Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước khẽ vào Thành cổ

Yên Nga| 26/07/2017 06:22

(HNM) - Một ngày tháng 7 mưa tầm tã, dòng người đến Thành cổ Quảng Trị thắp hương cho những người nằm lại nơi đây từ 45 năm trước vẫn lặng lẽ nối tiếp. Vẳng đâu đó câu thơ trong bài “Tấc đất Thành cổ” của tác giả Phạm Đình Lân: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ”, nhắc nhở mọi người về cảm giác thiêng liêng khi đến nơi này.

Lặng nghe chuyện nơi này

Chất giọng Quảng Trị trầm ấm, uyển chuyển xen nhiều xúc động, có lúc nghẹn ngào, thuyết minh viên Trần Thị Phương Lan, Phó ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị khẽ kể: Chúng ta đang đứng đây, mảnh đất mà 45 năm về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Suốt 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, quân và dân ta đã bảo vệ thành công Thành cổ và thị xã Quảng Trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sức công phá của 328 nghìn tấn bom, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945, Thành cổ hầu như bị san phẳng. Hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây, hình hài không còn nguyên vẹn. Máu và xương của họ đã hòa vào lòng đất… Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là một nghĩa trang - nơi yên nghỉ chung của các anh.

Dòng người đến Thành cổ Quảng Trị dâng hương vào một ngày mưa tháng 7.


Những đôi mắt đỏ hoe khi nghe thuyết minh viên đọc bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình viết cho mẹ và vợ mới cưới được 6 ngày trước khi anh vào chiến đấu ở Quảng Trị. Như biết chắc rồi đây mình sẽ hy sinh, anh bình thản làm một tấm bia ghi rõ họ tên, quê quán, ngày, tháng, năm sinh và viết thư vĩnh biệt gửi về gia đình với lời lẽ rắn rỏi động viên mọi người. Không ít giọt nước mắt cảm phục hòa cùng nước mưa lặng chảy trên bao khuôn mặt của những người đang dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Mỗi viên gạch, mỗi tấc đất nơi đây là một câu chuyện, đẫm máu xương và cũng đầy tự hào.

Hướng mắt về phía sông Thạch Hãn, ông Trần Văn Tuy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An bồi hồi kể: “Ở con sông này, bao đồng đội của tôi đã nằm lại. Họ trẻ lắm, nhiều người còn chưa biết đến bàn tay con gái”. Ở tuổi 75, là thương binh hạng 2/4 với những mảnh đạn còn găm trong đầu, ông vẫn tích cực hoạt động hội cựu chiến binh, tham gia giúp đỡ gia đình người có công và tìm mộ liệt sĩ. Ông nói rằng năm nào mình cũng trở lại Thành cổ Quảng Trị một đôi lần để thắp hương cho đồng đội.

Phó ban Quản lý Trần Thị Phương Lan thường trò chuyện với những cựu chiến binh; có những lúc chị ghi chép rất tỉ mỉ. Mẹ của chị Phương Lan - bà Hoàng Thị Muộn, từng bị giam tại Thành cổ Quảng Trị hơn 5 tháng. Trong kháng chiến, bà Hoàng Thị Muộn là Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1971, bà bị địch bắt giam ở Thành cổ. Trong nhà lao, bà vẫn tích cực hoạt động tuyên truyền về cách mạng. Vì vậy, sau 5 tháng, bà bị chuyển đến giam ở Bình Định, sau đó là Cần Thơ, đến năm 1973 mới được trả về. Hiện nay, bà Hoàng Thị Muộn đã 73 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, sống cách Thành cổ chỉ 500m. Sớm nào cũng vậy, bà đi bộ đến Thành cổ, thắp hương cho những người đã ngã xuống. “Được nghe những câu chuyện của ba mẹ về một thời oanh liệt nên tôi có nguyện vọng về đây làm việc. Nhiều lần, gặp được đồng đội của ba mẹ, tôi ghi lại địa chỉ của họ để đưa về cho mẹ liên lạc”, chị Phương Lan chia sẻ. Mẹ chị Phương Lan là thương binh hạng 4/4, còn ba chị cũng từng là cựu tù chính trị ở Phú Quốc, là thương binh hạng 3/4.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Thành cổ Quảng Trị được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Bên trong thành có nhiều công trình kiến trúc giá trị. Sau này, thực dân Pháp cho xây dựng một hệ thống nhà lao kiên cố ở phía Đông Bắc Thành cổ, giam hàng nghìn chiến sĩ cộng sản và đồng bào yêu nước. Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên các kiến trúc đều bị phá hủy. Thành cổ nay chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng hậu. Năm 1992, Bộ VH-TT&DL (lúc đó là Bộ Văn hóa - Thông tin) đầu tư tôn tạo các hạng mục quan trọng, biến nơi đây trở thành công viên tưởng niệm những người đã ngã xuống.

Công tác tại đây 16 năm, bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị cho biết: Đây là không gian linh thiêng, là “địa chỉ đỏ” về truyền thống cách mạng ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, cụm di tích Thành cổ Quảng Trị đã vượt phạm vi 24ha đất thành cũ, hướng qua hữu ngạn sông Thạch Hãn, với các công trình tôn vinh, tưởng niệm như: Tháp chuông, Quảng trường Giải phóng, Bến thả hoa, Đài tưởng niệm… Theo Trưởng ban Quản lý, những năm gần đây, lượng khách đến thăm viếng ngày một đông. Năm nay, với dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 45 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, lượng khách đến đây tăng hơn so với năm trước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, lượng người đến với Thành cổ là hơn 100 nghìn lượt. Tháng 7, lượng khách ước tính tăng gấp 5-6 lần so với tháng 6 và gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Ban Quản lý Di tích Thành cổ Quảng Trị có 14 người, gồm đội ngũ đón tiếp, thuyết minh viên và bảo vệ. Đối với từng đối tượng, các thuyết minh viên có cách hướng dẫn khác nhau. Theo hành trình tri ân - đền ơn đáp nghĩa cùng Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái trong những ngày tháng 7, Nguyễn Thanh Vân, sinh năm 1994 bày tỏ: “Tuy đã được học qua sách vở nhưng khi được đến các địa danh cách mạng và các nghĩa trang liệt sĩ tại khu vực miền Trung… em cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống hòa bình, biết ơn các thế hệ cha ông đã ngã xuống. Đặc biệt, tại Thành cổ Quảng Trị, em đã vô cùng xúc động, thương cảm khi biết được bao người đã nằm lại, hòa vào lòng đất, không có mộ riêng”.

Bước ra khỏi cổng Thành cổ, hướng về dòng sông Thạch Hãn hiền hòa chảy, người viết lại thoáng nghe câu thơ của tác giả Lê Bá Dương: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Quá khứ vẫn còn đó, đau thương mà bi tráng, để thế hệ hôm nay ghi tạc, tiếp nối truyền thống cha anh, quyết tâm bảo vệ, dựng xây đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước khẽ vào Thành cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.