Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẹp hơn những triền đê

Bài, ảnh: Dạ khánh| 11/02/2017 06:10

(HNM) - “Triền đê ngập tràn rau sạch của người dân Thủ đô”, “Chuyện lạ tại Hà Nội: Chiếm triền đê nuôi đặc sản gà vườn”, “Biến triền đê thành “vườn nhà”… là một vài trong số rất nhiều bài phản ánh trên báo chí về tình trạng lấn chiếm các triền đê vài năm trước. Thế nhưng, hơn một năm nay, các triền đê này đã và đang ngày càng trở nên xanh, sạch và đẹp hơn.


Triền đê xanh, sạch, đẹp trên địa bàn quận Long Biên.


Quả thật, có đến 3-4 năm rồi, đầu xuân mới Đinh Dậu này, tôi mới quay trở lại Bát Tràng. Từ cầu Chương Dương đi dọc theo đê tả Hồng về hướng Cự Khối, Bát Tràng, ký ức trước đây về con đường xuống cấp, bụi bay mù mịt, lổn nhổn ổ trâu, ổ gà đã không còn. Thay vào đó là con đường đã được cải tạo, thảm át phan phẳng lì, vỉa hè kè lát gạch sạch đẹp. Đặc biệt, ấn tượng xấu về triền đê này trước đây với rậm rịt cỏ dại cao vượt đầu gối, nơi bị quây rào, nhổ cỏ, trồng rau, nơi dựng chuồng, quây bạt tự do chăn thả gà… giờ cũng biến mất. Suốt cả chặng đường đến cả chục cây số, triền đê trải dài, giăng giăng trước mắt tôi những triền cỏ xanh rì. Cỏ mọc sát dưới chân, tất cả đều như một, không có đoạn nào rậm rạp, lút gối, chắc hẳn đã có sự dụng công chăm sóc, cắt xén!

Dọc tuyến đê này, còn thấy đôi chỗ, đoạn gần nút giao với các trục đường chính của quận Long Biên được trồng hoa, tiểu cảnh để tạo cảnh quan, tăng thêm vẻ đẹp cho triền đê cũng như không gian chung của nút giao thông. Cùng với đường thông, hè thoáng, cái đẹp lên trông thấy của những triền đê nơi đây thực sự đem đến diện mạo hoàn toàn mới cho tuyến đường này: Xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn. Được biết, không chỉ trên tuyến đê tả Hồng (dài 9.429m chạy từ địa phận phường Ngọc Thụy đến Cự Khối, theo hướng đi Bát Tràng), tuyến đê còn lại của quận Long Biên là hữu Đuống (dài 10.982m, chạy từ Ngọc Thụy đến Phúc Lợi, theo hướng đi cầu Đuống) cũng đang được xanh hóa. Ngoài xóa hoàn toàn tình trạng các hộ dân lấy triền đê làm nơi tăng gia “canh tác, nuôi trồng”, hoạt động kinh doanh, buôn bán trên thân đê cũng được xử lý quyết liệt.

Chia sẻ về sự tham gia của quận Long Biên trong việc cải thiện hình ảnh, tạo những chuyển biến đáng ghi nhận trên những triền đê trên địa bàn quận, ông Bùi Dương - Phó Chánh Văn phòng UBND quận Long Biên cho biết: “Công lớn vẫn là của Chi cục Quản lý đê điều - Sở NN&PTNT Hà Nội. Cụ thể hơn nữa đó là Hạt Quản lý đê điều số 5, phụ trách địa bàn Long Biên. UBND quận chỉ có chút đóng góp chút ít”.

Thừa nhận thực tế về tình trạng “xẻ thịt” thân đê xảy ra tại địa bàn một vài năm trước, ngoài nguyên nhân do công tác quản lý chưa tốt, ông Dương cho rằng, còn có một nguyên nhân khác. Trước đây, các đê vốn là đê đất, được trồng cỏ để chống xói mòn. Quá trình sinh sống, các hộ sống gần đê đã lấy triền đê làm… vườn nhà, nhổ cỏ, tăng gia trồng rau, nuôi gà, gây ảnh hưởng đến chất lượng đê, xói mòn đất. Trước thực trạng này, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các quận, huyện yêu cầu giải tỏa và xử lý các trường hợp “canh tác” trên thân đê. Tuy nhiên, sau khi ra quân xử lý được một thời gian, mọi việc lại tái diễn.

Để xử lý triệt để tình trạng này cũng như bảo vệ mặt đê, dự án kiên cố hóa mặt đê, kè bê tông đã được Sở NN&PTNT triển khai. Ông Nguyễn Phú Bích - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều số 5 cho biết: Năm 2015-2016, UBND thành phố, Sở NN&PTNT thực hiện đầu tư dự án bảo trì chăm sóc cỏ kỹ thuật mái đê phía đồng (đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Thanh Trì). Theo đó, Sở NN&PTNT cho triển khai phát quang, cắt cây gai, cây bụi, gia cố mặt đê, kè và bê tông hóa triền đê với các block bê tông rỗng, trồng cỏ kỹ thuật để chống xói mòn bảo vệ mái đê cũng như chỉ áp dụng trồng đồng nhất một chủng loại cỏ. Công việc được Hạt triển khai theo từng tháng một: Cây dại được đào đi, trồng cỏ đúng chủng loại. Cỏ khô thì tưới nước, chết thì trồng mới. Hằng tháng bảo trì theo đúng quy trình kỹ thuật. Trong năm 2016, Hạt Quản lý đê điều số 5 đã triển khai cứng hóa và xanh hóa được 89.340m2 đê; thực hiện phát quang 15.000m2 mái đê trên địa bàn quận Long Biên. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc tre chắn sóng, vun gốc, chặt tỉa cành cũng được thực hiện định kỳ.

Cùng với dự án của Sở NN&PTNT, UBND quận Long Biên cũng tham gia phối hợp xử lý các vi phạm về đê điều, ra quân lập lại trật tự đô thị hành lang ven đê, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, yêu cầu các hộ không được tận dụng khu vực chân đê làm nơi bán hàng ăn uống. Đê tả Hồng chạy qua địa bàn các phường: Ngọc Thụy, Cự Khối, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Lâm hầu như đã không còn tình trạng kinh doanh trên khu vực hành lang đê. Tình trạng bà con trồng rau, nuôi gà trên đê cũng không còn. Ngoài ra, UBND quận Long Biên cũng thực hiện đầu tư chỉnh trang mái đê (phía đồng), cải tạo xây dựng mới đường hành lang chạy dọc chân đê (phía đồng) và mặt đê; đầu tư hệ thống thoát nước, chiếu sáng… Nhờ vậy, cảnh quan cả một khu vực đê và ven đê trên địa bàn Long Biên thực sự quang đãng, xanh, sạch và đẹp lên trông thấy.

Mặc dù bên nào cũng chỉ nhận “công nhỏ”, song có thể thấy, nhờ cái “bắt tay”, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự thay đổi trên các triền đê tại địa bàn Long Biên là khá lớn, mang lại hiệu quả tích cực. Mong rằng, hình ảnh xanh, sạch, đẹp này sẽ tiếp tục được nhân rộng trên nhiều tuyến đê ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẹp hơn những triền đê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.