Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Yên - điểm sáng bảo vệ môi trường

Kim Nhuệ| 25/02/2017 06:37

(HNM) - Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ được đánh giá là điểm sáng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là lĩnh vực cải tạo ao, giếng làng tạo điểm nhấn cảnh quan nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp...


Từ tôn tạo ao, giếng làng…

Theo các phụ lão thôn Yên Trường, hơn 20 năm trước, khi chưa có giếng khoan, bể chứa nước mưa… thì ao, giếng làng là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của nhân dân trong xã. Vì là nguồn nước sinh hoạt, tụ thủy, tụ phúc nên khi xây dựng hương ước các thôn đều có quy định bảo vệ, giữ gìn ao, giếng nước. Người dân Trường Yên yêu quý và giữ gìn ao, giếng làng như máu thịt…

Ao Ngõ Cống vừa được cải tạo từ kinh phí đóng góp của nhân dân thôn Yên Trường.


Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, nhiều gia đình trong làng sử dụng giếng khoan, không lấy nước nên thiếu quan tâm vệ sinh tới các ao, giếng, thậm chí tùy tiện vứt rác thải, gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu cảnh quan môi trường. Chứng kiến ao, giếng làng bị xâm hại, người cao tuổi trong thôn, đã gần cuộc đời sử dụng nước giếng làng không khỏi buồn lòng…

Với chủ trương tôn tạo giếng làng để lưu giữ nét văn hóa, không gian truyền thống cây đa, giếng nước, sân đình, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn sạch đẹp, cấp ủy thôn Yên Trường đã tổ chức họp bàn thống nhất việc tổ chức nhân dân cải tạo ao, giếng làng.

Trưởng xóm An Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết: Khi nhận được sự ủng hộ của người dân, thôn Yên Trường đã thành lập Ban tôn tạo; đồng thời tổ chức tuyên truyền ý nghĩa của việc xây dựng lại ao, giếng làng trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã… Dù không đặt ra mức đóng góp cụ thể nhưng sau một tháng vận động, Ban tôn tạo ao, giếng thôn Yên Trường đã tiếp nhận gần 400 triệu đồng. Điển hình việc ủng hộ này là gia đình các ông Trịnh Nhân Vượng, Trịnh Nhân Đồng, Trịnh Bá Tùng, Nguyễn Xuân Mạnh… đóng góp từ 10 đến 30 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, Ban tôn tạo đã triển khai nạo vét toàn bộ bùn đất, kè đá, xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải xung quanh, lắp dựng lan can, ghế đá, đèn chiếu sáng, trồng cây… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, làm điểm vui chơi chung của nhân dân trong thôn.

… đến sạch nhà, đẹp ngõ

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên Nguyễn Xuân Vần, để có được cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp như hiện nay, gần 10 năm qua, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Ngoài việc tổ chức họp dân để tuyên truyền, các hội, đoàn thể còn được giao nhiệm vụ đến từng gia đình vận động thực hiện nếp sống văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thông qua các buổi truyền thông, cán bộ môi trường xã, huyện đã hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác thải, xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn để phục vụ sinh hoạt, tận dụng những khoảng đất trống gần nhà để đào hố ủ rác hữu cơ làm phân bón cây trồng và cải tạo đất…

Khi người dân hiểu rõ lợi ích bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng đã tích cực tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt. Hiện xã Trường Yên đã xây dựng được 5 mô hình “Đoạn đường không rác” trên các tuyến liên thôn, liên xã, trong đó nòng cốt tham gia là hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên... Tham gia mô hình, ngoài cam kết giữ gìn môi trường, dọn cỏ, trồng hoa cây cảnh tại hộ gia đình, các hội viên, đoàn viên còn thành lập nhóm thu gom rác tại các khu vực công cộng. Các tổ vệ sinh môi trường của thôn, định kỳ mỗi tuần ba lần, tổ chức thu gom rác thải tại các trục đường chính trong khu dân cư, vận chuyển đến điểm thu gom rác tập trung. Nhiều hộ cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, cây cảnh… vừa tạo bóng mát, màu xanh cho môi trường, vừa tăng thu nhập cho người dân xã Trường Yên.

Ý kiến: Giữ gìn vệ sinh môi trường tại chợ dân sinh

Người xưa vẫn nói, bẩn thỉu, lộn xộn như… cái chợ, quả không sai. Thế nhưng, có một nghịch lý là chợ - nơi thường buôn bán các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu ăn uống cũng là nơi tồn tại nhiều nguồn rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đến bất cứ khu chợ dân sinh nào, đều dễ dàng bắt gặp cảnh nhếch nhác bởi nước thải, rác thải. Gian hàng nào có rác thải đặc trưng của mặt hàng đó. Khu bán hàng rau là những cuống rau… được chất đống. Khu hàng bán hoa quả luôn ngồn ngộn đủ thứ vỏ hộp, túi ni lông, hoa quả thối. Khu vực bán thủy sản luôn lênh láng nước, mùi hôi tanh. Khu bán gia cầm chất đống đủ thứ chất thải gia cầm sau giết mổ… Nhưng sự bề bộn của chợ chỉ rõ nét nhất sau những buổi chợ tàn. Nếu được quản lý tốt, người bán hàng có trách nhiệm hoặc có nhân viên vệ sinh môi trường thì không vấn đề gì, nhưng hầu hết chợ dân sinh đều được dựng tạm, nhếch nhác, mạnh ai nấy lo,...

Để thành phố xanh - sạch - đẹp, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, xây dựng lại những khu chợ dân sinh theo hướng bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để mỗi người dân khi mua - bán hàng tại các khu chợ dân sinh cùng chung tay giữ vệ sinh chung.


Nguyễn Vân An
(Phường Quan Hoa - quận Cầu Giấy)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Yên - điểm sáng bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.