Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân An Phú làm du lịch

Sơn Tùng| 29/07/2018 06:55

(HNM) - Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một An Phú (huyện Mỹ Đức) thuộc diện xã nghèo nhất của Thủ đô với muôn vàn khó khăn. Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, An Phú không chỉ thoát nghèo mà nông dân ở đây còn biết tận dụng lợi thế địa phương phát triển du lịch, nâng cao đời sống…

Khu trồng sen rộng gần 200ha ở An Phú - Mỹ Đức thu hút nhiều người đến tham quan, thưởng ngoạn.


Thoát nghèo từ... sen


Hôm nay trở lại An Phú đã thấy nhiều con đường trải nhựa phẳng lỳ, không còn cảnh lầy lội, gập ghềnh "ổ trâu", "ổ gà" như nhiều năm về trước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang cùng với sự chăm chỉ của bà con và sự quan tâm của huyện, TP

Hà Nội, cuộc sống mới đang hình thành ở An Phú. Câu chuyện về những người nông dân “một nắng hai sương”, chân chất, thật thà học làm du lịch cho thấy dù đất nghèo, xa xôi, nhưng nếu hạ tầng được cải thiện, tư duy thay đổi, thì việc ổn định đời sống, làm giàu trên đồng đất quê hương không khó…

An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức với gần 70% số dân là đồng bào dân tộc Mường. Do địa hình lòng chảo nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa do úng ngập, nhất là khi lũ rừng đổ về. Vào mùa mưa, cả xã như một ốc đảo, trắng xóa nước. Thế nên dân An Phú mới có câu "6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay", có nghĩa là nửa năm phải chèo thuyền mà đi lại. Với diện tích tự nhiên khá rộng, khoảng 2.227ha, huyện Mỹ Ðức xác định, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở An Phú phải đầu tư mạnh vào hạ tầng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch - dịch vụ...

Tận dụng lợi thế đồng trũng, vài năm trở lại đây, các hộ dân xã An Phú đã chuyển sang trồng sen, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Trồng sen vừa có thu nhập vừa không lo ngập úng mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan. Anh Nguyễn Hữu Vọng, chủ hộ trồng sen ở thôn Đức Dương (xã An Phú) chia sẻ: Được sự hướng dẫn của chính quyền, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ đất lúa sang trồng sen và thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Đối với người dân chúng tôi, cây sen chính là cây giảm nghèo, vươn lên khá giả và quan trọng hơn, cây sen đã mang đến cơ hội lớn cho xã An Phú về phát triển kinh tế du lịch xanh. Với gần 200ha chuyên trồng sen, mênh mông, bạt ngàn, cứ đến mùa hoa sen nở thì xã An Phú trở thành "thiên đường" chụp ảnh của nhiều du khách.

Cô giáo Đặng Thị Thanh Nhàn, Trường THPT Nguyễn Du (huyện Thanh Oai) chia sẻ, đã đi nhiều nơi chụp ảnh hoa sen, nhưng chỉ khi đến với An Phú mới có cảm giác thú vị bởi thiên nhiên đất trời chỉ có màu hồng của hoa sen, màu xanh của lá, hương thơm ngào ngạt cả một vùng trời lẩn khuất bên những dãy núi trùng điệp. Những ngày đầu đến đây còn hoang sơ, đường đi lối lại vào các đầm sen còn khó khăn, nông dân chủ yếu cho mọi người vào chụp ảnh miễn phí với mục đích bán nông sản. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở đây đã biết tạo dựng một số cầu tre, lều lán, tạo đường đi lối lại, chỉ dẫn cho du khách các vị trí chụp đẹp nhất. Không chỉ đến chụp ảnh sen, nhiều du khách còn coi đây là một điểm nghỉ ngơi, dừng chân lý tưởng bởi phong cảnh hữu tình, không khí trong lành, đường về xã rộng rãi, thông thoáng...

Chị Nguyễn Thị Tuyên, một người dân trồng sen tại An Phú cho biết, mùa sen được bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 8 và hoa sen nở rộ vào tháng 6 đến hết tháng 7. “Thời gian ngắm sen lý tưởng nhất là vào buổi sáng, từ 7h đến 8h. Đây là lúc những đóa hoa sen nở đẹp nhất trong ngày. Ngắm sen vào lúc này cũng thú vị hơn bởi không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ hòa quyện với hương sen ngọt mát, dìu dịu, tinh khiết... Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ cây sen và nhiều loại hoa khác, chúng tôi còn đang được địa phương định hướng trồng thêm tam giác mạch với quy mô, diện tích lớn để phát triển du lịch theo mùa trong năm” - chị Tuyên hào hứng kể.

Xây dựng điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng chia sẻ, sản xuất nông nghiệp ở An Phú gắn được với du lịch sẽ góp phần rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị của nông sản địa phương, tránh được tình trạng “được mùa - mất giá”, góp phần chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế cho thấy, từ khi phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch tại xã, nông sản ở đây tiêu thụ dễ dàng hơn. Thay vì bán cho thương lái với giá rẻ thì nay các loại sản phẩm từ cây sen như hoa, hạt… bán cho du khách được giá cao hơn so với thương lái từ 10 đến 20% mà vẫn khiến du khách hài lòng. Các sản phẩm từ chăn nuôi như: Gà đồi, dê núi, cá đầm…, du khách không chỉ thưởng thức ngay tại các đầm sen mà còn mua về làm quà. Bên cạnh đó, phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương còn hướng đến cộng đồng, góp phần bảo tồn văn hóa của bà con dân tộc Mường trên địa bàn xã.

Phó Chủ tịch HĐND xã An Phú Đinh Công Võ cho biết, thực hiện chủ trương về xây dựng khu Festival hoa sen, Đảng ủy, chính quyền xã An Phú vận động và khuyến khích người dân chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen để tăng thu nhập. Tuy nhiên, vấn đề làm du lịch của nông dân An Phú mới ở mức “sơ khai”, còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, sản phẩm du lịch còn đơn giản… về lâu dài, khó hấp dẫn du khách. Ngoài ra, du lịch của nông dân An Phú chưa được chú trọng về thương hiệu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng…

Do vậy, để khai thác, phát triển du lịch tại vùng này, An Phú rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đào tạo kỹ năng phục vụ du khách và chiến lược quảng bá thương hiệu sen An Phú. Mặt khác, An Phú cũng rất cần xây dựng các dự án, đề án kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch xanh tại vùng sen này với kỳ vọng nơi đây sớm trở thành trung tâm Festival hoa sen của huyện Mỹ Đức theo quy hoạch đã được phê duyệt. Qua đó sẽ giúp vùng chiêm trũng An Phú trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô không chỉ bình an mà còn trù phú, giàu đẹp như cái tên vốn có - An Phú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân An Phú làm du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.