Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Tâm nguyện đời người

Vũ Dung - Thanh Thủy| 17/07/2017 06:16

(HNM) - Gắn đời mình với nghiệp quản trang, những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh luôn tận tâm, hết lòng giữ cho nơi an nghỉ của liệt sĩ sạch đẹp, ấm cúng. Sâu thẳm trong lòng họ còn ấp ủ một mong mỏi, có thể coi là tâm nguyện đời người...

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ xã Sài Sơn (Quốc Oai) Nguyễn Phùng Thao.


Mất đi nhưng còn sống mãi

Cựu chiến binh Nguyễn Phùng Thao, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Sài Sơn (Quốc Oai) kể rằng, tại nghĩa trang này có một liệt sĩ đặc biệt, có lẽ hiếm nơi nào có. Đó là sư thầy Thích Đàm Hiền, trụ trì chùa Khánh Tân, nơi nuôi giấu cán bộ những năm đầu chống Pháp. Trong một lần địch càn quét, do yểm trợ cho cán bộ rút lui an toàn, sư thầy đã bị địch bắt, tra tấn và sát hại ngay tại sân chùa để thị uy. Phải mất nhiều ngày sau, dân làng mới tìm cách đưa thi hài sư thầy ra khỏi chùa, mang đi chôn cất. Câu chuyện về sự hy sinh của sư thầy Thích Đàm Hiền vẫn còn được người dân Sài Sơn nhắc mãi với các thế hệ con cháu sau này như một minh chứng cho lòng quả cảm vì nghĩa, diệt thân.

Trong mạch chuyện về liệt sĩ quê mình, ông Thao không quên nhắc đến những ngôi mộ khuyết danh, cũng là nỗi niềm đau đáu bấy lâu của những người dân quê Sài Sơn. Đây là những chiến sĩ đã hy sinh khi tham gia bảo vệ lá cờ cách mạng trên đỉnh núi Thầy những ngày đầu gây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương, từng bước trở thành an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ sau này. Ông Thao bộc bạch: Các anh mất đi không một cái tên, không một dòng địa chỉ, để lại niềm tiếc thương vô hạn, nỗi trăn trở khôn nguôi cho những người còn sống. Ở nghĩa trang liệt sĩ này, thật buồn vì còn rất nhiều liệt sĩ vẫn chưa xác định được danh tính, chưa tìm được người thân.

Ông Nguyễn Minh Lộng, người coi sóc Đài tưởng niệm liệt sĩ phường Khương Đình (Thanh Xuân) còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu không quản khó khăn, gian khổ bởi một niềm tin son sắc về ngày hòa bình của đất nước đang tới gần. Ông Lộng kể: Sau mỗi trận đánh, chúng tôi có nhiệm vụ tập hợp, chôn cất đồng đội mình. Những lúc đó, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, thương xót bởi sự ra đi của người đồng chí cách đó vài giờ còn bầu bạn, chia sẻ, tâm sự vui buồn, ước mong, dự định cho tương lai phía trước. Không ít lần tôi vừa gạt nước mắt, vừa cõng thi thể đồng đội trên vai đi cả chặng đường dài không nghỉ, chỉ với nguyện vọng chôn cất anh em chu đáo.

Cùng chung nỗi niềm với ông Thao, ông Lộng… là cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn, quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Phú Xuyên. Ông Toàn chia sẻ: “Hằng ngày chăm sóc những phần mộ, tôi vẫn thầm ước ao “Giá mình biết được đồng chí ấy là ai, hy sinh như thế nào”. Vào những dịp các cháu học sinh đến viếng nghĩa trang, mong muốn nghe kể về chiến công của những người nằm dưới mộ, lòng tôi lại thôi thúc mong mỏi đó. Ước gì, chính quyền địa phương, đoàn thể tổ chức các buổi giao lưu, tìm hiểu những câu chuyện này từ đồng đội, từ thân nhân liệt sĩ… rồi ghi chép, tập hợp lại thì ý nghĩa biết bao. Bởi điều này sẽ góp phần củng cố, bồi đắp giá trị truyền thống, để các anh mất đi nhưng tinh thần thì còn sống mãi”.

Vang mãi tấm gương anh hùng liệt sĩ

Bao nhiêu thương binh là bấy nhiêu trận chiến đi qua. Bao nhiêu liệt sĩ là từng đó câu chuyện cuộc đời, tấm gương hy sinh anh dũng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hà Nội đã tiễn đưa hàng vạn người con lên đường đánh giặc; ghi danh, lưu dấu gần 80 nghìn liệt sĩ tại hàng trăm nghĩa trang, đài tưởng niệm trên khắp thành phố, trong đó có không ít những câu chuyện cảm động về liệt sĩ đã được chính những người làm công tác quản trang lưu tâm, ghi nhớ qua đồng đội, thân nhân liệt sĩ. Có thể kể đến câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Đức Thắng (Tập thể Bệnh viện Quân y 108), hy sinh khi lọt vào ổ phục kích của kẻ thù. Trước giờ lâm chung vẫn không quên đặt quanh mình hình ảnh, thư gia đình như những gì anh trân trọng, yêu thương nhất…

Hay những ước mong nhìn thấy miền Bắc hòa bình của liệt sĩ Khuất Minh Dũng (Hạ Hồi, Hoàn Kiếm) thông qua những dòng tâm sự gửi về quê hương “Ở nơi đây máu vẫn đổ nhưng… càng hình dung cảnh miền Bắc thân yêu đang xây dựng, con càng cầm chắc thêm tay súng và ý chí thêm vững vàng”… Và còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện gần gũi đời thường, những ước mong giản dị của các anh: Trước giờ hy sinh mong một lần thấy lại ngôi nhà, giếng nước, bụi tre…; gửi gắm bạn chút tiền còn mang để đóng Đảng phí, làm tròn trách nhiệm của người đảng viên; phút hiểm nguy vẫn quyết nhường nhau sự sống…

Cựu chiến binh, quản trang Nguyễn Phùng Thao tâm sự: “Mỗi một câu chuyện là một bài học giáo dục lớn lao với các thế hệ sau này, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên trong thời bình. Điều này góp phần giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn giá trị của độc lập tự do cũng như khơi dậy ý thức trách nhiệm bản thân trong việc xây dựng, gìn giữ đất nước. Nếu không có những người lưu trữ, gìn giữ những câu chuyện như thế làm sao chúng ta biết đến cuộc đời oanh liệt của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Giá, Nguyễn Văn Thạc… Hiện tại, tôi đã hoàn thành xong phần ghi chép thông tin, mộ chí của liệt sĩ. Giờ tôi nguyện dành thời gian, tâm lực tìm hiểu, lưu giữ để vang mãi những tấm gương anh hùng liệt sĩ”.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Minh Lộng lại mong muốn có thêm nhiều tư liệu về liệt sĩ hơn để nói chuyện tại các trường tiểu học, khu dân cư mỗi khi được mời, để mọi người hiểu rõ hơn thế hệ cha anh đã sống một cuộc đời ý nghĩa như thế nào. “Tôi biết đã có nơi thực hiện việc lưu trữ thông tin liệt sĩ qua tài liệu, lời kể của đồng đội, người thân. Việc làm này nhằm tưởng nhớ, tri ân, đồng thời mở các lớp giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngay tại nơi liệt sĩ yên nghỉ. Cách làm đó rất ý nghĩa và không khó để thực hiện”.

Ông Lộng thổ lộ: “Tôi sẽ bắt tay vào việc tìm hiểu, ghi chép thông tin, dữ liệu về liệt sĩ quê nhà. Một mình làm có thể không dễ dàng nhưng tôi tin sẽ có nhiều người tham gia cùng, để những tấm gương anh hùng liệt sĩ sống động, gần gũi và sâu sắc hơn”.

Gần một tuần rong ruổi với hơn 10 điểm dừng chân, chưa đủ để vẽ nên bức chân dung sâu sắc về những thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh đã và đang thực hành tâm nguyện coi sóc phần mộ đồng chí, đồng đội tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn TP Hà Nội. Còn nhiều, rất nhiều người khác mà người viết chưa có vinh dự gặp gỡ, lắng nghe chuyện đời, chuyện nghề và nỗ lực đầy cảm động của họ để hiện thực hóa những mong mỏi đó. Thông qua bài viết nhỏ này, xin một lần thể hiện sự cảm kích, trân trọng đối với tấm lòng, tình cảm, đức hy sinh của các chú, các bác, những người đã chọn gắn bó đời mình với một nghề thầm lặng mà cao quý, thiêng liêng: Nghề quản trang nghĩa trang liệt sĩ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Tâm nguyện đời người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.