Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe khách chở hàng, an toàn... thả nổi!

Văn Ngọc Thủy| 01/05/2017 06:17

(HNM) - Từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ cháy, lật xe khách gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhiều vụ việc, căn nguyên “bà hỏa” ghé thăm xuất phát từ những túi hành lý, hàng hóa trên xe.

Việc sử dụng xe khách chở hàng hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ.


Xe khách như xe hàng...

Một lái xe khách tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: “Xe khách không chở hàng có mà... ăn cám! Xe giường nằm 40 chỗ nhưng thường xuyên có chưa đến hai chục khách, chở thêm hàng phải tính bằng tấn mới đủ bù chi phí”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả xe khách từ tuyến liên tỉnh, nội tỉnh và thậm chí cả xe buýt đều có dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Dịch vụ này có khá nhiều lợi ích như giá rẻ, thủ tục không rườm rà, được nhiều người lựa chọn. Điều đáng nói, vì lợi nhuận, các nhà xe không từ chối bất cứ loại hàng hóa nào, khối lượng bao nhiêu. Thời điểm vắng khách, ngoài chất hàng hóa ở khoang hành lý theo quy định thì một số nhà xe còn thu gọn các hàng ghế phía sau để tận dụng. Những khi đông khách, các nhà xe cũng tranh thủ những chỗ “hở” dưới ghế ngồi để xếp hàng hóa.

Việc chở hàng hóa trên xe khách rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu nhà xe tháo vách ngăn, thay đổi kết cấu khoang hành lý để chất được nhiều hàng, khi xe qua khúc cua, đường đèo dốc sẽ dẫn đến hàng hóa xô lệch, mất cân bằng, nguy cơ lật xe sẽ rất cao. Trường hợp khác, nhiều nhà xe chở hàng hóa có mùi nặng như sầu riêng, mít sẽ gây ngột ngạt cho hành khách. Trên chuyến xe khách Chợ Nề - Bình Lục - Giáp Bát (tuyến Hà Nội - Hà Nam - Nam Định) vào mỗi cuối tuần, ngoài tình trạng chật chội vì lượng khách tăng đột biến, khách còn phải chen chúc cùng gà, chó, nông sản..., không khí vô cùng khó chịu. Đặc biệt, đối với những xe chở hàng dễ cháy nổ thì nguy cơ mất an toàn cho hành khách ngồi trên xe là rất cao.

Theo các chuyên gia, trong các nguyên nhân gây cháy xe khách thì quan trọng nhất là việc xe chở hàng quá tải. Khi đó, động cơ xe sẽ nóng và sinh nhiệt. Nếu lúc này, có sự rò rỉ nhiên liệu hay bắt gặp vật gì đó dễ cháy trong hầm xe thì lập tức sẽ xảy ra cháy. Thực tế, không ít xe khách vận chuyển xe máy trong hầm mà không hút nhiên liệu, hoặc nhiều đối tượng xấu lợi dụng việc kiểm soát hàng hóa trên xe khách lỏng lẻo để mang vật liệu nổ lên xe. Xe máy để trong hầm xe, khi lên đèo dốc hoặc địa hình không bằng phẳng, rất dễ xảy ra va đập hoặc đổ nhiên liệu, nguy cơ cháy chắc chắn rất cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Như Trúc - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: Mỗi ngày, bến xe có khoảng 1.500 xe khách xuất bến, số lượng lớn nhất so với các bến khác trên địa bàn Hà Nội. Lực lượng bốc xếp và các nhà xe chủ động kiểm soát, phát hiện những hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ như pháo, chất nổ dùng để đánh cá, khai thác khoáng sản... Đặc biệt nếu vận chuyển xe máy phải rút hết xăng đề phòng rò rỉ có thể gây cháy nổ.

Cũng tại Bến xe Mỹ Đình sáng 27-4, theo quan sát của chúng tôi khi các xe xuất bến, hàng hóa khách mang theo hoặc ký gửi được bọc kín trong các thùng các tông và buộc nhiều lớp rất chắc chắn. Không thấy phụ xe hỏi hàng gì, chỉ thấy nhanh chóng ngã giá phí vận chuyển khi khách đặt vấn đề. Cũng không có biện pháp kiểm tra kỹ càng, hàng được chuyển sâu vào khoang hành lý hoặc phía sau xe sau khi phụ xe đánh số thứ tự và ghi lại số điện thoại người gửi, người nhận...

Thiếu chế tài, sinh lỗ hổng

Trao đổi về tình hình xử lý vi phạm đối với xe khách trên địa bàn Hà Nội, ông Trần Đăng Hải - Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trong ba tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã xử lý 2.346 vụ vi phạm; phạt hơn 2,9 tỷ đồng... Các lỗi vi phạm phổ biến là dừng đỗ sai quy định, đi sai làn, luồng tuyến, không có phù hiệu, điều kiện phương tiện không bảo đảm an toàn, thiếu các giấy tờ liên quan... Tuy nhiên, phóng viên chưa thấy ghi nhận trường hợp nào bị phạt do thay đổi kết cấu khoang hành lý hay chở hàng hóa không bảo đảm an toàn.

Theo quy chuẩn kỹ thuật được Bộ GT-VT ban hành tại Thông tư 87 ngày 31-12-2015, khoang hành lý nằm dưới sàn xe khách phải được ngăn thành các khoang kín, với chiều dọc không quá 1,5m, rộng không quá 1,225m. Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị đăng kiểm quản lý chặt các xe theo tiêu chuẩn trên, góp phần ngăn chặn tình trạng nhiều nhà xe, nhất là xe khách giường nằm biến hầm hàng thành khoang xe tải, gây mất an toàn trong quá trình di chuyển.

Một lái xe tuyến Hà Nội - Sa Pa cho biết, khi lưu thông, xe chủ yếu bị lực lượng chức năng kiểm tra xem có chở hàng cấm, hàng lậu hay không, còn không bị kiểm tra, xử lý về việc kích thước hầm hàng. Ngay cả các lực lượng chức năng tại bến xe cũng không kiểm tra, nhắc nhở. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe chở khách không có ngăn vách hầm hàng hoặc khi xe đến đăng kiểm thì được lắp thêm các vách ngăn, sau đó lại tháo ra.

Kiểm soát nguồn hàng lên xe hiện nay cũng có lỗ hổng lớn, mà ông Nguyễn Như Trúc thừa nhận “đây là một bài toán về quản lý rất đáng suy nghĩ”. Theo ông Trúc, không có quy định hay chế tài nào bắt buộc hàng hóa phải được nhà xe mở ra kiểm tra trước khi nhận vận chuyển. Hợp đồng giữa bến và các doanh nghiệp vận tải đều ghi rõ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm không vận chuyển hàng hóa dễ gây cháy, nổ, hàng lậu, hàng cấm... Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các biện pháp mang tính tuyên truyền, nhắc nhở trừ khi phải mở kiện hàng ra nhìn bằng mắt thường hoặc sử dụng các thiết bị soi hàng hóa. Nhà xe ngoài việc yêu cầu khách ghi tên, điện thoại người gửi, người nhận, cẩn thận hơn nữa thì photocopy CMND, còn mở hàng gửi là không được phép. Việc sử dụng các thiết bị nhận diện hình ảnh quá tốn kém, chưa bến xe nào thực hiện được. Vả lại đường bộ không dễ kiểm soát như đường không, khách có thể gửi, nhận hàng bất kỳ đoạn đường nào trên tuyến...

Với những lỗ hổng như phân tích ở trên, có thể thấy việc mang hành lý xách tay hay ký gửi hàng hóa trên xe khách thời gian qua hoàn toàn không có biện pháp quản lý hiệu quả nào từ các lực lượng chức năng. Đây cũng là nguyên nhân của không ít vụ tai nạn xe khách gây hậu quả nghiêm trọng và nếu không có giải pháp cho vấn đề này thì mong muốn “giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả ba tiêu chí” vẫn còn là câu chuyện dài, nhất là trong những dịp người dân nườm nượp sử dụng xe khách cho những kỳ nghỉ lễ, Tết...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe khách chở hàng, an toàn... thả nổi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.