Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới

Ngọc Quỳnh| 24/08/2018 06:11

(HNM) - Dù cơ thể không còn lành lặn, song với ý chí, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, các thương binh sau khi rời quân ngũ trở về với đời sống thường ngày vẫn lạc quan, yêu đời. Dù gặp vô vàn trở ngại, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, người thân, họ tự vươn lên bằng nội lực, làm giàu cho gia đình. Không những thế, họ còn là những tấm gương sáng trong giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.

Tay trắng lập nghiệp

Theo lời giới thiệu của cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì, chúng tôi tới thăm gia đình thương binh Nguyễn Văn Ngâm ở thôn 1, xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì). Dù bây giờ đã trở thành một trong những “đại gia” ở vùng đất Đông Mỹ nhưng ông Ngâm vẫn giữ được nét giản dị của người chiến sĩ năm xưa.

Thương binh Nguyễn Văn Ngâm cho cá ăn.


Dẫn khách đi thăm khu trang trại sinh thái, ông Ngâm nhớ lại: "Năm 1975, sau khi trở về quê hương, xây dựng gia đình rồi sinh liền mấy người con, hoàn cảnh gia đình tôi hồi đó khá khó khăn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi được nhận vào làm cán bộ thủy nông, nhưng với đồng lương ít ỏi vẫn không đủ nuôi gia đình. May mắn là từ năm 2000, xã Đông Mỹ có chủ trương thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Cùng với diện tích đất nông nghiệp cấy lúa kém hiệu quả sẵn có, sự giúp đỡ của người thân và vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi mạnh dạn thuê thêm 9ha đất để đào ao nuôi cá và vịt thương phẩm...".

Mọi việc cũng không thuận như ông Ngâm nghĩ ban đầu. Bắt tay vào làm, vì chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên thua lỗ. Nhưng với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại của Bộ đội Cụ Hồ, ông Ngâm đã kiên trì học hỏi kỹ thuật chăn nuôi từ trong sách báo và các mô hình trang trại hiệu quả, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo dần đi vào ổn định, thu nhập tăng lên. Sau thời gian tìm hiểu mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, năm 2011, ông Ngâm quyết định đầu tư thêm các chòi cho khách đến câu cá thư giãn và mở nhà hàng ăn uống. Hiện mô hình của ông Ngâm cho thu lời mỗi năm gần một tỷ đồng. "Là thương binh, nhưng tôi luôn tự nhủ phải vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con cháu, đồng đội, chia sẻ kinh nghiệm để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương", ông Nguyễn Văn Ngâm bộc bạch.

“Chứng kiến những ngày gian nan, cơ cực ông cùng vợ con đắp đất, kè ao làm trang trại tổng hợp, ai cũng cảm phục nghị lực của ông Ngâm. Sau gần 18 năm, từ những thửa ruộng trũng, ông đã cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản rộng lớn, kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, là mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn xã”, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Phạm Hải Hậu cho biết.

Rời thôn 1 của xã Đông Mỹ, chúng tôi tới thăm cơ sở may của gia đình thương binh Trần Quang Tuấn tại thôn 2. Dù sức khỏe yếu, nhưng với tinh thần của người chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử nên ông Tuấn đã tìm đủ cách để quyết tâm làm giàu, không để vợ con vất vả. Ông tâm sự: “Để có được cơ ngơi như hôm nay là công sức của cả hai vợ chồng. Vào khoảng năm 2000, gia đình tôi rất túng thiếu, con nhỏ, bản thân thì cứ trái nắng trở trời là ốm đau liên miên. Song, với sự động viên của gia đình, tôi đã tìm hiểu nhiều việc để phát triển kinh tế gia đình".

Năm 2004, được bạn bè giới thiệu cùng với sự hiểu biết của vợ về nghề may, ông Tuấn đã xuống các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh tìm hiểu công việc may quần áo để xuất bán cho các công ty. Ban đầu, hai vợ chồng ông mở một xưởng nhỏ tại gia đình, nhưng nhờ uy tín về chất lượng và thời gian giao hàng nên nhiều đối tác tin tưởng, hợp đồng tăng dần theo các năm. Ngoài ra, được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì tạo điều kiện cho vay vốn giải quyết việc làm, đến nay, xưởng đã có 30 máy may, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không những thế, ông Tuấn tạo việc làm cho 36 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Giúp đỡ nhau cùng làm giàu

Chia sẻ về những tấm gương sáng cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Huy Khôi cho biết, với suy nghĩ “tàn mà không phế”, phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được triển khai tích cực, sâu rộng trên địa bàn xã với nhiều mô hình hiệu quả. Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về khuyến nông, khuyến ngư, dạy nghề cho hội viên… Với phương châm "Đoàn kết, nghĩa tình và hợp tác cùng phát triển", những người có kinh nghiệm truyền đạt lại cho hội viên khác cùng làm giàu.

Điển hình như thương binh Nguyễn Văn Ngâm, không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà ông còn là người tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp đỡ người dân trong xã chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhờ đó, những năm gần đây, xã Đông Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao từ 400 đến 600 triệu đồng/ha. Đặc biệt, ông Ngâm cùng một số người khác huy động mỗi hội viên cựu chiến binh có điều kiện về kinh tế đóng góp từ 200 nghìn đồng trở lên để thành lập quỹ hội. Do đó, ngoài nguồn vốn ủy thác cho Hội Cựu chiến binh xã theo các chương trình tín dụng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng, quỹ Hội Cựu chiến binh xã còn có 104 triệu đồng để cho hội viên vay vốn giải quyết việc làm.

"Mặc dù với món vay còn nhỏ, nhưng Hội Cựu chiến binh xã cùng một số hội viên tiêu biểu khác đã xuống từng gia đình có nhu cầu vay vốn nhằm tư vấn, góp ý về mô hình canh tác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi... để hội viên sử dụng hiệu quả đồng vốn. Nhờ đó, đời sống của mỗi hội viên ngày càng khá, không còn cảnh nghèo đói như trước", cựu chiến binh Hoàng Văn Hưởng ở thôn 5, xã Đông Mỹ khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền, hiện nay, tổng dư nợ vốn vay được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác qua Hội Cựu chiến binh huyện được hơn 29 tỷ đồng, cho 1.006 hộ vay. Nhờ vào vốn vay ưu đãi này và nguồn lực của người thân, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn huyện, nhất là ở xã Đông Mỹ đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, giúp nhau cùng làm giàu.

Có thể nói, các cựu chiến binh trong thời bình đã phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, họ xứng đáng là những chiến sĩ quả cảm trên mặt trận mới là xây dựng quê hương giàu đẹp, thân thiện, nghĩa tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.