hoan trong ánh mắt các bà, các chị, sự vui sướng của trẻ nhỏ, chúng em cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.

Từ một thứ tưởng chỉ là rác thải, “Xà phòng hy vọng” đã biến chúng trở thành những sản phẩm có ý nghĩa và cấp miễn phí cho những nơi chưa có hoặc bị hạn chế trong việc tiếp cận với xà phòng, xây dựng thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe. Việc làm này còn góp phần giải quyết một lượng lớn sản phẩm có nguy cơ bị lãng phí, thậm chí gây hại cho môi trường. Mang lại nhiều ích lợi như vậy nên chỉ sau một năm đi vào hoạt động, “Xà phòng hy vọng” đã thu hút sự hưởng ứng của hàng trăm bạn trẻ ở cả ba miền đất nước tham gia. Sự nhiệt thành ấy của đội ngũ tình nguyện viên đã góp phần không nhỏ đưa “Xà phòng hy vọng” vươn tới những vùng miền xa xôi của Tổ quốc, để chúng tiếp tục phát huy tác dụng, trở thành vật dụng có ích cho đời sống.

Nói về hoạt động của nhóm, Đinh Phương Nga cho biết: "Nhiệm vụ của chúng em là nỗ lực hết sức để phần nào đem đến những thay đổi tích cực cho người dân, dù chỉ đơn giản, nhỏ bé như việc được rửa tay bằng xà phòng. Vì những điều như thế “Xà phòng hy vọng” sẽ còn tiếp tục theo đuổi công việc mang lại niềm vui, niềm tin cho việc cải thiện sức khỏe cộng đồng này”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xà phòng hy vọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.