Theo dõi Báo Hànộimới trên

An Vọng - làng nhỏ, chí lớn

Bạch Thanh| 25/06/2017 07:18

(HNM) - “Làng nhỏ mà không bé, dân ít mà không thiếu” - tiếng đồn về một làng ven sông Đáy đã thu hút người làm báo chúng tôi tìm đến thôn An Vọng (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ).


“Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”


Bí thư Chi bộ thôn An Vọng Trần Quang Huy tự hào giới thiệu: “Để hiểu hơn về làng của chúng tôi, mời nhà báo đi thăm một vòng quanh làng!” - nói rồi, như một hướng dẫn viên thực thụ, ông hồ hởi đưa chúng tôi đến từng nơi... Đúng là làng nhỏ thật, chỉ với hơn 300 hộ, chủ yếu làm nghề nông, chia làm 2 xóm trong làng và ngoài trại, nhưng được quy hoạch khá khoa học. Làng có một khu chuyển đổi sản xuất xa khu dân cư, sân vận động ngay giữa trung tâm, nhà văn hóa, nghĩa trang, thư viện... đạt chuẩn nông thôn mới. Không tự nhiên mà có! Để hình thành được một An Vọng hôm nay là hành trình không ít gian nan…

Tủ sách làng An Vọng ngày càng thu hút nhiều độc giả nông thôn đến đọc sách.


Nhớ lại thời kỳ đầy khó khăn, ông Trần Quang Huy kể: Việc khó đầu tiên không thể quên là vận động nhân dân quy tập mộ chí ở khắp các xứ đồng và trong khu dân cư về một mối. Khi nghe lãnh đạo thôn trình bày ý tưởng, đa số người dân không muốn bởi đây là vấn đề tâm linh, có những phần mộ đã được an táng hàng trăm năm! Nhưng vì lợi ích lâu dài, cán bộ, đảng viên trong thôn vẫn kiên trì xin ý kiến toàn thể nhân dân, kể cả những gia đình đang làm ăn, công tác xa quê hương. Hai năm ròng rã với không biết bao cuộc họp bàn, để rồi mọi người mừng rơi nước mắt khi cái tâm vì việc chung được đền đáp: 100% người dân đã đồng tình ủng hộ.

“Tôi vẫn còn nhớ như in ngày 29-11-2013, lễ động thổ nghĩa trang nhân dân của thôn được tổ chức. Với 99.900 viên gạch, 25 tấn xi măng, 102 khối cát, 68 khối đá các loại và hơn 800 ngày công lao động, nghĩa trang nhân dân của thôn được xây dựng . Bà con đã quy tụ 306 ngôi mộ rải rác ở các xứ đồng và khu dân cư về đây. Toàn bộ kinh phí 780 triệu đồng do người dân thôn An Vọng cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện đóng góp. Đây là một trong những nghĩa trang kiểu mẫu, đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện” - ông Huy tự hào chia sẻ.

Việc khó thứ hai là vận động nhân dân hiến đất để làm sân vận động. Ngay từ năm 2011, dù mong muốn thôn có sân vận động để người dân rèn luyện sức khỏe, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao cho thanh thiếu niên, góp phần ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, nhưng không có quỹ đất công, việc hiện thực hóa dường như không tưởng! Nhưng, người An Vọng không dễ đầu hàng. Bà con đã chọn được khu đất Khẩu, nằm sát nhà văn hóa, có diện tích khoảng 4.000m2 để xây sân vận động. Nhiều hộ dân có đất ở vị trí này đồng tình, song vẫn không ít ý kiến trái chiều...

Việc đền bù, giải phóng mặt bằng không khả thi vì thiếu kinh phí. Sau 2 tháng kiên trì vận động, lợi ích tập thể được đặt lên hàng đầu, 284/284 hộ có đất đã đồng ý hiến tặng để xây dựng sân vận động của thôn. “Sân vận động thôn đẹp nhất huyện Chương Mỹ” đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy! Tại lễ khai trương sân vận động, 114 triệu đồng, 20 quả bóng, 4 bộ lưới và 70 bộ quần áo cầu thủ đã được nhiều tập thể, cá nhân ủng hộ để duy trì các hoạt động thể thao...

Một việc khó nữa nhưng cũng thành công nhờ sự chung sức của toàn dân trong thôn, đó là thư viện thôn được thành lập từ năm 2012. Được Trung tâm văn hóa huyện và Thư viện thành phố “đầu tư” luân chuyển sách tăng cường nên đến nay thư viện thôn đã có hơn 2.000 đầu sách… Ngay như người phụ trách thư viện là ông Trần Quang Điển cũng vì “sự nghiệp thôn”, tự nguyện trông nom tận tụy mà không yêu cầu chế độ phụ cấp nào…

Niềm tự hào “nông thôn mới kiểu mẫu”


Vừa dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng sách trong thư viện, “thủ thư” thôn An Vọng Trần Quang Điển vừa vui chuyện: “Mọi việc nhân dân ở đây làm và đóng góp đều bắt nguồn từ niềm tự hào về quê hương. Bởi từ xưa, người dân An Vọng đã được nhân dân trong vùng biết đến và quý mến “nết ăn - nết ở”, ứng xử văn hóa. Giá như, thư viện thôn An Vọng có thêm nhiều sách về chính trị, lịch sử, pháp luật, báo chí, nhất là báo Đảng Thủ đô… để phục vụ nhu cầu người dân trong thôn thì hay biết mấy!”...

Một “bạn đọc” thường xuyên của thư viện - chị Nguyễn Thị Cúc cũng góp vui: "Phụ nữ nông thôn như chúng tôi đã hiểu hơn về đời sống hiện đại qua các loại sách tâm lý, ứng xử, luật hôn nhân và gia đình… Nhiều chủ trang trại tìm đến thư viện để cập nhật các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm nhà nông".

Nói thêm về những thành tích của thôn An Vọng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu Tạ Văn Khuê cho hay, thôn An Vọng có nhiều cái nhất: Được chọn là thôn điểm trong dồn điền đổi thửa của huyện vì việc này hoàn tất chỉ trong 75 ngày; việc thực hiện xây dựng các công trình công ích, mở rộng giao thông nội đồng, thôn xóm, mỗi khẩu ở đây đã hiến tới 44m2 đất - thôn hiến nhiều đất nhất của huyện Chương Mỹ. Không chỉ vậy, 9 năm liên tục, thôn An Vọng không có người sinh con thứ ba; 10 năm liên tục là thôn văn hóa tiêu biểu của huyện; đường làng ngõ xóm mở rộng, ô tô vào đến từng hộ dân; 100% rãnh nước có nắp đậy bảo đảm vệ sinh, 100% nhà ở dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 100% gia đình có nhà vệ sinh tự hoại…

Có những con số đáng tự hào đó ở thôn An Vọng đều nhờ vào sự gắn kết của lòng dân. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, An Vọng có đội ngũ cán bộ cơ sở gương mẫu, nhiệt thành, mọi việc được triển khai dân chủ, chỉ khi 100% dân đồng thuận mới thực hiện, nếu còn ý kiến “xuôi ngược” thì phải tiếp tục kiên trì vận động, tuyên truyền, giải thích… Bởi vậy, giá trị vật chất của mỗi công trình tuy không nhỏ nhưng ý nghĩa về tinh thần chung tay xây dựng quê hương lớn hơn nhiều! Bà Tạ Thị Mến, một người dân của thôn cảm động cho biết, thấy cán bộ năng động nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu được lợi ích từ việc xây dựng quê hương nên nhân dân trong thôn sẵn sàng chung sức, đồng lòng...

Từ những đóng góp đáng quý của nhân dân thôn An Vọng trong xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội khẳng định: Nếu trên địa bàn thành phố có nhiều thôn biết huy động sức dân chung tay xây dựng nông thôn mới như An Vọng thì diện mạo nông thôn Thủ đô sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới nhanh hơn, chất lượng và thiết thực hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Vọng - làng nhỏ, chí lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.