Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó bán như... rau sạch!

Hà Phạm - Tiến Thành| 12/05/2017 06:17

(HNM) - Cả ngày lăn lộn cùng những ruộng rau an toàn nhưng rất đông nông dân tại TP Hồ Chí Minh gặp khó vì đầu ra của sản phẩm khá bấp bênh...

Người nông dân TP Hồ Chí Minh bỏ nhiều công sức trồng rau an toàn nhưng lại chưa được bảo đảm về lợi ích.



Nỗi niềm người trồng rau sạch

Chứng kiến khu vườn rộng khoảng 5.000m2 với đủ loại rau đang thì phát triển mạnh, chúng tôi không khỏi khâm phục gia đình anh Hoàng Trọng Lâm, một hộ trồng rau sạch tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn). Vừa làm rau, anh Lâm vừa chia sẻ, cách đây 15 năm khi rời Nam Định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, vợ chồng anh mất 2 năm vừa cải tạo đất, vừa tự mày mò tìm hiểu kiến thức để trồng rau. Khi ngày mới bắt đầu cũng là lúc cả gia đình ra vườn rồi luôn tay từ sáng đến tối mịt. Đến 20h, mỗi người mỗi hướng đi giao hàng cách nhà hàng chục kilômét. Vợ anh Lâm, chị Trần Thị Sợi kể, mới đây gia đình may mắn ký được hợp đồng bao tiêu rau húng quế xuất khẩu sang Thụy Sĩ, với giá từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thế nhưng, hợp đồng này cũng chỉ giúp anh chị tiêu thụ được khoảng 30% sản lượng, 70% rau còn lại đều phải bán ở chợ với giá chỉ từ 2 nghìn đến 5 nghìn đồng/kg.

Trong căn nhà lợp lá cọ rộng chưa đầy 30m2, anh Lâm chia sẻ, đã 15 năm trong nghề trồng rau, vậy mà đến nay vẫn không có mối tiêu thụ ổn định, rau vẫn phải bán ngoài chợ. “Mặc dù không giàu được từ nghề trồng rau sạch, nhưng trồng rau "bẩn" thì lương tâm không cho phép”. Với thu nhập trung bình chỉ từ 7 đến 8 triệu đồng/người, những người trồng rau như anh Lâm chỉ lấy công làm lãi. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa trong việc tìm đầu ra cho rau sạch, có như thế người trồng rau như chúng tôi mới đỡ vất vả” - anh Lâm giãi bày.

Xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) có một vườn rau rất đặc biệt của anh Phạm Thế Tư (quê Hải Dương). Gọi là đặc biệt vì anh Tư và vợ đều đã tốt nghiệp các trường đại học "có tiếng" tại TP Hồ Chí Minh nhưng sau đó bỏ nghề được đào tạo với mức thu nhập khá để làm nông dân. Nói về sự “liều lĩnh” khởi nghiệp trên cánh đồng, anh Tư cho hay, năm 2015, sau khi chạy vạy khắp nơi để có số vốn ít ỏi, hai vợ chồng tìm đến xã Xuân Thới Thượng thuê gần 3.000m2 đất, dựng căn nhà lá rộng hơn chục mét vuông che mưa nắng và bắt đầu hành trình trồng rau sạch.

“Với tiêu chí sản xuất rau hữu cơ nên chúng tôi lấy mẫu đất, mẫu nước đi kiểm nghiệm. Khi biết chắc kết quả âm tính với các kim loại nặng mới bắt tay vào trồng. Gia đình tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, phân hóa học, thuốc đánh trắng rau, thuốc làm mềm rau trong quy trình sản xuất” - anh Tư nói. Hiện rau của gia đình anh Tư thường bán cho khách lẻ, với khoảng 30kg đến 40kg/ngày. “Việc giao rau cách xa hàng chục cây số với chỉ mấy chục nghìn đồng là chuyện thường ngày. Nếu trừ chi phí 15 triệu đồng/tháng bỏ ra chăm sóc rau, thu nhập còn lại chỉ đủ nuôi sống 2 vợ chồng”, anh Tư nói về cái nghèo của người trồng rau.

Cần sự hỗ trợ về thị trường, công nghệ

Ông Lê Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) cho biết, trên địa bàn xã hiện có 10 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, còn lại vẫn trồng rau theo phương pháp truyền thống. Trong số những hộ trồng rau theo tiêu chuẩn sạch chỉ một số ít kết nối được với những kênh tiêu thụ ổn định, còn lại chủ yếu vẫn mang sản phẩm ra chợ đầu mối hay các chợ lẻ để bán. Tiếng là rau sạch nhưng cũng khó cạnh tranh vì mẫu mã thường không bắt mắt, giá thành cao hơn so với các loại rau thông thường.

Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác gần 4.000ha, trong đó diện tích rau đạt chứng nhận VietGAP là hơn 1.500ha, sản lượng ước tính gần 28 nghìn tấn/năm, rất nhỏ so với nhu cầu khoảng 1 triệu tấn rau/năm của thị trường thành phố. Khoảng gần 50% số lượng rau an toàn sản xuất ra được cung cấp vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Hơn 42% lượng rau được tiểu thương mua trực tiếp tại nơi sản xuất, sau đó phân phối tại các chợ đầu mối đến hàng trăm chợ lẻ trên địa bàn. Số còn lại được nông dân tự phân phối. Tuy nhiên, tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, hiện nay các nông hộ đang sản xuất nhỏ lẻ, do đó cần phải tổ chức quy mô lớn để có trách nhiệm giám sát bảo đảm các quy trình sản xuất với chi phí hợp lý. Ngoài ra, người trồng rau sạch cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, vì các kênh phân phối hiện đại không thể nhập quá nhiều sản phẩm cùng loại trên địa bàn, trong khi nhu cầu tiêu dùng không dừng lại ở một vài sản phẩm. Bà Vũ Kim Hạnh, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp nhận định, về giá thành của sản phẩm, Nhà nước cần hỗ trợ cho sản xuất thực phẩm sạch, trong đó có rau xanh để sản phẩm có giá không quá cao, phù hợp với túi tiền của tất cả mọi người.

Để hỗ trợ công nghệ cho nông hộ sản xuất rau an toàn, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đề án quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố sẽ hình thành từ 1 đến 2 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất rau tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2025, xây dựng bản đồ số hóa vùng sản xuất rau an toàn. Việc công khai quy hoạch chi tiết vùng sản xuất rau tập trung, đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích trồng lúa, mở rộng vùng sản xuất rau an toàn và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cũng rất cần thiết. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm rau an toàn sau thu hoạch trên địa bàn cũng sẽ được nghiên cứu.

Với những chính sách chuyển đổi cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển thị trường thực phẩm sạch của Chính phủ cũng như của TP Hồ Chí Minh, có thể kỳ vọng trong tương lai gần, người nông dân sẽ được bảo đảm về lợi ích khi bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết để cung cấp những thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó bán như... rau sạch!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.